Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chứng khoán Mỹ sốc theo giá dầu

Thùy Dương| 08/01/2015 06:57

(HNM) - Giá dầu rớt xuống dưới ngưỡng 50 USD/thùng đã tác động mạnh đến thị trường chứng khoán thế giới, đặc biệt là thị trường chứng khoán Mỹ.


Ngày 6-1, thị trường chứng khoán Mỹ đi xuống trong phiên thứ năm liên tiếp, trong đó giá dầu lao dốc đã tác động mạnh đến các cổ phiếu trong lĩnh vực năng lượng. Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 Energy (lĩnh vực năng lượng) giảm 1,3%. Chỉ số chứng khoán S&P 500 gánh chịu chuỗi giảm điểm dài nhất trong 13 tháng qua khi mất tới 4,2% trong 5 phiên giao dịch gần đây nhất. Sau khi "mở hàng" tuần này với phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ ngày 9-10-2014, chỉ số S&P 500 khép lại phiên giao dịch thứ hai của tuần (6-1) với mức giảm 17,97 điểm (0,89%) xuống 2.002,61 điểm. Cùng thời điểm này, chỉ số Dow Jones giảm 130,01 điểm (0,74%) xuống 17.371,64 điểm và chỉ số Nasdaq Composite giảm 59,84 điểm (1,29%), còn 4.592,74 điểm.


Lý giải cho những cú sốc trên thị trường chứng khoán những ngày đầu năm mới, nhiều nhà phân tích cho rằng việc các nhà đầu tư bán tháo tài sản là do tâm lý lo ngại trước việc giá dầu thô tiếp tục lao dốc. Nguồn cung dư thừa, phần lớn đến từ sự đột phá trong sản xuất dầu khí đá phiến tại Mỹ. Công nghệ "vắt đá ra dầu" đã mang lại hiệu quả vượt bậc, nhưng Mỹ đã sản xuất hơn một nửa lượng dầu dùng trong nước. Quan ngại về tình trạng dư thừa dầu càng trở nên tồi tệ hơn sau khi Nga công bố dữ liệu cho thấy sản lượng khai thác dầu đã đạt mức cao kỷ lục trong thời hậu Xô Viết, trung bình 10,58 triệu thùng/ngày vào năm 2014. Trong khi đó, xuất khẩu dầu của Iraq, nhà sản xuất lớn thứ hai của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC), đã lên đến mức cao nhất kể từ năm 1980, với sản lượng trung bình 2,517 triệu thùng/ngày trong năm 2014.

Giới phân tích cũng cho rằng bên cạnh việc giá dầu thô giảm mạnh, thị trường còn bị tác động bởi những thông tin kinh tế ảm đạm. Lĩnh vực dịch vụ của Mỹ trong tháng 12-2014 tăng chậm lại với chỉ số PMI giảm xuống 56,2 điểm trong khi số đơn đặt hàng mới trong lĩnh vực chế tạo giảm trong tháng thứ tư liên tiếp. Trong báo cáo triển vọng đầu tư mới được công bố, ông "vua" trái phiếu Bill Gross cho rằng, giá của nhiều tài sản sẽ giảm trong năm 2015 do chính sách lãi suất thấp kỷ lục của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) không thể thúc đẩy kinh tế tăng trưởng như mong muốn. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm chạp như hiện nay, giới đầu tư sẽ chuyển hướng sang những tài sản ít rủi ro hơn như USD, vàng… Các báo cáo kinh tế mới công bố càng khiến giới đầu tư băn khoăn về việc liệu nền kinh tế hàng đầu thế giới đã đủ sức để tiến vào giai đoạn thắt chặt chính sách tiền tệ. Trên thực tế, kinh tế Mỹ đang phục hồi, tăng trưởng ổn định và vững chắc hơn kinh tế Châu Âu và Nhật Bản. Cường quốc số một thế giới có nhiều khả năng sẽ duy trì được đà tăng trưởng và mức độ ổn định của tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Nhưng cùng với đó, đồng USD mạnh lên sẽ buộc FED điều chỉnh chính sách tiền tệ. Với đà cải thiện mạnh mẽ của thị trường lao động và các hoạt động kinh tế, các nhà đầu tư hy vọng FED sẽ nhanh chóng nâng lãi suất.

Dẫu vậy, theo dự báo của một số chuyên gia, giá dầu có thể sẽ tiếp tục giảm trong vài tuần tới và sẽ ảnh hưởng lớn tới môi trường đầu tư tại Mỹ. Mặc dù về cơ bản, đà lao dốc của giá dầu đang thúc đẩy chi tiêu hộ gia đình nhưng lại hạn chế đầu tư của doanh nghiệp vào thiết bị. Theo người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest, giá năng lượng sụt giảm có lợi cho kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, "cái lợi" đó có vẻ chỉ đúng với người tiêu dùng. Các tài xế Mỹ đang hưởng giá xăng thấp nhất kể từ năm 2009 khi trung bình mỗi gallon chưa tới 2 USD, doanh số bán ô tô tăng đều trong những tháng gần đây. Ngược lại, các công ty dầu khí và các bang ở Mỹ phụ thuộc vào doanh thu thuế từ các công ty này như Alaska và Texas lại phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Bộ Năng lượng Mỹ hồi giữa tháng 12-2014 cũng thừa nhận không thể lạc quan vì 700 triệu thùng nằm trong kho "Dự trữ dầu mỏ chiến lược" (SPR) đã khiến họ mất đến 35 tỷ USD từ tháng 6-2014.

Những thông tin trái chiều khiến các nhà đầu tư không mấy yên lòng, thị trường chứng khoán vốn là hàn thử biểu nhanh nhạy nhất với mọi biến động của nền kinh tế đang trong cơn chấn động. Dù kinh tế Mỹ gần đây đã xuất hiện những dấu hiệu tích cực, nhưng vẫn còn đó nhiều yếu tố rủi ro đến từ sự phục hồi mong manh và bất ổn của tình hình chính trị toàn cầu. Trong bối cảnh đó, giới đầu tư đã chuẩn bị tâm lý cho những "ngày đen tối" trên thị trường chứng khoán thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chứng khoán Mỹ sốc theo giá dầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.