Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chỉ số VN-Index tăng mạnh: Sức bật nội sinh

Hà Linh| 12/04/2018 06:49

(HNM) - Vượt kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư, chỉ số chứng khoán liên tiếp tăng mạnh trong những ngày qua, với việc VN-Index lập “đỉnh” mới. Riêng trong quý I-2018, với mức tăng 19,33%, VN-Index được xếp hạng là chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới, bỏ xa mức tăng 15,52% của thị trường đứng thứ 2 là Ai Cập.

Kinh tế vĩ mô ổn định thời gian dài giúp chỉ số chứng khoán liên tiếp tăng trong năm 2017 và 3 tháng năm 2018. Ảnh: Hồ Như


Tăng trưởng ấn tượng

Vượt 500, rồi 600 điểm, nhà đầu tư từng kỳ vọng được chạm đến ngưỡng 700 điểm. Nhưng không dừng ở đó, VN-Index thẳng tiến đến mốc 1.000 điểm trước sự bất ngờ của không ít chuyên gia, nhà đầu tư sành sỏi. Tiếp đà tăng trưởng, VN-Index đã vượt ngưỡng 1.100 điểm và chạm tới mốc 1.200 điểm. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9-4, chỉ số VN-Index đã đạt 1.204,33 điểm, HNX-Index đạt 137,79 điểm.

Không chỉ lập "đỉnh" mới, thị trường chứng khoán Việt Nam đã khiến cả thế giới chú ý khi VN-Index được đánh giá là chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới, với mức tăng 19,33% trong quý I-2018. Tính trong 6 tháng gần nhất, VN-Index cũng dẫn đầu nhờ mức tăng tới 46%. Phiên cuối cùng của quý I-2018, VN-Index chạm mức “đỉnh” của lịch sử thị trường chứng khoán tại thời điểm đó là 1.174,46 điểm, HNX-Index tăng 13,4% (chạm 132,46 điểm) và UPCoM tăng 10,5% (chạm 60,66 điểm).

Theo Ủy ban Chứng khoán nhà nước, vốn hóa thị trường trong quý I-2018 cũng tăng 18% so với cuối năm 2017, đạt 183 tỷ USD (tương đương 4,16 triệu tỷ đồng). Trong đó, riêng sàn TP Hồ Chí Minh (HOSE) chiếm tỷ trọng lớn của thị trường, ở mức 77%, đạt gần 3,2 triệu tỷ đồng. Như vậy, mức vốn hóa thị trường hiện tại vào khoảng 82,2% GDP, chưa tính trái phiếu, là một trong những kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế.

Đặc biệt, không còn những phiên giao dịch ảm đạm với giá trị chỉ dừng ở mức 2.000-3.000 tỷ đồng, tính thanh khoản thị trường liên tiếp tăng mạnh, đạt giá trị giao dịch bình quân 8.000-10.000 tỷ đồng. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường trong quý I-2018 đạt hơn 20 tỷ cổ phiếu, tăng 13% so với quý IV-2017 (tương ứng tổng giá trị giao dịch đạt 524 nghìn tỷ đồng). Sàn HOSE vẫn chiếm tỷ lệ giao dịch lớn nhất, đạt hơn 14,5 tỷ cổ phiếu, nhưng mức tăng trưởng lại nhỏ nhất, chỉ 11%.

Và những dự báo

Thị trường chứng khoán đang có những bước phát triển đột phá trong năm 2018.Ảnh: Nhật Nam


Cùng với những chỉ số kinh tế vĩ mô ổn định liên tục trong 2 năm trở lại đây, các chính sách hấp dẫn thu hút nhà đầu tư, sự hồi phục của thị trường chứng khoán nhờ sự tham gia của các “đại gia”. Những thương vụ đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) thành công được coi là “cú hích” cho thị trường như Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL)... Với việc IPO của các tên tuổi lớn, thị trường đã thu hút 21.300 tỷ đồng.

Ngoài ra, những “cơn sốt” chào sàn của các cổ phiếu ngân hàng như HDBank, TPBank hay VPBank góp phần làm “nóng” thị trường chứng khoán Việt Nam. Chào sàn với giá 33.000 đồng/cổ phiếu, giá trị vốn hóa của HDBank khi lên sàn vào khoảng 32.400 tỷ đồng, nằm trong top 20 doanh nghiệp có vốn hóa cao nhất trên sàn HOSE. Đặc biệt, mã cổ phiếu của VPBank niêm yết 1,33 tỷ cổ phiếu trên sàn HOSE với giá tham chiếu 39.000 đồng/cổ phiếu đã trở thành “hiện tượng” khi đạt giá trị vốn hóa gần 52.000 tỷ đồng.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế đã làm nên những kỳ tích của thị trường chứng khoán, trong đó GDP quý I-2018 tăng 7,38% so với cùng kỳ năm 2017, mức tăng cao nhất của quý I trong 10 năm trở lại đây. Bức tranh kinh tế hồi phục mang đến sự hồi sinh và tạo nên sự hấp dẫn cho các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán. Cũng trong quý I-2018, nhiều doanh nghiệp niêm yết công bố tỷ lệ chia cổ tức khá cao, mang lại "cú hích" cho thị trường, hấp dẫn nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước.

Chứng kiến đà tăng điểm “ngoạn mục” của thị trường chứng khoán, giới chuyên gia, nhà đầu tư đã rất lạc quan. Theo ông Lu Hui Hung, Giám đốc Khối phân tích và tự doanh Công ty Chứng khoán Phú Hưng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn cuối của chu kỳ tăng trưởng. Xu hướng tăng sẽ tiếp tục được thúc đẩy bởi sự mở rộng của nền kinh tế. Thị trường chứng khoán sẽ không có hiện tượng “bong bóng” và không phải lo lắng quá nhiều như năm 2008. Dự báo, chỉ số VN-Index sẽ dao động ở mức cao, với biên độ lớn, từ 800 điểm đến 1.200 điểm.

Nhà đầu tư nên nắm giữ các cổ phiếu có khả năng tăng trưởng bền vững và có tính liên kết với sự tăng trưởng GDP bình quân đầu người. Trong đó có ngành Ngân hàng khi chỉ số NIM (tỷ lệ thu nhập lãi cận biên) tăng trưởng tốt cùng nỗ lực xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đạt kết quả... Nhóm ngành Chứng khoán cũng được hưởng lợi từ sự bùng nổ của thị trường chứng khoán; cùng những diễn biến tốt của các chỉ số hỗ trợ cho danh mục tự doanh lớn của các công ty chứng khoán hàng đầu.

Về kế hoạch phát triển thị trường chứng khoán thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho biết, sẽ hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao năng lực quản lý, giám sát, cũng như phát triển, tái cấu trúc thị trường. Cùng với đó, sẽ đa dạng hóa các sản phẩm chứng khoán, sản phẩm cơ cấu, phát triển các sản phẩm phái sinh theo lộ trình từ đơn giản đến phức tạp, thúc đẩy sự phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Với sự khởi sắc của nền kinh tế và cam kết của Chính phủ trong việc tháo gỡ rào cản đầu tư, hỗ trợ kinh tế tư nhân, những tác động tâm lý tích cực từ các đợt thoái vốn nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước... sẽ tạo cơ sở vững chắc để thị trường chứng khoán năm 2018 phát triển mạnh và bền vững.

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, các nhân tố chính dẫn đến sự tăng trưởng mạnh của thị trường chứng khoán là từ kinh tế vĩ mô của Việt Nam có sự ổn định. Cùng với đó, bản thân nội tại các doanh nghiệp niêm yết có kết quả kinh doanh rất tốt và dòng vốn ngoại là nhân tố quan trọng mang đến sự thành công của thị trường.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chỉ số VN-Index tăng mạnh: Sức bật nội sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.