Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khắc phục chậm giải ngân đầu tư công

Hồng Sơn| 08/06/2018 07:47

(HNM) - Đầu tư công là hoạt động quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội và gắn liền với kết quả tăng trưởng kinh tế.


Đến nay, tỷ trọng vốn đầu tư công trong tổng đầu tư xã hội đang có xu hướng giảm, từ mức hơn 45% vào năm 2005 xuống còn 38% vào năm 2010 và duy trì ở mức gần 40% trong những năm gần đây. Qua thời gian, chất lượng đầu tư công, nhất là giải ngân cũng được cải thiện. Đơn cử, năm 2017 mức giải ngân từ nguồn ngân sách đạt 83,9% là kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tỷ trọng đầu tư công trong tổng đầu tư toàn xã hội có giảm, nhưng tốc độ còn chậm. Theo Bộ Tài chính, vẫn còn tình trạng một số nhà thầu, chủ đầu tư chậm làm thủ tục nghiệm thu, thanh toán dẫn đến kéo dài thời gian thi công...

Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã làm việc với một số bộ về vấn đề này. Cụ thể, mức giải ngân của các dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ thuộc quản lý của Bộ Giao thông - Vận tải mới đạt gần 10% so với yêu cầu. Lãnh đạo Bộ cho rằng có vướng mắc trong quy định của Luật Đầu tư công. Chẳng hạn, theo quy định tại Điều 55, dự án được phê duyệt đầu tư thì phải thẩm định nguồn vốn, nhưng Điều 58 lại quy định dự án muốn được bố trí vốn phải được phê duyệt trước. Điều này gây lúng túng, mất thời gian cho chủ dự án cũng như các bên liên quan.

Trong khi đó, lượng vốn đầu tư công trung hạn cho 3 bộ Y tế; Giáo dục và Đào tạo; Văn hóa, Thể thao và Du lịch là 44 nghìn tỷ đồng nhưng cả 3 bộ đều giải ngân chậm so với yêu cầu. Riêng đối với Dự án Xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức rơi vào tình trạng cầm chừng. Tình hình tại Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không khá hơn khi còn tình trạng không giải ngân hết vốn năm 2017 rồi đề nghị kéo dài sang năm 2018.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, lượng vốn đầu tư công dành cho các bộ rất lớn, có tầm quan trọng đối với sản xuất và an sinh xã hội nên để xảy ra tình trạng chậm giải ngân là không thể chấp nhận, gây ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng chung. Từ đó, các bộ phải làm rõ trách nhiệm, đối chiếu xem nguyên nhân ách tắc xảy ra ở công đoạn, bộ phận nào nhằm chấn chỉnh, khắc phục sớm; không thể kéo dài tình trạng nơi “đói vốn”, nơi có vốn mà không giải ngân được... Phó Thủ tướng nhận xét, nhiều dự án tư nhân có khối lượng công việc và quy mô lớn nhưng giải ngân rất nhanh trong khi dự án khu vực công lại chậm. Vì vậy, phải định rõ trách nhiệm của lãnh đạo, ban quản lý dự án, từng cá nhân và đơn vị cụ thể. Phải rà soát việc giao vốn, hoạt động đôn đốc, kiểm tra ra sao hay thiếu trách nhiệm...? Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra toàn diện 43 dự án thuộc Bộ Giao thông - Vận tải. Bên cạnh đó, các bộ cần phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp ý kiến; tập trung nghiên cứu, đề xuất sửa đổi những bất cập trong các nghị định liên quan, trình Chính phủ trong tháng 6-2018.

Theo ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), cơ quan chức năng sẽ kiên quyết đề xuất cấp có thẩm quyền cắt giảm hoặc điều chuyển vốn của các bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư ngay từ đầu năm để bổ sung vốn cho những công trình, dự án quan trọng, cấp bách đang cần vốn. Bộ Tài chính cùng các bộ khác cũng tăng cường phối hợp, rà soát và đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách còn bất cập, gây vướng mắc trong thực thi. Bộ cũng sẽ hoàn thiện cơ sở dữ liệu về kế hoạch vốn, tình hình giải ngân các dự án trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khắc phục chậm giải ngân đầu tư công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.