Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tỷ giá tăng - Áp lực không nhỏ

Hà Linh| 07/07/2018 06:08

(HNM) - Liên tục biến động kể từ giữa tháng 6 đến nay, tỷ giá đang là đề tài


USD "nhảy múa"

Sau khoảng 5 tháng khá bình ổn, kể từ giữa tháng 6 đến nay, tỷ giá không ngừng thay đổi theo chiều hướng tăng. Theo ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong khoảng 5 tháng đầu năm nay tương đối ổn định nhờ thị trường trong nước và quốc tế có nhiều yếu tố thuận lợi như cán cân thương mại thặng dư, đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân ở mức cao, một số thương vụ bán vốn thu hút lượng lớn vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam, chỉ số USD Index thế giới ít biến động. Trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, Ngân hàng Nhà nước đã mua được lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối, góp phần củng cố an ninh tài chính - tiền tệ quốc gia và tăng khả năng can thiệp thị trường ngoại tệ khi cần thiết.

Song, đồng USD qua thời kỳ bình lặng, đặc biệt từ ngày 2-7 đến nay, giá USD liên tục ở mức cao, vượt qua ngưỡng 23.000 VND/USD. Mặc dù cơ quan chức năng vẫn khẳng định, thanh khoản thị trường bảo đảm, trạng thái ngoại tệ duy trì ở mức dương, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, mọi nhu cầu mua ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, nhưng không ít doanh nghiệp vẫn bất an với sự biến động khá nhanh của thị trường ngoại tệ. Ngày 4-7, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố trên website đã giảm nhẹ, với mức khoảng 5 VND/USD so với ngày 3-7 là 22.630 VND. Với biên độ +/-3%, tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch của Ngân hàng Nhà nước là 22.700 VND/USD và 23.050 VND/USD. Tuy nhiên, giá USD được niêm yết tại các ngân hàng thương mại lại không có dấu hiệu giảm, mà tiếp tục duy trì ở mức cao. Cụ thể, Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 23.000 VND/USD (mua vào) - 23.070 VND/USD (bán ra); VietinBank: 23.002 VND/USD (mua vào) - 23.072 VND/USD (bán ra), tăng khoảng 9 VND/USD ở chiều mua vào; BIDV: 23.000 VND/USD (mua vào) - 23.070 VND/USD (bán ra).

Trên thị trường tự do, đồng USD cũng đang "nhảy múa" khi được giao dịch phổ biến ở mức 23.090 VND/USD (mua vào) - 23.120 VND/USD (bán ra). Như vậy, chênh lệch giữa hai thị trường không lớn. Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm đã được điều chỉnh tăng khoảng 200 đồng, tương đương 0,98% trong khi giá USD tại các ngân hàng thương mại tăng khoảng 295 đồng, tương đương 1,3%. Nhưng, tính riêng trong 2 tuần trở lại đây, tức là sau thời điểm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất USD, tỷ giá trung tâm đã tăng 0,23% trong khi tại ngân hàng thương mại, "đồng bạc xanh" cũng tăng 0,79%.

Trong tầm kiểm soát

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa nhận định, diễn biến tỷ giá trong đợt điều chỉnh gần đây chịu tác động rất mạnh từ thị trường quốc tế, đặc biệt là tác động mạnh do FED tăng lãi suất. Đồng thời, cũng phản ánh xu hướng thắt chặt tiền tệ đang bắt đầu ở ngân hàng trung ương các nước, đặc biệt là Châu Âu và Nhật Bản.

Theo các chuyên gia, tỷ giá tăng ảnh hưởng khá lớn đến doanh nghiệp. Nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ đình trệ trở lại, thậm chí một số quốc gia mới nổi có thể có những biến động về tỷ giá hối đoái và quay lại tình trạng thâm hụt cán cân vãng lai. Đối với Việt Nam, tăng trưởng kinh tế có thể sẽ chậm dần, các quý sau sẽ không thể đạt được mức cao như quý I vừa qua.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, xu thế dài hạn, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể chậm lại, tuy nhiên, tỷ giá sẽ không có biến động lớn do lạm phát của Việt Nam vẫn ở mức thấp, lãi suất VND tương đối ổn định trong khi dự trữ ngoại hối đang ở mức cao kỷ lục. Ngoài ra, đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam có thể giảm trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường có triển vọng đầu tư tốt. Biến động tỷ giá thời gian qua do có những tác động khách quan, nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Dù vậy, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ lo ngại, việc tăng tỷ giá trong những ngày gần đây không phải là hiện tượng nhất thời mà có thể kéo dài trong năm 2018. Từ nay đến cuối năm, hiện tượng tăng tỷ giá sẽ được lặp lại nhiều hơn và dự báo, 6 tháng cuối năm, tỷ giá sẽ tăng khoảng 1-3% so với đầu năm. Nếu tỷ giá tăng thêm 1% là chuyện bình thường và có tác dụng hỗ trợ xuất khẩu, nếu tăng đến 3% vẫn ở trong biên độ biến động mà Ngân hàng Nhà nước có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, tỷ giá liên tục tăng cao là tín hiệu không mấy khả quan, nhất là vào nửa cuối năm, nhu cầu sử dụng USD tăng cao. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhất là xuất, nhập khẩu. Giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cũng tăng theo. Ngoài ra, các doanh nghiệp vay vốn bằng ngoại tệ càng chịu ảnh hưởng khi phải tăng chi phí kinh doanh. Hơn nữa, tỷ giá tăng không có lợi cho kiểm soát lạm phát. Điều này sẽ dẫn đến một loạt mặt hàng, dịch vụ tăng giá theo như xăng dầu, điện, nước, y tế, giáo dục...

Bởi thế, Ngân hàng Nhà nước đang tập trung triển khai các biện pháp nhằm giảm áp lực từ tỷ giá tăng để ổn định kinh tế vĩ mô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tỷ giá tăng - Áp lực không nhỏ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.