Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt: Nhiều lợi ích

Hà Linh| 18/05/2019 06:16

(HNM) - Thanh toán tiền điện, internet, truyền hình cáp, hay mua vé máy bay, đặt tour, thậm chí là nộp thuế, phí bảo hiểm... qua tài khoản ngân hàng đã dần trở thành thói quen của nhiều doanh nghiệp và cá nhân.

Thanh toán không dùng tiền mặt đang phát triển mạnh tại nhiều nơi. Ảnh: Mạnh Hùng


Thay đổi dần thói quen

Tại các đô thị lớn, nhiều người đã thường xuyên sử dụng thẻ để chi tiêu trong cuộc sống. Không phải mang theo tiền mặt bên người, không lo nhầm lẫn hay thiếu tiền lẻ, với chiếc thẻ cùng tài khoản trong ngân hàng, người sử dụng có thể chi tiêu bất cứ ở đâu có máy chấp nhận thanh toán. Có thể là thẻ tín dụng trả trước (debit card - trong thẻ có bao nhiêu tiền có thể sử dụng bấy nhiêu), hoặc thẻ tín dụng trả sau (credit card - người dùng sẽ được ngân hàng cấp một hạn mức tín dụng trước), hay sử dụng các loại ví điện tử, có thể chi tiêu ở nước ngoài.

Bên cạnh việc mua hàng hóa, đặt phòng khách sạn, thanh toán vé máy bay... với tài khoản ngân hàng, người dùng còn có thể thanh toán hóa đơn tiền điện, tiền nước, điện thoại, internet... bằng chuyển khoản hay đăng ký với ngân hàng dịch vụ tự động khấu trừ tài khoản hằng tháng. Chị Nguyễn Chi Lan (khu tập thể A2 Trung Tự, Hà Nội) cho biết: "Tôi hầu như không mang tiền mặt theo người, chỉ sử dụng tài khoản ATM, hoặc thẻ tín dụng để mua hàng trên các trang mạng xã hội Facebook, mua sắm tại các siêu thị. Với tiền điện hằng tháng, tôi cũng đăng ký khấu trừ tự động vào tài khoản ngân hàng. Với tôi, chiếc thẻ giống như một ví điện tử siêu nhỏ, rất thuận tiện". Đặc biệt các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như trích nợ tự động, thanh toán qua ứng dụng trên điện thoại di động, qua mã QR... còn thường xuyên có ưu đãi, giảm giá, tặng điểm thưởng... mang lại lợi ích không nhỏ cho khách hàng.

Không chỉ là chi tiêu mua sắm, việc các cơ quan thuế, hải quan... hợp tác với ngân hàng để triển khai dịch vụ thu chi ngân sách bằng phương thức này còn mang lại thuận lợi cho các doanh nghiệp. Anh Lê Thanh Sơn, chủ hộ kinh doanh cá thể (tại số 1 ngõ 88, Từ Hoa, Tây Hồ, Hà Nội) cho hay, kể từ khi đăng ký kinh doanh một năm nay, anh không phải đến trực tiếp chi cục thuế để nộp thuế mà chỉ nộp qua tài khoản ngân hàng, tiết kiệm cả thời gian và chi phí. Việc nộp thuế theo cách này tạo thuận lợi rất nhiều cho hộ kinh doanh.

Giảm hành vi gian lận

Với việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, người tiêu dùng không những tránh được rủi ro, mà cơ quan chức năng cũng dễ dàng hơn trong việc quản lý các đơn vị kinh doanh, bởi mọi khoản thu đều thể hiện công khai qua tài khoản ngân hàng. Do đó, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Theo PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính, nền kinh tế không tiền mặt là một trong những yếu tố quan trọng nhất về tính minh bạch của các hoạt động kinh tế nên có nhiều lợi ích về quản lý thuế cho Nhà nước và người quản lý thuế. Các cơ quan quản lý nhà nước có thể quản lý chặt chẽ các giao dịch kinh tế để bảo đảm xác định đúng nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, giảm tối đa hành vi bán hàng nhưng không kê khai thuế. Ngoài ra, góp phần giảm hành vi tham nhũng trong lĩnh vực quản lý thuế.

Thanh toán điện tử ngày càng trở nên phổ biến.


Tuy nhiên, thay đổi hoàn toàn thói quen dùng tiền mặt của doanh nghiệp, cũng như người dân là không đơn giản. Đây sẽ là "cuộc cách mạng" trước hết là trong chính lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Bởi, nhiều người vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt trong mua sắm, chi tiêu hằng ngày. Ngay cả khi hiện nay có thêm nhiều phương tiện thanh toán như chuyển khoản qua ngân hàng, dùng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, cùng các ứng dụng khác dùng cho ví điện tử, thì sử dụng tiền mặt vẫn chiếm tỷ trọng lớn, nhất là đối với các mặt hàng chi tiêu dưới 100.000 đồng. Do đó, để thanh toán không dùng tiền mặt phát triển nhanh hơn và trở nên phổ biến cần sự phối hợp đồng bộ của người tiêu dùng, người cung cấp dịch vụ và các cơ quan chức năng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu và công khai chi tiết danh mục giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng.

Cũng theo Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt cũng có những rủi ro về an ninh mạng, cũng như rủi ro giao dịch trực tuyến... Song, những năm qua, hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng hoàn thiện, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông trong phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng - hệ thống thanh toán "xương sống" của quốc gia - được vận hành an toàn, hiệu quả và thông suốt. Thanh toán qua internet, di động đạt được những kết quả đáng ghi nhận, thu hút lượng lớn khách hàng sử dụng và đạt tốc độ tăng trưởng khả quan. Một số ngân hàng thương mại đã hợp tác triển khai các công nghệ, giải pháp mới vào hoạt động thanh toán trên thiết bị di động như xác thực sinh trắc học, mã phản hồi nhanh, mã hóa thông tin thẻ... Đến nay, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý hơn 140 triệu giao dịch, với giá trị hơn 80 triệu tỷ đồng.

Mạng lưới ATM/POS cũng được các ngân hàng chú trọng đầu tư. Tính đến nay, trên toàn quốc có hơn 18.000 máy ATM và gần 300.000 máy POS.

Để bảo đảm an toàn cho các hệ thống công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ ngân hàng, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên rà soát, ban hành mới, hoặc sửa đổi những văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn các tổ chức tín dụng để bảo mật các giao dịch ngân hàng và hệ thống thanh toán.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt: Nhiều lợi ích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.