Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một loạt giải pháp của Ngân hàng Nhà nước để hạn chế “tín dụng đen”

Hương Thủy| 04/06/2019 12:38

(HNMO) - Đó là tiếp tục đẩy mạnh việc huy động tối đa nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân, phát huy tiềm năng, nội lực của nền kinh tế; hệ thống ngân hàng quản lý cán bộ, nhân viên chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không tham gia các hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”...

(HNMO) - Đó là tiếp tục đẩy mạnh việc huy động tối đa nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân, phát huy tiềm năng, nội lực của nền kinh tế; hệ thống ngân hàng quản lý cán bộ, nhân viên chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không tham gia các hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”...

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Quyết định 1178 về Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.

Theo nội dung quyết định này, Thống đốc giao nhiệm vụ do các đơn vị trực thuộc NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội để góp phần hạn chế “tín dụng đen”, với 7 giải pháp.


Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản pháp luật về cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, các gói, khoản cho vay ưu đãi đến mọi tầng lớp nhân dân.

Ảnh minh họa, nguồn: Internet


Thứ hai, nghiên cứu ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có các chính sách mở rộng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng; phát triển các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng, miền với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp, phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân, qua đó góp phần ngăn chặn "tín dụng đen".

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh việc huy động tối đa nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân, phát huy tiềm năng, nội lực của nền kinh tế.

Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản quy trình, thủ tục vay vốn theo hướng thuận lợi để mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn vay hợp pháp khi có nhu cầu.

Thứ năm, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền về cơ chế, quy định pháp luật để quản lý hoạt động vay ngang hàng, vay trực tuyến.

Thứ sáu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm, chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra đối với các vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý trước pháp luật, nâng cao hiệu quả răn đe, phòng ngừa chung; chỉ đạo hệ thống ngân hàng quản lý cán bộ, nhân viên chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không tham gia các hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”.

Thứ bảy, chấp hành nghiêm quy định của Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn liên quan; đẩy nhanh tiến độ trả lời các yêu cầu của cơ quan điều tra về giám định tài chính, cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ điều tra vụ án liên quan đến “tín dụng đen”.

Thống đốc yêu cầu các vụ, cục và đơn vị liên quan phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định của pháp luật về công tác giám định tài chính nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc đối với các vụ án hình sự liên quan đến “tín dụng đen”; thông tin rộng rãi, kịp thời về hoạt động vay vốn ưu đãi, chính sách hỗ trợ của nhà nước, địa phương để nhân dân biết, tiếp cận nguồn vốn vay.

Trong phần trả lời chất vấn của các đại biểu tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV sáng nay (4-6) về giải pháp hạn chế tội phạm liên quan đến "tín dụng đen", Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã đưa ra 4 giải pháp, trong đó có việc phối hợp với ngành Ngân hàng tiếp tục đa dạng hóa hình thức cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận vốn ngân hàng, triệt tiêu cơ hội của hoạt động "tín dụng đen"...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một loạt giải pháp của Ngân hàng Nhà nước để hạn chế “tín dụng đen”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.