Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng, chống rửa tiền: Cùng phối hợp hành động

Hà Linh| 24/08/2019 07:23

(HNM) - Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước về phòng, chống rửa tiền cho thấy, mặc dù "nguy cơ rửa tiền ở Việt Nam ở mức trung bình, mức độ dễ tổn thương về rửa tiền là trung bình cao, nên rủi ro rửa tiền quốc gia là trung bình cao". Để nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền, ngoài việc phối hợp với các ngành liên quan, ngành Ngân hàng sẽ ban hành các kế hoạch hành động cụ thể trong thời gian tới.

Ngành Ngân hàng sẽ ban hành các kế hoạch hành động cụ thể trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền. Ảnh: Mạnh Hà

90% báo cáo giao dịch đáng ngờ đến từ ngân hàng 

Ông Phạm Gia Bảo, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, lĩnh vực ngân hàng chiếm gần 90% tổng số báo cáo giao dịch đáng ngờ gửi đến Cục Phòng chống rửa tiền. Do đó, nguy cơ rửa tiền và mức độ rủi ro rửa tiền ở lĩnh vực này cao, mức độ tổn thương về rửa tiền là trung bình cao. Nguyên nhân là do nguồn lực để thanh tra, giám sát về phòng, chống rửa tiền còn có những hạn chế; chưa có cơ chế hiệu quả để tiếp cận các thông tin về cơ cấu, quản lý, kiểm soát và chủ sở hữu hưởng lợi...

Mặc dù không phải tất cả các khoản tiền thu bất chính đều được tội phạm đưa vào chu trình "tẩy rửa tiền", nhưng so với các lĩnh vực khác, khả năng tội phạm lựa chọn hệ thống ngân hàng nhằm hợp pháp hóa các khoản thu bất chính sẽ cao hơn. Căn cứ vào những vụ án đã, đang bị điều tra về tội rửa tiền thời gian qua và số liệu về các giao dịch đáng ngờ của Cục Phòng chống rửa tiền, nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng có thể liên quan chủ yếu đến việc rửa tiền có nguồn gốc từ tội tham ô tài sản, đánh bạc, trốn thuế. Để che giấu nguồn tiền thu được, tội phạm thường sử dụng tài khoản ngân hàng dưới tên người khác để nhận và chuyển các khoản tiền có nguồn gốc bất hợp pháp.

Theo ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trên thực tế, rửa tiền không chỉ xảy ra trong nước, mà còn liên quan đến các đối tượng khác ở nước ngoài. Dù Việt Nam có số lượng tiền mặt lưu thông khá lớn, nhưng để chuyển tiền với số lượng lớn, mang tính sinh lời cao thì phải đi qua ngân hàng. Đặc biệt, đối với lĩnh vực bất động sản, nguy cơ rửa tiền cũng cao. Các giao dịch bất động sản liên quan đến rửa tiền thường bằng tiền mặt, hoặc chuyển khoản và không thông qua sàn giao dịch bất động sản, nên rất khó cho các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định nguồn gốc của tiền.

Nhìn lại các vụ án về tham ô thời gian qua cho thấy, tài sản thu được từ các vụ án có liên quan đến bất động sản. Thủ đoạn rửa tiền là các đối tượng phạm tội thường nhờ người thân trong gia đình mua, chuyển nhượng, cho tặng bất động sản. Điển hình là vụ tham ô tài sản của Giang Kim Đạt. Cụ thể, Giang Kim Đạt đã chiếm đoạt 260 tỷ đồng tiền hoa hồng của Công ty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương qua mua tàu, thuê tàu. Phần lớn số tiền này Đạt đã chuyển vào 22 tài khoản của bố đẻ để mua 40 bất động sản, mua đi bán lại 13 chiếc ô tô...

Cần giải pháp hữu hiệu

Cách đây chưa lâu, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019-2020. Kế hoạch nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ rà soát, nghiên cứu việc chỉnh sửa Luật Phòng, chống rửa tiền đối với các quy định về nhận biết, cập nhật thông tin khách hàng, phân loại rủi ro khách hàng; nghiên cứu, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến cấp phép hoạt động, mở chi nhánh, thu hồi giấy phép hoạt động nhằm giảm mức độ dễ bị tổn thương trước hoạt động rửa tiền đối với các tổ chức tín dụng, các tổ chức tài chính...

Ông Phạm Gia Bảo cho rằng: “Để xử được tội rửa tiền thì phải xử được tội phạm nguồn, khác với những tội phạm khác là xét xử ngay sau khi điều tra. Những nguồn tiền sinh ra từ tội phạm nguồn là hướng để điều tra truy tố và xét xử tội rửa tiền. Đây chính là khó khăn trong việc xét xử tội rửa tiền. Nếu hoàn thiện hướng dẫn để xác định được tội phạm nào là tội phạm nguồn, quá trình điều tra, truy tố sẽ thuận lợi hơn”.

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của việc phòng, chống rửa tiền, các ngân hàng thương mại cũng có những kế hoạch cụ thể. Theo ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), VietinBank hiện có quan hệ đại lý với hơn 900 ngân hàng, định chế tài chính tại 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Phạm vi, quy mô và tính chất hoạt động ngày càng lớn mạnh đồng nghĩa với việc ngân hàng phải đối mặt với nguy cơ rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố và gian lận thương mại. Do vậy, VietinBank đã đẩy mạnh xây dựng hệ thống tự động hỗ trợ kiểm soát rủi ro tuân thủ trong ngân hàng. Hệ thống phòng, chống rửa tiền của VietinBank được thiết kế với nhiều tính năng ưu việt cho việc truy cập và sử dụng (tự động lọc và rà soát khách hàng, thu thập, xác minh thông tin, xếp loại khách hàng và đánh giá mức độ rủi ro rửa tiền...).

Ông Phạm Doãn Sơn, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho biết, LienVietPostBank đã, đang từng bước nâng cao năng lực quản trị rủi ro và tuân thủ, đặc biệt là tuân thủ quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế về phòng, chống rửa tiền. Ngân hàng cũng thiết lập cơ cấu tổ chức tuân thủ phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố trên cơ sở xây dựng quy trình nhận biết, cập nhật thông tin khách hàng trong hệ thống, hiện đại hóa công tác sàng lọc giao dịch, phát hiện, xử lý giao dịch đáng ngờ và việc tra soát theo các danh sách liên quan đến cấm vận, trừng phạt; xây dựng đội ngũ chuyên trách về phòng, chống rửa tiền tại từng đơn vị kinh doanh…

Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định: "Ngành Ngân hàng đã xây dựng kế hoạch với gần 40 hành động cho nội bộ ngành và hơn 20 chương trình hành động phối hợp với các ngành liên quan. Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành các kế hoạch hành động này trong thời gian tới. Kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019-2020 được chia thành các nhóm các biện pháp liên quan đến khuôn khổ pháp luật; liên quan đến quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền; hợp tác trong nước; các sản phẩm tài chính toàn diện; hợp tác quốc tế. Ngoài ra, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang sử dụng bộ công cụ đánh giá rủi ro về rửa tiền và tài trợ khủng bố do WB xây dựng để triển khai trong thực tế”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng, chống rửa tiền: Cùng phối hợp hành động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.