Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế Venezuela: Bất ổn vì giá dầu giảm sâu

Thùy Dương| 04/01/2015 05:52

(HNM) - Giá dầu giảm đã và đang trở thành thách thức lớn với chính quyền Venezuela vốn đang gặp khó với tỷ lệ lạm phát ở mức cao và tình trạng thiếu lương thực, thuốc chữa bệnh...

Dùng từ "thảm họa" kinh tế có lẽ không quá với quốc gia địa đầu Nam Mỹ bởi 95% kim ngạch xuất khẩu của Venezuela phụ thuộc vào dầu thô. Ngành xuất khẩu dầu thô cũng chiếm tới 15% GDP nước này. Chỉ trong 3 tháng qua, giá dầu thế giới giảm gần 50%, từ 95 USD/thùng hồi tháng 9 xuống còn khoảng 60 USD/thùng vào thời điểm hiện tại. Giá dầu thế giới giảm liên tiếp đã khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này giảm khoảng 2% ngay trước thềm năm mới 2015.

Giá dầu thế giới liên tục lao dốc đang khiến kinh tế Venezuela gặp nhiều khó khăn.


Rõ ràng, giá dầu lao dốc là nguyên nhân dẫn tới kim ngạch xuất khẩu của Venezuela giảm, mặc dù lượng dầu mỏ xuất khẩu vẫn tăng 3%. Tình hình càng căng thẳng thêm, khi quốc gia Nam Mỹ này phải đối phó với các vấn đề kinh tế khác như tỷ lệ lạm phát cao (chỉ số giá tiêu dùng đã tăng tới 63% năm), tình trạng thiếu lương thực và hàng hóa ngày càng nghiêm trọng, trong khi dự trữ ngân sách ngày một suy giảm. Tại thủ đô Caracas, cảnh tượng người dân xếp hàng dài trước cửa các siêu thị đã trở nên quá quen thuộc. Đứng chờ hai, ba giờ đồng hồ mà nhiều khi người dân vẫn không mua được các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Thiếu hụt trầm trọng nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm đã góp "gió" hình thành cơn bão giá cả khiến đời sống của người dân Venezuela thêm chật vật. Bên cạnh đó, việc giá dầu tụt dốc chưa thấy dấu hiệu của điểm dừng cũng khiến Venezuela lâm vào tình trạng mất thanh khoản, không còn tiền để thanh toán các món nợ nước ngoài.

Trước tình hình như vậy, kinh tế Venezuela được dự báo phải đối mặt với những thách thức lớn từ giá dầu trên thị trường thế giới. Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro cho rằng cuộc suy thoái giá dầu hiện nay là do Mỹ gây ra nhằm gây thiệt hại cho Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) mà Venezuela và Nga là thành viên. Theo Tổng thống N.Maduro, giá dầu thô xuất khẩu của Venezuela đã giảm từ mức 95-96 USD/thùng - mà theo ông là mức hợp lý, cho phép kinh tế nước này vận hành "một cách cân bằng" - xuống chỉ còn 49 USD/thùng hôm 19-12. Nhà lãnh đạo Venezuela cho biết trong những ngày đầu năm mới, một "Bộ tham mưu khôi phục kinh tế" do ông đứng đầu sẽ được thành lập và một chương trình nghị sự của chính phủ trong năm 2015 trong bối cảnh giá dầu giảm sâu trong thời gian qua" sẽ sớm được thông qua để đối phó với tình hình được cho là khẩn cấp hiện nay.

Thực tế, ngay từ cuối tháng 11-2014, sau khi OPEC quyết định giữ nguyên sản lượng dầu, Tổng thống N.Maduro đã thông báo cắt giảm ngân sách nhà nước và cắt giảm chi tiêu công. Đồng tiền ngày càng trượt giá, ngân sách ngày càng thâm hụt đã buộc Chính phủ Venezuela phải áp dụng một loạt các biện pháp cứu trợ nền kinh tế như bổ sung kim cương, các loại đá quý vào quỹ dự trữ ngoại hối, tìm kiếm nguồn vay nước ngoài, điều chỉnh tỷ giá... Bên cạnh đó, Caracas cũng không loại trừ khả năng buộc phải giảm lương hưu và trợ cấp xã hội vốn được coi là xương sống trong chính sách xã hội của nước này. Rõ ràng giá dầu liên tục ở mức thấp đang làm giảm khả năng của Caracas trong chi trả ngân sách công vốn đang ở mức rất cao.

Venezuela - đất nước từng hy vọng dựa vào nguồn thu dầu mỏ, tiếp tục chính sách từ thời cố Tổng thống Hugo Chavez nhằm xây dựng một quốc gia cân bằng và hướng về người dân nhưng nay đang rất khó khăn để duy trì các chương trình xã hội đầy tham vọng. Và như vậy càng không thể tiếp tục tài trợ hào phóng cho các nước đồng minh khác trong khu vực như Cuba. Theo Giám đốc cấp cao Hội đồng chính sách Mỹ Christopher Sabatini thì chỉ khi giá dầu trở lại mức 120 USD/thùng thì Venezuela mới có cơ hội thoát khỏi tình trạng hiện nay. Dự báo này đặt ra một hiện thực khó khăn với nền kinh tế được cho là một trụ cột của Nam Mỹ. Vì ngay trong những ngày đầu năm mới chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy giá dầu sẽ "leo dốc". Chưa biết kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của Tổng thống N.Maduro - trong chương trình nghị sự của chính phủ vào ngày tới - sẽ đưa ra đường hướng vực dậy nền kinh tế như thế nào; nhưng trước mắt, tác động mạnh của giá dầu đang đe dọa cả nền kinh tế Venezuela, nhất là các chương trình xã hội từng được nước này theo đuổi trong nhiều năm qua.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Venezuela: Bất ổn vì giá dầu giảm sâu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.