Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyên gia giải mã nguyên nhân sóng thần tại Indonesia

Tiến Đạt| 24/12/2018 16:33

(HNMO) – Các nhà khoa học ngày 24-12 cho biết, một mảng lớn ở phía Nam của núi lửa Anak Krakatau có thể đã bị trượt xuống biển vài phút trước khi sóng thần ập vào bờ biển Indonesia.

Hình ảnh núi lửa Anak Krakatau phun cột tro bụi lớn ngày 23-12 được đăng
trên một tài khoản mạng xã hội. Ảnh: Reuters


Theo Reuters, ít nhất 280 người đã thiệt mạng, hàng trăm người khác bị thương và nhiều tòa nhà bị hư hỏng nặng sau khi thảm họa sóng thần xảy ra tại khu vực quanh eo biển Sunda, giữa các đảo Java và Sumatra mà gần như không có cảnh báo hôm 22-12.

Khoảng thời gian mà sóng thần ập đến ngay trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh gợi nhớ về trận sóng thần Ấn Độ Dương sau trận động đất ngày 26-12-2004, khiến 226.000 người từ 14 quốc gia thiệt mạng, trong đó có hơn 120.000 người dân Indonesia.

Ngày 24-12, các nhà khoa học cho biết rằng sự trùng hợp dựa trên hình ảnh vệ tinh và thông tin có sẵn cho thấy một phần núi lửa sụp đổ xuống biển đã gây nên trận sóng chết người vừa qua.

Hình ảnh ghi lại bởi vệ tinh Setinel-1 của Cơ quan Không gian vũ trụ châu Âu đã cho thấy phần lớn sườn núi lửa ở phía Nam đã trượt xuống biển.

Ông Sam Taylor Offord, nhà địa chấn học tại GNS Science, Wellington (New Zealand) cho biết, "Vụ sạt lở dưới nước là lý luận hàng đầu. Vì vậy, khi đất bị đẩy xuống biển, khiến bề mặt đại dương rung chuyển chiều thẳng đứng, gây ra sóng thần". Tuy nhiên, ông cho biết thêm, việc thiếu dữ liệu và quyền tiếp cận thông tin khiến không thể chứng minh được lý luận này.

Trước đó, núi lửa Anak Krakatau, nằm ở giữa Java và Sumatra đã phun tro bụi và dung nham hàng tháng trước. Núi lửa phun trào khoảng 24 phút trước khi trận sóng thần xảy ra và đó có thể là nguyên nhân gây ra lở đất trên sườn núi.

Thực tế sóng thần xuất hiện do núi lửa chứ không phải do động đất có thể là lí do vì sao hệ thống cảnh báo sóng thần không hoạt động, các nhà khoa học cho biết.

Các cư dân vùng bờ biển cho biết, họ không nhìn hay cảm nhận thấy bất cứ dấu hiệu cảnh báo như rung chấn hoặc nước rút dọc theo bờ biển khi những con sóng cao tới 3m ập tới. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia giải mã nguyên nhân sóng thần tại Indonesia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.