Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước đi nhiều tính toán

Hoàng Linh| 10/03/2019 07:21

(HNM) - Tập đoàn Huawei vừa đệ đơn kiện Chính phủ Mỹ liên quan đến lệnh cấm mua sắm công mà Washington ban bố đối với các sản phẩm và hạ tầng của hãng. Đây là động thái mới nhất trong cuộc “đấu” dai dẳng giữa chính quyền Mỹ và tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc.

Chủ tịch luân phiên Guo Ping của Huawei trong họp báo về việc kiện Chính phủ Mỹ tại Thâm Quyến (Trung Quốc) ngày 7-3 vừa qua.


Trong đơn kiện gửi tới Tòa án hạt Plano (bang Texas, Mỹ), Huawei chỉ trích Điều khoản 889 có tiêu đề “Lệnh cấm đối với một số dịch vụ viễn thông và giám sát hình ảnh” trong Đạo luật Quốc phòng (NDAA) năm 2018 của Mỹ, với nội dung cấm các cơ quan chính phủ nước này mua sắm thiết bị viễn thông của cả Huawei và ZTE hoặc giao dịch thương mại với các công ty có sử dụng linh kiện của hai hãng này.

Theo Chủ tịch luân phiên Guo Ping của Huawei, việc lệnh cấm được đưa ra cho dù Quốc hội Mỹ không có bằng chứng cụ thể nào về sai phạm đã vi phạm Hiến pháp của nước Mỹ. Việc NDAA ngăn chặn những tham vọng phát triển mạng 5G của Huawei ở thị trường Mỹ, kìm hãm năng lực cạnh tranh và khiến người tiêu dùng Mỹ phải trả tiền nhiều hơn cho các sản phẩm có chất lượng tồi hơn là hoàn toàn bất hợp pháp. Ngoài ra, Huawei cáo buộc Chính phủ Mỹ đã "xâm nhập các máy chủ", "đánh cắp nhiều thư điện tử và mã nguồn" của hãng.

Tới nay, Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối đưa ra bình luận về vụ kiện. Tuy nhiên, Người phát ngôn Robert Palladino cho biết, Washington ủng hộ việc triển khai mạng viễn thông an toàn và các chuỗi cung ứng mà nhà cung cấp không chịu sự kiểm soát của chính phủ nước ngoài, hoặc ảnh hưởng không đáng có để bảo đảm an ninh.

Trong khi đó, một số chuyên gia pháp lý cho rằng vụ kiện của Huawei có thể sẽ bị bác bỏ vì các tòa án Mỹ thường không muốn can thiệp vào các quyết định có liên quan tới an ninh quốc gia do các cơ quan khác của chính phủ đưa ra.

Hơn nữa, Quốc hội Mỹ có đủ thẩm quyền để vô hiệu các vấn đề được coi là mối đe dọa đối với an ninh của đất nước. Tháng 11-2018, một tòa án phúc thẩm Mỹ đã từng bác bỏ vụ kiện tương tự từ một công ty Nga có tên Lab Lab về việc Washington cấm sử dụng phần mềm của họ trong các mạng máy tính của chính phủ.

Theo Giám đốc Pháp lý Song Liuping của Huawei, hồ sơ kiện của Huawei đầy đủ hơn so với Lab Lab nên vụ kiện có cơ hội được thụ lý. Chỉ cần một thẩm phán cho rằng những yêu cầu của hãng công nghệ Trung Quốc là chính đáng, vụ kiện sẽ được chuyển sang giai đoạn điều tra. Dù tương lai của vụ việc vẫn chưa rõ ràng, nhưng không khó để thấy rằng, mục tiêu của động thái mới nhất từ Huawei không chỉ nhằm đòi quyền lợi thương mại.

Thực tế, với sự “để mắt” của chính quyền Tổng thống Donald Trump, Huawei khó có thể đóng vai trò đáng kể trong việc thiết lập cơ sở hạ tầng tại Mỹ bất kể kết quả của vụ kiện ra sao. Thế nhưng, việc “tranh thủ” ảnh hưởng từ sự vụ để giành lấy ưu thế trong thị trường viễn thông toàn cầu khi các hoạt động xây dựng hạ tầng mạng 5G đang diễn ra ở quy mô lớn là bước đi nhiều tính toán của Huawei, đem lại không ít lợi ích.

Vì thế, bên cạnh việc kiện Chính phủ Mỹ để “làm gương”, Huawei còn xúc tiến nhiều hoạt động đầu tư mạnh mẽ ở các thị trường khác. Ngày 5-3, hãng đã mở một trung tâm thí nghiệm an ninh mạng tại Brussels (Bỉ) cho phép các khách hàng rà soát mã nguồn điều khiển thiết bị mạng của mình. Trước đó, một trung tâm tương tự tại Bonn (Đức) đã khai trương hồi tháng 11-2018 trong khi Huawei cũng hỗ trợ tài chính cho trung tâm đánh giá an ninh mạng tại London (Anh).

Không thể phủ nhận rằng những “lình xình” thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến “việc làm ăn” của hãng tại các thị trường trọng điểm. Nhiều ý kiến nhận định “vận hạn” của Huawei là một phần trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc nên một khi Washington và Bắc Kinh chưa tìm được tiếng nói chung cho vấn đề này thì tương lai của Huawei tại Mỹ rất khó trở nên sáng sủa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước đi nhiều tính toán

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.