Theo dõi Báo Hànộimới trên

Libya trong vòng xoáy bạo lực mới

Thùy Dương| 21/04/2019 06:42

(HNM) - Tình hình tại Libya diễn biến hết sức phức tạp khi các cuộc giao tranh khốc liệt giữa các lực lượng đối địch đang đe dọa châm ngòi cho một cuộc chiến.

Chiến sự diễn ra ác liệt ở Libya khiến nhiều nơi bị tàn phá nặng nề.


Trong suốt hai tuần qua, các cuộc xung đột đẫm máu liên tục xảy ra giữa Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận và Lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do Tướng Khalifa Hafta đứng đầu ở miền Đông nhằm chiếm thủ đô Tripoli.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), giao tranh giữa các lực lượng đối địch ở Libya đã khiến hơn 200 người thiệt mạng, 1.000 người bị thương và hàng nghìn người dân phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya đã phát lệnh bắt giữ Tướng K.Haftar, người đứng đầu quân đội và ủng hộ chính quyền ở miền Đông Libya.

Tuy nhiên, lệnh bắt này chỉ mang tính hình thức bởi thực tế lực lượng của Tướng K.Haftar đang tiếp tục mở các đợt tấn công lớn nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli.

Hiện nay, tại Libya có hai chính quyền tồn tại song song và đối lập nhau. GNA đóng tại thủ đô Tripoli, được phương Tây dựng lên và được Liên hợp quốc hậu thuẫn, kiểm soát khu vực miền Tây Libya. Kiểm soát miền Đông Libya là một chính quyền được thành lập bởi Nghị viện Libya, thực thể chính trị căn bản được nhân dân Libya bầu ra trong cuộc tổng tuyển cử năm 2014, đóng tại Tobruk và được LNA của Tướng K.Haftar hậu thuẫn. Xung đột chính trị biến đất nước Libya trở thành “vùng đất sống” của khủng bố và các tổ chức buôn người, tạo ra làn sóng dân di cư vượt Địa Trung Hải tràn vào châu Âu.

Vì vậy, Liên hợp quốc và các nước phương Tây đã tìm mọi cách để có thể tổ chức tổng tuyển cử tại Libya, nhằm mục đích chấm dứt xung đột giữa các phe phái chính trị. Tuy nhiên, giao tranh diễn ra từ đầu tháng 4 đã buộc Liên hợp quốc phải hoãn hội nghị quốc gia nhằm vạch ra lộ trình cho cuộc bầu cử này.

Diễn biến phức tạp có nguy cơ dẫn tới làn sóng phần tử cực đoan, bạo lực gia tăng tại Libya. Các phần tử khủng bố vốn đang hiện diện tại đây có thể trỗi dậy bất cứ lúc nào. Trong khi đó, sự chia rẽ giữa các cường quốc về các vấn đề liên quan đến cuộc khủng hoảng ở quốc gia Bắc Phi ngày càng sâu sắc.

Nga, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và nhiều nước khác thể hiện quan điểm, chiến dịch quân sự của Tướng K.Haftar là động thái phù hợp để chấm dứt sự chia rẽ chính trị tại Libya.

Ngược lại, hầu hết các cường quốc phương Tây đều ủng hộ Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya của Thủ tướng Fayez al-Sarraj. Đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Libya Ghassan Salame đã cảnh báo nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột lớn tại quốc gia Bắc Phi. Động thái này diễn ra sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã không thể thống nhất lập trường trong việc yêu cầu các bên tại Libya ngừng bắn trong khi giao tranh vẫn tiếp diễn tại khu vực xung quanh thủ đô Tripoli.

Sự chia rẽ thể hiện rõ nhất sau khi hai cường quốc trên thế giới là Mỹ và Nga đều khẳng định không ủng hộ dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc do Anh đề xuất, kêu gọi ngừng bắn tại Libya vào thời điểm này. Tại cuộc họp kín ngày 18-4, Nga tiếp tục cho rằng, dự thảo nghị quyết đã không đưa ra chứng cứ khi chỉ trích Tướng K.Haftar trong khi Mỹ đề nghị có thêm thời gian để cân nhắc các lựa chọn.

Kể từ sau cuộc chính biến năm 2011, Libya hiện vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang. Cuộc tấn công nhằm vào Tripoli có thể khiến quốc gia giàu dầu mỏ này rơi vào vòng xoáy bạo lực mới, thậm chí có thể là kịch bản tồi tệ nhất kể từ cuộc nội chiến lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Theo các nhà phân tích, chỉ có giải pháp chính trị và giải pháp đó phải nằm trong tay của chính người dân Libya, dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, mới có thể đưa Libya thoát khỏi tình hình rối ren hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Libya trong vòng xoáy bạo lực mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.