Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thương mại Mỹ - Trung Quốc: Căng thẳng gia tăng

Hoàng Linh| 19/05/2019 07:14

(HNM) - Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký sắc lệnh hành pháp ban bố tình trạng khẩn cấp, theo đó cấm các công ty Mỹ sử dụng những thiết bị viễn thông gây rủi ro với an ninh quốc gia, đồng thời yêu cầu Bộ Thương mại cùng các cơ quan chính phủ vạch ra kế hoạch thực thi trong vòng 150 ngày.

Huawei hiện là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới với doanh thu hơn 100 tỷ USD mỗi năm.


Không đề cập tên quốc gia hay công ty cụ thể nào, nhưng sắc lệnh vừa có hiệu lực đã trao cho Bộ Thương mại Mỹ thẩm quyền lớn hơn trong việc rà soát sản phẩm và hoạt động mua hàng của những công ty có liên hệ với các nước đối thủ của Mỹ, trong đó có Trung Quốc. Vì vậy, hành động quyết liệt của Tổng thống D.Trump đã lập tức tác động đến Huawei, tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc.

Ngay sau động thái của Nhà Trắng, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa Huawei và 68 chi nhánh của hãng này tại 20 quốc gia vào “danh sách đen”. Điều đó đồng nghĩa với việc những thực thể này bị cấm mua các phụ tùng và linh kiện từ các công ty Mỹ nếu không có sự chấp thuận của Nhà Trắng. Quy trình xin giấy phép mua bán là rất khó khăn bởi Chính phủ Mỹ sẽ xem xét từng trường hợp dựa trên quan điểm mặc định cấm.

Trong khi đó, các công ty Mỹ cũng sẽ phải có giấy phép để tiếp tục cung cấp cho Huawei các linh kiện quan trọng. Việc chặn giao dịch cả hai chiều đối với Huawei như vậy được xem là động thái mạnh mẽ nhằm gửi đi thông điệp rằng Mỹ có thể cắt đứt các kênh cung ứng phụ tùng viễn thông đối với thị trường Trung Quốc.

Nếu điều đó xảy ra, không chỉ Huawei mà những “ông lớn công nghệ” khác của Trung Quốc vốn rất phụ thuộc vào các thành phần công nghệ quan trọng từ những công ty Mỹ sẽ gặp khó khăn. Nếu không có những đối tác của xứ Cờ hoa như Qualcomm, Micron hay Intel, các đế chế công nghệ Trung Quốc ở 170 quốc gia sẽ gặp rủi ro.

Nắm bắt được điều này, Huawei từ lâu đã chuẩn bị đối phó mà điển hình là việc từ nhiều năm trước đã chỉ đạo công ty con Hisilicon phát triển các sản phẩm thay thế đề phòng trường hợp không thể có được các loại chip và công nghệ tiên tiến từ Mỹ.

Trong lần này, tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông số 1 thế giới cũng đã đề nghị các tên tuổi lớn như TSMC (vi xử lý), Innolux (màn hình) cố gắng duy trì hoạt động cung ứng. Tuy nhiên, một số đối tác Mỹ, trong đó có Qualcomm và Qorvo, đã dừng giao hàng.

Được đưa ra vào thời điểm khá nhạy cảm khi các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang gặp khó khăn, việc Tổng thống D.Trump đưa ra quyết định hành pháp sẽ khiến Huawei không bán được thiết bị tại Mỹ và cũng chẳng thể mua được linh kiện từ các doanh nghiệp nước này được cho là sẽ làm sâu sắc thêm những tranh cãi thương mại giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.

Cho đến nay, Trung Quốc mới chỉ lên tiếng phản đối việc nước khác áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương lên các công ty của nước này và nhấn mạnh rằng Mỹ nên tránh gây ảnh hưởng thêm nữa tới quan hệ thương mại song phương.

Dẫu vậy, trên thực tế, Trung Quốc cũng có không ít lựa chọn có thể gây khó cho các công ty Mỹ hoạt động tại nước này, nhất là khi một số thương hiệu lớn của xứ Cờ hoa như Boeing, Nike, Tesla, General Motors, Ford… đang phụ thuộc khá lớn vào thị trường của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Do vậy, quyết sách mới từ Nhà Trắng mà qua đó tiếp tục gây áp lực lên Huawei một mặt có thể được xem như bước đi nhằm gây lợi thế trên bàn đàm phán của Tổng thống D.Trump nhưng mặt khác cũng có khả năng tạo ra rủi ro với quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc. Điều này không chỉ gây quan ngại cho các cuộc đối thoại nhằm hướng tới việc ký kết một thỏa thuận thương mại giữa hai nước mà còn gián tiếp ảnh hưởng tới sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thương mại Mỹ - Trung Quốc: Căng thẳng gia tăng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.