Theo dõi Báo Hànộimới trên

Libya: “Bi kịch” khó kết thúc

Quỳnh Dương| 18/07/2019 07:07

(HNM) - Gần 8 năm sau cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Muammar Gaddafi, Libya vẫn chưa có nổi một ngày bình yên. Các cuộc đấu đá, xung đột tranh giành quyền lực và các vụ tấn công khủng bố triền miên đã biến đất nước Bắc Phi này thành mảnh đất của nội chiến và hỗn loạn.

Libya đang chìm trong cảnh hỗn loạn khó tìm được hồi kết.

Ngày 16-7, trong một tuyên bố chung, 6 quốc gia gồm Pháp, Anh, Ai Cập, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Mỹ và Italia đã kêu gọi chấm dứt các hành động thù địch xung quanh thủ đô Tripoli của Libya và đưa ra cảnh báo về âm mưu của các nhóm khủng bố nhằm hưởng lợi từ khoảng trống chính trị ở quốc gia này. Tuy nhiên, theo giới phân tích, bản tuyên bố chung này vẫn rất khó để thay đổi những gì đã và đang diễn ra.

Tình trạng chia rẽ chính trị và leo thang bạo lực xuất hiện không lâu sau khi Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp Libya chính thức tuyên bố về cái chết của Tổng thống Muammar Gaddafi vào ngày 20-10-2011. Thời điểm đó, nhiều người cho rằng, cuộc chính biến nấp dưới cái bóng “dân chủ” của làn sóng “Mùa xuân Arab” sẽ đưa nước này bước sang một trang mới.

Tuy nhiên, thực tế đã không diễn ra như vậy. Các nhóm vũ trang từng đoàn kết để lật đổ chế độ Tổng thống Muammar Gaddafi nhưng lại không tìm được tiếng nói chung trong chia sẻ quyền lợi thời "hậu Gaddafi".

Vì vậy, nhiều nhà lãnh đạo lên nắm quyền "chưa ấm chỗ" đã phải ra đi bởi không thỏa mãn các điều kiện của những nhóm đối địch. Trong khi đó, bạo lực vẫn luôn là mối đe dọa thường trực ở Libya. Không ít quan chức và nhà ngoại giao trở thành mục tiêu của nạn bắt cóc và khủng bố. 

Hiện, ở quốc gia Bắc Phi này tồn tại 2 chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. Lực lượng của tướng Khalifa Hafta ủng hộ chính quyền ở miền Đông, trong khi Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận hoạt động ở miền Tây và thủ đô Tripoli.

Đầu tháng 2-2019, tướng Haftar khởi sự chiến dịch chiếm lĩnh vùng Tây Nam, khu vực giáp giới với Tchad và Algeri, nơi có những mỏ dầu quan trọng của Libya. Lý do mà tướng Haftar đưa ra là nhằm loại trừ các nhóm khủng bố và tội phạm.

Sau khi kiểm soát được một phần khu vực Tây Nam, quân đội của tướng Haftar chuyển qua phía Bắc, nhắm vào thủ đô Tripoli. Chiến dịch này gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ của nhiều lực lượng trung thành với GNA.

Để đáp trả, ngày 7-4, GNA tuyên bố mở đầu chiến dịch “Núi lửa nổi giận” với mục tiêu giải phóng toàn bộ các thành phố Libya khỏi các lực lượng bất hợp pháp do tướng Haftar cầm đầu. Tính đến nay, giao tranh ở Tripoli và khu vực lân cận đã khiến 1.048 người thiệt mạng và 5.558 người bị thương. Dư luận quốc tế đang lo ngại về khả năng bùng phát thảm họa nhân đạo tại quốc gia Bắc Phi này.

Không chỉ bị nhấn chìm vào cảnh “nồi da nấu thịt”, Libya còn phải đối mặt với một mối đe dọa lớn hơn, đó là sự hoành hành của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và nhiều tổ chức vũ trang cực đoan.

Lợi dụng tình hình rối ren về chính trị và an ninh ở Libya, các nhóm khủng bố đã lấn chiếm lãnh thổ Libya lập thành trì, mở rộng ảnh hưởng. Tội phạm buôn người cũng tổ chức đưa nạn nhân cuộc xung đột sang châu Âu để thu lợi, bất chấp an toàn tính mạng của họ khi vượt Địa Trung Hải.

Tính đến thời điểm hiện tại, giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Libya dường như bất khả thi. Nhiều quốc gia trên thế giới đã ra lời kêu gọi nhưng cả 2 lực lượng là GNA và tướng Haftar đều không sẵn sàng "buông vũ khí".

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng không thể đạt được sự nhất trí về một giải pháp nhằm chấm dứt giao tranh và đưa các bên vào bàn đàm phán. Nguyên nhân phần lớn là quan điểm của cộng đồng quốc tế về chiến sự Libya vẫn còn chia rẽ. Các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới tiếp tục hậu thuẫn cho 2 phe khác nhau. 

“Tấn bi kịch” tại Libya hiện khó có thể đi đến hồi kết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Libya: “Bi kịch” khó kết thúc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.