Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Đòn giáng mạnh” vào nỗ lực toàn cầu

Thùy Dương| 07/11/2019 07:05

(HNM) - Mỹ đã chính thức bắt đầu tiến trình rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Động thái này đã khiến xứ Cờ hoa trở thành quốc gia duy nhất trong 187 nước và vùng lãnh thổ đã ký tham gia, nhưng lại "quay lưng" với thỏa thuận toàn cầu này.

Biến đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống con người.

Trong một tuyên bố vừa được đưa ra, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo cho Liên hợp quốc về ý định trên, khẳng định nước này sẽ tiếp tục xây dựng một mô hình “thực tế và thực dụng”, đồng thời chứng minh rằng việc đổi mới và mở cửa thị trường sẽ mang lại sự thịnh vượng hơn, lượng khí thải ít hơn và các nguồn năng lượng an toàn hơn.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng nhắc lại lập trường đã được Tổng thống Donald Trump đưa ra vào năm 2017 rằng, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã đặt một “gánh nặng kinh tế không công bằng” lên vai nước Mỹ.

Văn kiện lịch sử này được ký kết năm 2015 nhằm mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu về mức gần 0 vào năm 2050. Dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã cam kết đến năm 2025 sẽ cắt giảm từ 26% đến 28% lượng phát thải khí CO2 so với mức khí thải của năm 2005.

Tuy nhiên, trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2016, ông D.Trump đã cam kết sẽ rút Mỹ khỏi hiệp định khi cho rằng thỏa thuận sẽ khiến Washington tổn hại hàng nghìn tỷ USD, người lao động mất việc làm và cản trở các ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ, khí đốt, than đá và cả lĩnh vực sản xuất cơ khí. Sau khi lên nắm quyền không lâu, ngày 1-6-2017, Tổng thống D.Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu để bảo vệ lợi ích của đất nước và người dân mình.

Quyết định trên một lần nữa thể hiện sự kiên trì theo đuổi chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống D.Trump. Theo các điều khoản của hiệp định, tiến trình rút khỏi thỏa thuận sẽ kéo dài một năm. Như vậy, Mỹ sẽ không còn là thành viên của hiệp định toàn cầu này vào ngày 4-11-2020, một ngày sau khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống.

Điều này đồng nghĩa, việc thông báo rời khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào thời điểm này còn được xem là “một nước cờ” của ông D.Trump trước khi bước vào chiến dịch tái tranh cử để thu hút thêm nhiều cử tri ủng hộ, nhất là những người hoạt động trong ngành công nghiệp than đá.

Tuy nhiên, thông báo đã lập tức vấp phải sự chỉ trích ngay tại nước Mỹ cũng như từ nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới. Ông Robert Menendez, nghị sĩ đảng Dân chủ tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đã cáo buộc chính quyền của Tổng thống D.Trump "một lần nữa thể hiện sự thiếu tôn trọng các đồng minh, nhắm mắt làm ngơ trước sự thật và tiếp tục chính trị hóa thách thức môi trường lớn nhất thế giới".

Trong khi đó, phát biểu trong cuộc họp báo ngày 5-11, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết nước này "lấy làm tiếc" về quyết định của Mỹ, đồng thời bày tỏ hy vọng Washington "có thể gánh vác thêm trọng trách và làm nhiều hơn để góp sức cho tiến trình hợp tác đa phương này, thay vì tạo thêm năng lượng tiêu cực". Nga đã chỉ trích bước đi của Mỹ khi cho rằng động thái này làm suy yếu nghiêm trọng thỏa thuận mà thế giới trông đợi.

Cho đến nay, chính quyền Tổng thống D.Trump vẫn coi những nỗ lực chống tình trạng trái đất ấm lên chỉ là "sự lãng phí tiền bạc”. Thế nhưng, những hậu quả từ sự gia tăng nhiệt độ bề mặt hành tinh, độ nóng trong lòng các đại dương, tần suất xuất hiện của thảm họa thiên tai… là điều không thể chối cãi. Mỹ hiện là quốc gia có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ hai thế giới.

Vậy nên, giới chuyên gia nhận định động thái của chính quyền Tổng thống D.Trump không những sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho môi trường và hệ sinh thái toàn cầu mà còn là một “đòn giáng mạnh” vào những nỗ lực chung của quốc tế trong việc kìm hãm mức tăng nhiệt độ hành tinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Đòn giáng mạnh” vào nỗ lực toàn cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.