Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ban lãnh đạo mới của EU: “Chèo thuyền” trên “sóng cả”

Quỳnh Dương| 03/12/2019 07:05

(HNM) - Hơn 7 tháng sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP), ngày 1-12, ban lãnh đạo mới gồm Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã chính thức nhận nhiệm vụ. Trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, từ việc Anh từ bỏ tư cách thành viên của khối đến những thách thức về kinh tế, căng thẳng gia tăng với Mỹ..., chắc chắn nhiệm kỳ 5 năm tới của ban lãnh đạo mới sẽ là khoảng thời gian bận rộn.

Ban lãnh đạo mới của EU chính thức nhận nhiệm vụ ngày 1-12.

Để vượt qua những khó khăn trước mắt và hồi sinh một EU mạnh mẽ hơn, tân Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã bổ nhiệm thêm 3 Phó Chủ tịch điều hành gồm ông Frans Timmermans - người Hà Lan, phụ trách về vấn đề khí hậu; bà Margrethe Vestager - người Đan Mạch, chịu trách nhiệm kỹ thuật số; ông Valdis Dombrovskis - người Latvia phụ trách vấn đề hòa hợp các mục tiêu kinh tế và xã hội.

Quyết định này đã đưa số lượng Phó Chủ tịch EC lên 8 người và những quan chức trên sẽ đóng vai trò điều phối trong những lĩnh vực khác nhau nhằm đáp ứng yêu cầu của bà Ursula von der Leyen về một nhiệm kỳ EC mới “linh hoạt, hiện đại và nhanh chóng”.

Tân Chủ tịch EC đã đặt ra hai ưu tiên trong nhiệm kỳ của mình là xây dựng chính sách khí hậu đầy tham vọng và xử lý vấn đề người di cư một cách bền vững. Mong muốn đưa châu Âu phát triển với các giá trị cốt lõi vốn có và trở thành một hình mẫu quốc tế trong tương lai của bà Ursula von der Leyen được thể hiện rõ ràng qua thông điệp: “EU với 500 triệu dân và chiếm tới 40% GDP toàn cầu, không chỉ là đối tác thương mại hàng đầu thế giới mà còn đóng vai trò là người tạo ra xu hướng toàn cầu, là người tiên phong”.

Đặt nhiều kỳ vọng vào tương lai nên khối lượng công việc trước mắt của ban lãnh đạo mới EU là vô cùng lớn. Dường như những năm gần đây, sau thời kỳ mở rộng kết nạp thêm nhiều thành viên, đã có những ý kiến cho rằng Lục địa già như gã khổng lồ đang ngủ quên trên chiến thắng.

Phần nào sức mạnh và tầm ảnh hưởng của EU đã sa sút khi liên minh không đạt được mục đích trong các vấn đề đối ngoại và đối nội lớn, trong đó có việc duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran, tiến trình Anh rời khỏi khối, còn gọi là Brexit hay phòng thủ độc lập nhằm tránh phụ thuộc vào Mỹ.

Bên cạnh đó, nền kinh tế EU vốn uể oải đã lâu vẫn chưa tìm được động lực tăng trưởng. Vấn đề chênh lệch tốc độ phát triển giữa các nước đang trở nên nghiêm trọng khi các trụ cột như Đức hay Pháp tỏ ra vượt trội với phần còn lại, đặc biệt là những quốc gia thuộc khu vực Đông Âu mới gia nhập EU hay thậm chí với cả những nước từng là “đầu tàu” nhưng nay bị tụt lại phía sau như Tây Ban Nha, Italia... Vì vậy, giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế cho cả liên minh chắc chắn là một nhiệm vụ không đơn giản.

Một rào cản nữa đối với nữ Chủ tịch đầu tiên của EC là tình trạng chia rẽ và tâm lý hoài nghi châu Âu gia tăng mạnh mẽ trong thời gian qua. Từ chính sách liên quan tới việc xử lý khủng hoảng người nhập cư trái phép đến vấn đề phân chia ngân sách dài hạn sắp tới của EU, các sáng kiến khí hậu và kỹ thuật số đều có thể trở thành nguyên nhân khoét sâu thêm rạn nứt vốn có giữa các thành viên... Thực trạng này khiến EU phải tính đến bài toán bảo vệ ngôi nhà chung khỏi cảnh “tan đàn, xẻ nghé”.

Giữa sự chán nản và mệt mỏi của tiến trình Brexit, những mâu thuẫn gay gắt về chính sách di cư cũng như bất an về kinh tế..., người dân châu Âu đang rất cần một tầm nhìn mới để giải tỏa tâm lý bi quan. Vì vậy, dư luận hy vọng, ban lãnh đạo mới cùng sự cải tổ mạnh mẽ sẽ giúp “con thuyền” cựu lục địa có thể vượt qua "sóng cả" và đi đúng hướng trên con đường cải cách để phục hưng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ban lãnh đạo mới của EU: “Chèo thuyền” trên “sóng cả”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.