Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chung tay phát triển môn bóng bàn

Thu Minh| 21/12/2018 07:21

(HNM) - “Chờ đợi đội tuyển có thành tích cao để hút sự quan tâm của các nhà tài trợ, hay chủ động thay đổi cách quản lý và điều hành để có thể huy động sự chung tay của những người hâm mộ bóng bàn, các doanh nghiệp thể thao...”.

Đó là câu hỏi mà các nhà quản lý và chuyên môn của môn bóng bàn vẫn đang loay hoay tìm lời giải. Trong khi đó, việc cần có những bước chuyển trong đầu tư và phát triển môn bóng bàn ngày càng trở nên cấp thiết.

Các vận động viên bóng bàn cần có sự đầu tư trọng điểm để nâng cao thành tích. Ảnh: Nguyễn Hùng


Câu chuyện các nữ tuyển thủ bóng bàn quốc gia không thể tham dự Giải đồng đội vô địch thế giới năm 2018 vì thiếu tiền, chỉ là một ví dụ cho vô vàn cái khó của những người làm công tác chuyên môn ở đội tuyển quốc gia. Bản thân huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia Nguyễn Nam Hải từng chia sẻ: "Ở giải đấu tầm khu vực, ngay như Lào, Campuchia cũng có 14-15 người/đội, có bác sĩ, săn sóc viên, có đủ quân xanh để hỗ trợ các tuyển thủ trọng điểm. Còn Việt Nam, nhiều nhất cũng chỉ có 10 vận động viên, 2 huấn luyện viên dự giải và thiếu thốn từ quả bóng để khởi động trở đi".

Chia sẻ rõ hơn về những khó khăn hằng ngày các tuyển thủ bóng bàn quốc gia phải đối mặt, huấn luyện viên Nguyễn Nam Hải bày tỏ: "Chế độ đãi ngộ theo quy định của ngân sách nhà nước áp dụng đồng đều với tất cả tuyển thủ quốc gia, nhưng trong mỗi đội tuyển, luôn có những vận động viên phải gánh vác nhiều hơn, cần được đầu tư chuyên biệt hơn. Chúng ta chỉ có thể trông chờ từ nguồn kinh phí xã hội hóa cho việc này, nên rất cần sự vào cuộc chủ động của Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam".

Trưởng bộ môn Bóng bàn - Tổng cục Thể dục thể thao, Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam Phan Anh Tuấn cho biết: "Dù Liên đoàn rất cố gắng, nhưng thực sự rất khó vận động tài trợ. Đa phần doanh nghiệp chỉ tập trung tài trợ trang thiết bị tập luyện, thi đấu, còn tài trợ bằng tiền mặt tuy có, nhưng khó để chi hỗ trợ tập huấn, thi đấu nước ngoài vốn rất tốn kém. Tôi nghĩ, nếu đội tuyển giành được nhiều Huy chương vàng ở SEA Games hơn, thì sẽ có nhiều nhà tài trợ đến với chúng ta hơn".

Chia sẻ về cái khó này, ông Mai Duy Diễn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bóng bàn Đông Nam Á cho rằng, người Việt Nam có tố chất rất phù hợp với môn bóng bàn nhờ sự nhanh nhẹn, khéo léo, phản xạ tốt và đã từng có vận động viên xếp trong tốp 10 thế giới như tuyển thủ Mai Văn Hòa. Song, bóng bàn tổ chức trong khuôn khổ nhà thi đấu, khán giả ít, nên không dễ gọi tài trợ như bóng đá. Vì vậy, rất cần nâng cao trình độ của bóng bàn Việt Nam, bởi phải có thành tích mới dễ gọi tài trợ. Bên cạnh đó, muốn khai thác kinh doanh, phải tìm cách để thu hút khán giả, xây dựng hình tượng thần tượng, nâng cao điều kiện cơ sở vật chất phục vụ thi đấu.

Tuy nhiên, thực tế là nhiều môn đấu, chẳng hạn như cầu lông, bóng chuyền, dù chưa từng giành Huy chương vàng SEA Games, nhưng vẫn huy động được nhiều nguồn tài trợ. Bản thân tay vợt Nguyễn Tiến Minh, hay các tay vợt trẻ của Hà Nội như Đỗ Tuấn Đức, Phạm Như Thảo... có được những bước tiến vượt bậc đều nhờ sự kết hợp đầu tư giữa ngân sách nhà nước, kinh phí của gia đình và nguồn hỗ trợ từ Liên đoàn thông qua kêu gọi doanh nghiệp tài trợ.

Trong khi đó, bóng bàn cũng như cầu lông, bóng chuyền - là môn thể thao được nhiều người yêu thích, đam mê và quan tâm, có số lượng các câu lạc bộ phong trào tăng đều hằng năm. Thậm chí, có những cá nhân như ông Trần Cảnh Tuấn - một Việt kiều ở Mỹ cách đây 3 năm, đã tặng 500 triệu đồng để hỗ trợ đội tuyển bóng bàn quốc gia thi đấu các giải World Tour và hoạt động của Liên đoàn, mà không đòi hỏi quyền lợi gì vì muốn môn bóng bàn phát triển ở Việt Nam. Do vậy, điều tiên quyết là Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam - với tư cách một tổ chức xã hội - nghề nghiệp cần mạnh dạn hơn trong việc nắm bắt xu hướng, chủ động tìm nguồn vốn từ xã hội, thay vì thụ động chờ đội tuyển giành thành tích để huy động tài trợ. Một cơ chế minh bạch, công khai thông tin, chủ động đổi mới trong cách làm, năng động trong điều phối công việc là vô cùng cần thiết để bóng bàn Việt Nam không chậm nhịp phát triển cùng các quốc gia trong khu vực và thế giới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chung tay phát triển môn bóng bàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.