Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bóng bàn trẻ Việt Nam: Phải đột phá để không tụt hậu

Minh Khuê| 06/07/2019 16:56

(HNMCT) - Sau nhiều năm được đầu tư theo lối “truyền thống” là chỉ tập huấn trong nước và thi đấu 1 giải quốc tế trong 1 năm, rõ ràng đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia - nơi tập hợp đa số các tay vợt trẻ xuất sắc nhất Việt Nam đang cần một hướng đi mới, mang tính đột phá. Nếu cứ như hiện nay, e rằng lực lượng kế thừa của bóng bàn Việt Nam sẽ ngày càng tụt hậu so với các nước trong chính khu vực Đông Nam Á.

Đi để biết mình đang ở đâu

Giải vô địch Bóng bàn trẻ Đông Nam Á  - 2019 kết thúc vào tháng 6 vừa qua ở Thái Lan mang đến những trải nghiệm mới mẻ cho đội tuyển trẻ Việt Nam. Ở giải đấu này, đội tuyển Việt Nam giành 1 Huy chương Bạc, 4 Huy chương Đồng, tốt hơn thành tích ở kỳ giải năm ngoái (chỉ giành 5 Huy chương Đồng). 

Các tay vợt trẻ Việt Nam cần được đầu tư theo hướng đột phá hơn.

Theo lý giải của Ban huấn luyện, không thể trông mong thành tích tốt hơn khi thực lực của các tay vợt Việt Nam chỉ ở nhóm 2 của giải đấu. Còn ở nhóm 1 là những nền bóng bàn mạnh và phát triển ổn định trong những năm qua như Singapore, Thái Lan.

Ông Bùi Xuân Hà - Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Bóng bàn trẻ quốc gia kể, trong 8 nước dự giải chỉ có các tay vợt Việt Nam, Myanmar, Brunei chưa có thứ hạng trên bảng xếp hạng bóng bàn thế giới. Nguyên nhân chủ yếu là do ít được thi đấu quốc tế. Trong khi đó, các tay vợt Thái Lan, Singapore liên tục được tham dự các giải quốc tế để tích lũy điểm và quan trọng hơn cả là nâng cao trình độ. Ông Bùi Xuân Hà cho hay, 5 ngày trước Giải vô địch Bóng bàn trẻ Đông Nam Á - 2019, các tay vợt Thái Lan vừa tham dự một giải quốc tế có tính điểm xếp hạng thế giới ngay tại Thái Lan. Trong khi đó, các tay vợt Việt Nam phải đợi đến Giải vô địch Bóng bàn trẻ Đông Nam Á mới có cơ hội thi đấu quốc tế. Thậm chí kinh phí hạn hẹp còn khiến đội tuyển không thể tham dự mọi nội dung thi đấu của giải.

Do khó khăn về kinh phí mà phải đến 2 năm gần đây, các tay vợt ở đội tuyển trẻ quốc gia mới được đi tập huấn ngắn hạn ở Trung Quốc. Từ đầu tháng 4 vừa qua, lần đầu tiên đội tuyển được một chuyên gia Trung Quốc huấn luyện trong gần 3 tháng. Vị chuyên gia này đã đặt dấu ấn nhất định vào chuyên môn, phong cách thi đấu của các tuyển thủ nhưng cũng chỉ sửa được một phần nhược điểm của học trò. Nguyên nhân bắt nguồn từ khâu huấn luyện ban đầu ở cơ sở không đồng đều dẫn đến chất lượng vận động viên khác nhau. Vì vậy, đáng lẽ các huấn luyện viên ở đội tuyển trẻ chỉ điều chỉnh những kỹ thuật ở trình độ cao thì lại phải mất thời gian cho việc chỉnh sửa những kỹ thuật cơ bản.

Thiếu thốn đủ bề, nhất là về kinh nghiệm thi đấu quốc tế nên các tay vợt trẻ Việt Nam thất thế trước những tay vợt Thái Lan, Singapore. Thậm chí, “hiện tượng” năm 2019 của bóng bàn Việt Nam là Trần Mai Ngọc, Á quân Giải vô địch quốc gia 2019, cũng thua chóng vánh trước các tay vợt cùng lứa hoặc ít tuổi hơn ở các trận đấu đơn. 

Chính vì những lý do như thế mà giới chuyên môn cần phải đặt ra nỗi lo về sự tụt hậu của bóng bàn trẻ Việt Nam và có thể là các tay vợt Việt Nam ở cấp độ đội tuyển quốc gia sau này.

Không thể theo lối mòn

Sau những quan sát về bóng bàn trẻ khu vực Đông Nam Á trong vài năm qua, Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Bóng bàn trẻ quốc gia Bùi Xuân Hà nhận xét: “Dù đội tuyển trẻ đã được đầu tư tốt hơn nhưng vẫn cần cách làm đột phá để nâng chất cho đội tuyển”. Sự đột phá này phải bắt nguồn từ cách đầu tư cho các tay vợt.

Đây cũng là nhận định của chuyên gia người Trung Quốc Dư Chí Quốc sau một thời gian làm việc ở đội tuyển trẻ. Theo đó, cần chọn một số tay vợt trẻ 12-13 tuổi thực sự có tố chất để đưa đi tập huấn dài hạn 2 - 3 năm tại nước ngoài thay vì để các em tập luyện trong nước. Cách làm này từng giúp bóng bàn Hà Nội thành công với những Trần Tuấn Quỳnh, Nguyễn Nam Hải, Lê Huy... Tất nhiên không thể trông vào nguồn kinh phí hạn hẹp của nhà nước mà phải huy động xã hội hóa.

Theo ông Bùi Xuân Hà, dựa trên sự quan tâm hiện nay của các doanh nghiệp dành cho đội tuyển trẻ quốc gia, có thể tìm được nguồn kinh phí cho ít nhất 2 tay vợt nam, 2 tay vợt nữ đi tập huấn dài hạn ở nước ngoài. Trong vài năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm hơn tới các cấp độ đội tuyển bóng bàn quốc gia, trong đó có đội tuyển trẻ. 4 năm gần đây, đội tuyển đã có hẳn nhà tài trợ trang phục là World Sport bên cạnh hàng loạt đơn vị, doanh nghiệp khác luôn hỗ trợ kinh phí tập huấn quốc tế, dinh dưỡng... Kể ra như vậy để thấy khả năng huy động xã hội hóa để đưa các tay vợt trẻ Việt Nam đi tập huấn dài hạn ở nước ngoài là khả thi. Ông Phan Anh Tuấn - Trưởng bộ môn Bóng bàn (Tổng cục Thể dục Thể thao), Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam cho rằng, đây là hướng đi cần được khuyến khích và rất cần được các doanh nghiệp chia sẻ.

Cũng theo Ban huấn luyện Đội tuyển Bóng bàn trẻ quốc gia, trong thời gian tới cần đưa các tay vợt trẻ Việt Nam thi đấu quốc tế nhiều hơn thay vì chỉ dự một giải quốc tế trong một năm rồi tập luyện trong nước trong thời gian dài. Để làm được việc này phải trông vào nguồn lực xã hội hóa. Việc này hoàn toàn khả thi khi ở các nước gần Việt Nam, trong đó có Thái Lan, thường xuyên tổ chức các giải quốc tế, có tính điểm xếp hạng thế giới. Chi phí sinh hoạt, đi lại, thi đấu tại Thái Lan hoàn toàn phù hợp với điều kiện tài chính của thể thao Việt Nam. Quan trọng nhất là khâu xã hội hóa được thực hiện tốt để vận động viên được nâng cao trình độ. Bởi rõ ràng, chỉ có thực tế thi đấu mới giúp các tay vợt nhanh chóng bắt kịp trình độ các tay vợt hàng đầu trong khu vực. Đây cũng là một xu hướng của bóng bàn quốc tế và bóng bàn trẻ Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc.

Đã có cách làm mới cho bóng bàn trẻ Việt Nam, tuy nhiên quan trọng nhất là phải có định hướng rõ ràng từ Tổng cục Thể dục Thể thao, Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam cũng như quyết tâm đủ lớn từ những người có trách nhiệm với đội tuyển. Nếu không, mọi chuyện sẽ vẫn nhì nhằng, không có sự bứt phá. Xem ra đây cũng không chỉ là chuyện riêng của bóng bàn - một môn thể thao được quan tâm hàng đầu tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bóng bàn trẻ Việt Nam: Phải đột phá để không tụt hậu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.