Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phụ huynh "ngược xuôi" tìm tài liệu, lớp ôn thi môn lịch sử cho con

Minh - Hân| 13/03/2019 13:49

(HNMO) - Với việc


Kỳ thi vào lớp 10 luôn tạo nhiều áp lực cho các thí sinh và phụ huynh. Ảnh minh họa


Đôn đáo tìm tài liệu, lớp học thêm

Những ngày này, chị Lê Thị Hồng Hạnh, phụ huynh một học sinh lớp 9 Trường THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) luôn thấp thỏm không yên, bởi trước khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố môn thi thứ tư thì Thắng, con trai chị Hạnh, lại chỉ tập trung vào học các môn tự nhiên và 3 môn đã biết trước của kỳ thi là toán, ngữ văn, ngoại ngữ. Bản thân Thắng cũng được gia đình cho đi học thêm môn vật lý ngay từ đầu năm học.

"Nhiều phụ huynh khác trong lớp cũng dự đoán "lệch tủ" như gia đình tôi, khi hầu hết cho các cháu đi học thêm môn vật lý, hóa học. Giờ với môn thi lịch sử, có lượng kiến thức phải học thuộc lòng lớn, buộc các cháu phải ghi nhớ nhiều dữ kiện, dấu mốc... lại chỉ trong thời gian hơn hai tháng, tôi thấy là hơi gấp gáp. Hy vọng, thời gian tới Sở sẽ tiếp tục có những hướng dẫn "khoanh vùng" nội dung ôn thi, giúp việc ôn tập có trọng tâm hơn" - chị Hạnh nói.

Khi thấy có một phụ huynh khác trong lớp nêu ý định mời một giáo viên lịch sử từ trường đại học sư phạm về đứng lớp ôn tập cho một nhóm nhỏ, chị Hạnh vội vã đăng ký suất học cho con. Bởi theo chị, các giáo viên giàu kinh nghiệm sẽ giúp học sinh có phương pháp học và nhớ chắc các kiến thức lịch sử.

"Nếu chỉ để cho con tự học ở nhà, nào văn, nào sử, giữa mênh mông kiến thức, tôi sợ cháu chỉ học mà không nhớ vào đầu, lúc đi thi lại 'khoanh bừa', điểm số sẽ thấp" - chị Hạnh lo lắng.

Ngay trong ngày 11-3, khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa công bố môn thi lịch sử thì các phụ huynh lớp 9A5 Trường THCS Gia Thuỵ (Long Biên, Hà Nội) đã chia sẻ nhau tài liệu "555 câu hỏi trắc nghiệm lịch sử 9" của NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. Tối cùng ngày, chị Huyền Thanh (Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội) vội in một bản để mang về đặt lên bàn học của con trai. Tuy nhiên, chị cho biết, nội dung các câu hỏi được áp dụng từ năm học 2005-2006.

"Thôi thì có "phao" nào cũng phải nắm thật chặt luôn để các con có thêm tài liệu học. Tôi cũng hy vọng nhà trường, trong hơn hai tháng tới, sẽ bố trí đều đặn các buổi ôn tập cả bốn môn thi cùng với những tài liệu chuẩn để các con tập trung học, đáp ứng lượng kiến thức cho kỳ thi. Nếu con ôn tập ở trường chưa yên tâm thì tôi sẽ tìm thêm các lớp học thêm bên ngoài" - chị Thanh bày tỏ.

Khó khăn do học sinh chưa chú trọng học lịch sử

Bày tỏ quan điểm trước việc chọn môn thi lịch sử của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội là hết sức hợp lý và cần thiết, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Mai Lan, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, thực tế hiện nay, đa số học sinh THPT đều không chú trọng học môn này hoặc học cũng chỉ nhằm đáp ứng việc kiểm tra trong các học kỳ. Do đó, việc đưa vào môn thi bắt buộc sẽ là động lực giúp học sinh tập trung học, ghi nhớ, từ đó thêm hiểu biết và thêm yêu lịch sử của dân tộc, của đất nước.

"Tuy nhiên, cũng do việc học từ đầu năm và ngay cả những năm đầu cấp chưa được coi trọng nên đến hiện nay, với khối lượng kiến thức cần học lớn, lại là môn học đòi hỏi phải ghi nhớ nhiều sự kiện, ngày tháng... sẽ gây không ít khó khăn cho các học sinh. Phụ huynh các cháu băn khoăn, lo lắng cũng là lẽ tự nhiên" -  bà Mai Lan chia sẻ.

Trên cơ sở đó, bà Mai Lan hy vọng, thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ có những hướng dẫn cụ thể hơn về nội dung ôn tập để trong năm đầu tiên áp dụng hình thức thi mới này, các học sinh sẽ dễ tiếp cận, hình dung ra được nội dung trọng tâm cần học, tránh việc học dàn trải.

"Với lượng kiến thức lớn, nếu học sinh cứ học lướt, học mơ màng thì sẽ không đọng lại kiến thức trong đầu, dẫn tới kết quả thi không tốt. Do đó, việc ôn luyện trong thời gian này là vô cùng cần thiết để các em hệ thống và nhớ lại kiến thức của cả lịch sử Việt Nam và thế giới" - bà Mai Lan nêu.

Về thời gian công bố môn thi thứ tư, bà Lan cho rằng, từ những năm học sau, Sở nên công bố sớm hơn, có thể vào đầu tháng 3, bởi: "Đến giữa tháng 3, khi đã xác định đầy đủ môn thi, các cháu sẽ phải đồng thời học song hành cả bốn môn và toàn bộ các môn còn lại để bảo đảm đủ tiêu chí "tốt nghiệp" cho kỳ kiểm tra học kỳ sẽ diễn ra ngay trong tháng 4. Rõ ràng, thời điểm này các cháu sẽ phải học "nặng", nên việc công bố sớm hơn các môn thi sẽ tránh được những gấp gáp không cần thiết".

Cô Phan Hồng Anh, giáo viên Tổ văn - sử một trường THCS trên địa bàn Hà Nội cho biết cũng vừa nhận được chỉ đạo tổ chức ôn luyện môn sử cho các em thi vào lớp 10. Vì thời gian khá gấp, trường lại thiếu giáo viên chuyên trách nên hiện nay, nỗi lo của các cô tăng gấp đôi khi vừa lo ôn thi môn văn, vừa lo ôn sử. Bản thân các học sinh cũng thường ngại học lịch sử do phải học thuộc lòng nhiều. Tuy nhiên, dù có khó khăn đến đâu, cô Hồng Anh cũng tin tưởng nhà trường sẽ xếp lịch khoa học và các thầy cô giáo sẽ cố gắng để ôn thi tốt cho học sinh.

Cách ôn tập hiệu quả

Chia sẻ "bí kíp" ôn tập hiệu quả và đạt điểm số cao ở môn thi này, Thạc sĩ lịch sử Nguyễn Thị Quỳnh Mai (Hệ thống giáo dục Hocmai) lưu ý, các thí sinh nắm chắc cấu trúc đề thi gồm 40 câu hỏi với 27 câu hỏi thuộc phần lịch sử Việt Nam và 13 câu hỏi thuộc phần lịch sử thế giới. 

Với thời gian làm bài 60 phút, trung bình thí sinh sẽ có 1,5 phút cho mỗi câu trả lời. Trên cơ sở nắm vững cấu trúc đề tham khảo và thời gian làm bài, học sinh sẽ xây dựng lộ trình ôn thi cho hiệu quả.

"Để nắm vững kiến thức căn bản, các học sinh cần sử dụng các sơ đồ tư duy. Đó là công cụ giúp các học sinh nhớ lâu, nắm chắc kiến thức. Sau khi nắm chắc kiến thức trong chương trình phổ thông, học sinh bắt tay vào luyện tập và thực hành thông qua việc luyện đề" - Thạc sĩ Quỳnh Mai đưa ra lời khuyên.

Cũng theo Thạc sĩ Quỳnh Mai, việc ôn luyện đề sẽ giúp học sinh làm quen với cấu trúc đề, rèn được phản xạ với từng loại câu hỏi, kiểm tra được mức độ nắm vững kiến thức hoặc thiếu hụt kiến thức ở từng vấn đề hoặc từng chương. Và cuối cùng, việc giải đề sẽ giúp học sinh nhớ bài lâu hơn. 

Ngoài ra, học sinh cần ôn tập thật kỹ các bài tổng kết chương, bám theo chương trình sách giáo khoa phổ thông theo tinh thần "học đến đâu chắc kiến thức đến đó". Các học sinh cần nhớ các dấu mốc sự kiện lịch sử chính, các mốc đánh dấu bước chuyển của mỗi thời kỳ để có thể xử lý những câu hỏi mang tính liên chương hoặc những câu hỏi mức độ tương đối khó

Khi trả lời các câu hỏi trắc nghiệm, học sinh cần tìm được các "keyword" của mỗi câu hỏi để tránh bị lạc đề hoặc tránh rơi vào bẫy của người ra đề. 

Thạc sĩ Quỳnh Mai nêu ví dụ tại đề thi tham khảo mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố vào tháng 10-2018, ở câu số 30 về "Chiến thắng quân sự nào dưới đây đã làm phá sản hoàn toàn kế hoạch Nava của thực dân Pháp ở Đông Dương?". Nếu học sinh không xác đinh được "keyword" thì có thể trả lời nhầm ở phương án C là cuộc tiến công chiến lược đông xuân năm 1953-1954, trong khi cuộc tiến công này chỉ làm phá sản bước đầu kế hoạch Nava. Sự kiện chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 mới là sự kiện làm phá sản hoàn toàn kế hoạch Nava của thực dân Pháp.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội năm học 2019-2020 sẽ diễn ra trong hai ngày 2 và 3-6-2019. Đây là năm học đầu tiên thí sinh Hà Nội phải thi bắt buộc bốn môn, trong đó ba môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ được xác định từ tháng 10-2018. Ngày 11-3-2019, môn lịch sử được công bố là môn thi cuối cùng từ sự lựa chọn giữa các môn: Vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân.

Theo thông báo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, bài thi toán và ngữ văn theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút. Bài thi ngoại ngữ kết hợp trắc nghiệm và tự luận. Bài thi lịch sử theo hình thức trắc nghiệm. Cả hai bài thi này đều có thời gian làm bài 60 phút.

Đề thi gồm câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, chuẩn kỹ năng thuộc  chương trình THCS hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 THCS.

Đề thi toán và ngữ văn bảo đảm 4 cấp độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng cấp độ thấp và vận dụng cấp độ cao. Bài thi ngoại ngữ và lịch sử chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu và một số câu vận dụng cấp độ thấp.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phụ huynh "ngược xuôi" tìm tài liệu, lớp ôn thi môn lịch sử cho con

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.