Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảnh giác chiêu trò lừa đảo trong tuyển sinh

Thanh Tàu| 12/04/2019 09:19

(HNM) - Thời gian gần đây, tại thành phố Hồ Chí Minh, lợi dụng việc học sinh, sinh viên có nhu cầu học các chương trình liên kết quốc tế, nhiều đối tượng đã giả mạo giấy báo nhập học rất tinh vi nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản lên đến hàng trăm triệu đồng.

Ảnh minh họa: Internet


Theo Trung tâm Tuyển sinh và đào tạo quốc tế (ERC International) trực thuộc Trường Đại học Gia Định, trung tâm đã tiếp nhận một số thông tin liên quan đến một nhóm lừa đảo chuyên nghiệp. Nhóm đối tượng này làm giả giấy báo trúng tuyển hệ liên kết quốc tế ERC International, trong đó kèm theo thông tin hướng dẫn thủ tục nhập học và mức học phí phải nộp lên đến hàng trăm triệu đồng gửi đến thí sinh, phụ huynh. Để phụ huynh tin tưởng, nhóm người này còn gửi hóa đơn giả và nhắn tin cho phụ huynh để yêu cầu chuyển khoản học phí được ghi trên hóa đơn. Nhà trường cho biết, đã có một số nạn nhân chuyển tiền cho những đối tượng lừa đảo này.

Tương tự, tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), các đối tượng còn tinh vi hơn khi làm văn bản giả chữ ký của Giáo sư Vũ Đình Thành, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh (đã nghỉ hưu từ tháng 5-2018 - PV); thông báo nộp học phí tham gia chương trình liên kết quốc tế tại Trường Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và University of Queensland/Macquarie University/University of Illinois Springfield (sinh viên được xét duyệt học bổng 100% giai đoạn 1 tại Trường Đại học Bách khoa và 70% giai đoạn 2 tại trường đại học đối tác); đồng thời gửi văn bản xác nhận và cam kết (sinh viên cam kết hiểu rõ chương trình và phải đóng phần học phí 30% còn lại, tương đương hơn 180 triệu đồng)...

Mới đây, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đông Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh vừa ký văn bản thông báo về việc nhà trường bị các đối tượng làm giả thông báo để tuyển sinh chương trình cử nhân quốc tế - chu trình đào tạo liên kết doanh nghiệp quốc tế năm học 2019 phát hành ngày 15-3-2019. Theo thông báo giả mạo này, quy mô lớp học 30 sinh viên/lớp với học phí 62 triệu đồng/học viên/khóa...

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiên Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tất cả các chương trình đào tạo liên kết nêu trên không phải của trường, trường đào tạo các chương trình liên kết luôn tại cơ sở chính... Nhà trường đề nghị phụ huynh và sinh viên cần hết sức cảnh giác để tránh tiền mất, tật mang. Hiện nhà trường đã gửi toàn bộ hồ sơ sang cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hồ Chí Minh để điều tra làm rõ vụ việc.

Trong khi đó, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đông Phong cho hay, nhà trường yêu cầu các tổ chức, cá nhân không lợi dụng thương hiệu của trường để tiến hành các hoạt động tuyển sinh, đào tạo vi phạm quy định... Qua đây, nhà trường khuyến cáo các tổ chức, cá nhân cần tìm hiểu thông tin về các chương trình đào tạo cử nhân đại học chính quy và liên kết quốc tế của trường từ những nguồn thông tin chính thức, tin cậy để được tư vấn một cách đầy đủ, chính xác, tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác chiêu trò lừa đảo trong tuyển sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.