Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gần 27% thí sinh dự thi THPT chỉ để xét tốt nghiệp: Đâu là nguyên nhân?

Thống Nhất| 23/05/2019 06:30

(HNM) - Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong tổng số hơn 887.000 thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi trung học phổ thông quốc gia của cả nước, tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông chiếm gần 27%.

Ngoài phương thức sử dụng kết quả thi trung học phổ thông quốc gia, nhiều trường đại học còn tuyển sinh theo phương thức xét tuyển bằng học bạ.Ảnh: Nhật Nam


Chuyển biến nhờ phân luồng

Công tác định hướng, phân luồng học sinh đi học các trường đào tạo nghề nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) là chủ trương đã được triển khai trong ngành Giáo dục nhiều năm nay và ngày càng được coi trọng trong bối cảnh “thừa thầy, thiếu thợ” diễn ra khá phổ biến ở nhiều đơn vị, doanh nghiệp.

Theo ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo): Việc đẩy mạnh công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông không chỉ giảm áp lực cho kỳ thi THPT quốc gia, giảm áp lực học tập cho mỗi học sinh mà còn tạo cơ hội cho các em tiếp cận với con đường học tập, phát triển tương lai phù hợp năng lực học tập. Được học tập trong môi trường phù hợp, học sinh không chỉ tự tin mà còn có thể phát huy tối đa năng lực.

"Khảo sát thực tế cho thấy, một học sinh có học lực trung bình sẽ cảm thấy rất vất vả trước những yêu cầu, đòi hỏi khi học ở bậc đại học, thậm chí đã có em phải bỏ dở ước mơ có bằng đại học bởi quá áp lực hoặc không đáp ứng yêu cầu về học tập, rèn luyện nên bị nhà trường đào thải. Nếu gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học trung cấp nghề là một lựa chọn phù hợp, bởi khi ra trường các em vừa có bằng tốt nghiệp văn hóa, vừa có bằng nghề và có thể đi làm luôn" - ông Vũ Đình Chuẩn chia sẻ.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có gần 234.000 thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, chiếm gần 27% trong tổng số thí sinh đăng ký. Tỷ lệ này có sự chênh lệch khá rõ ở nhiều địa phương, các tỉnh miền núi có tỷ lệ thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT cao hơn hẳn. Chẳng hạn, tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình... năm nay đều có tỷ lệ thí sinh dự thi THPT chỉ để xét công nhận tốt nghiệp chiếm hơn 50% trong tổng số thí sinh dự thi.

Ở Hà Nội cũng diễn ra tình trạng tương tự khi hầu hết học sinh ở khu vực các quận và ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi đều đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng, trong khi nhiều học sinh ở vùng khó khăn lại chọn con đường học nghề.

Thầy giáo Nguyễn Duy Bỉnh, Hiệu trưởng Trường THPT Minh Quang (huyện Ba Vì) cho biết: Trong số 194 học sinh lớp 12 của trường năm nay có 96 em đăng ký thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, chiếm gần 50%. Nguyên nhân là hầu hết học sinh của trường có điểm “đầu vào” rất thấp, lực học trung bình nên chọn con đường học trung cấp nghề để có thể nhanh chóng đi làm phụ giúp gia đình.

Nguyên nhân cơ bản khác là điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, học sinh khó có điều kiện học tiếp sau khi tốt nghiệp THPT. Là một trong số học sinh có học lực khá nhưng em Nguyễn Như Mai, Trường THPT Minh Quang vẫn chọn học nghề sau khi tốt nghiệp.

“Gia đình em thuộc diện hộ nghèo, bố mẹ khó có thể lo cho em theo học hết bậc đại học nên em chủ động đăng ký học nghề để nhanh được đi làm, có thu nhập phụ giúp bố mẹ lo cho các em. Sau này có điều kiện em sẽ đi học tiếp để lấy bằng đại học”, Nguyễn Như Mai cho biết.

Vào đại học bằng xét học bạ

Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh đại học tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2019 diễn ra ở Hà Nội.


Ngoài tác động của công tác phân luồng, nguyên nhân của việc nhiều học sinh chỉ đăng ký thi THPT quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp THPT là bởi các em có một lựa chọn khác phù hợp hơn để học đại học, đó là xét tuyển bằng học bạ.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Bên cạnh 342.000 chỉ tiêu đại học, cao đẳng bằng phương thức xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia, năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo còn dành 148.000 chỉ tiêu cho các phương thức khác, trong đó có phương thức xét tuyển bằng học bạ, tăng 33% so với năm 2018.

Thông tin này nhận được sự quan tâm của nhiều phụ huynh, học sinh. Tại Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai) năm nay có gần 10% trong tổng số 560 học sinh lớp 12 đã lựa chọn cách xét tuyển đại học bằng học bạ. “Em học không chắc lắm, còn đuối ở môn toán và bấp bênh ở môn ngữ văn nên không dám đăng ký xét tuyển đại học bằng phương thức dùng kết quả thi THPT quốc gia mà chọn phương thức xét bằng học bạ.

Sau thời hạn xét tuyển đại học, nếu không trúng tuyển, em vẫn còn cơ hội đăng ký xét tuyển theo học các trường nghề nên cố gắng tận dụng mọi cơ hội”, học sinh Nguyễn Thị Mai Linh cho biết.

Ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhận định: "Trong trường hợp học sinh có học lực không ổn định hoặc thường bị ảnh hưởng về tâm lý trong kỳ thi thì xét tuyển vào đại học bằng học bạ là một lựa chọn có nhiều ưu thế. Với cách thức này, không chỉ học sinh bớt vất vả mà kỳ thi cũng sẽ giảm áp lực hơn".

Năm 2019, cả nước có hơn 887.000 thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia, giảm hơn 4% so với năm 2018. Trong khi đó chỉ tiêu tuyển sinh đại học năm nay là hơn 467.000 sinh viên, tăng 6% so với năm 2018. 

Mỗi thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển đại học. Quy định này áp dụng cho cả hai phương thức: Sử dụng kết quả thi THPT quốc gia và xét học bạ. Thống kê sơ bộ, cả nước có hơn 100 trường tuyển sinh đại học bằng phương thức xét học bạ. Phương thức xét tuyển bằng học bạ không sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, mà sử dụng kết quả học tập của học sinh ở cấp THPT.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gần 27% thí sinh dự thi THPT chỉ để xét tốt nghiệp: Đâu là nguyên nhân?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.