Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Gói” xuân may mắn trong vó ngựa

Trà Giang| 02/02/2014 09:22

(HNM) - “Tôi mê ngựa từ bé” - họa sĩ Lê Trí Dũng lý giải đơn giản về gia tài cỡ 3.000 bức tranh ngựa của mình.

30 năm - gia tài 3.000 tranh ngựa

Lê Trí Dũng nói chắc: Mình có cỡ 3.000 tranh ngựa, nhưng đó chỉ là sự “bỏ rẻ”, áng chừng vậy thôi, bởi những người quen biết Lê Trí Dũng đều rõ suốt hơn 30 năm qua, ngày nào họa sĩ này cũng “hí hoáy” dăm ba bức về ngựa. Trong tản văn “Những con ngựa của tôi”, họa sĩ viết: “Tôi mê ngựa từ bé. Con ngựa đầu tiên tôi vẽ trong đời là con ngựa Xích Thố của Quan Vân Trường trong Tam Quốc Chí. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ: “Con ngựa toàn thân sắc đỏ như lửa, tịnh không có một cái lông nào tạp, ngày đi nghìn dặm...”. Lớn lên lại biết thêm vô vàn ngựa khác: Con Thiên Lý Mã và Vạn Lý Vân trong Phong Thần. Con Ô Truy Thích Tuyết của Hô Diên Chước và Thiên Lý Long Câu của Sử Văn Cung trong Thủy Hử. Con Thảo Thượng Phi của chiến sĩ hồng quân Trung Quốc Mã Tuấn Vũ có dáng bay trên cỏ khi giáp chiến với quân địch...”. Nhưng Lê Trí Dũng chắc nịch: “Tôi vẫn yêu quý nhất là những con ngựa thuần Việt, vóc nhỏ, đầu to, chân ngắn, ăn uống kham khổ, trung thành, chịu khó... tận đến lúc chết vẫn cống hiến thân mình cho sức khỏe con người. Tranh ngựa của tôi, dù phi hay bay thì vẫn là dáng ngựa Việt Nam”.


Mười năm trở lại đây, tranh ngựa của Lê Trí Dũng đã bớt tính chất tả thực, tăng tính hư cấu, trừu tượng, vẽ về ngựa mà như vẽ về người. Ngựa quằn quại, tung vó, gào thét. Ông cũng ít vẽ ngựa đôi, ngựa đàn, chỉ chăm chắm vào hình ảnh độc mã phóng vun vút, phi như bay, trên cả mặt trời, mặt trăng, dầm mình trong mưa, cỏ hoang đồng nội, bờm văng tung tóe, màu và mực đổ ào ào, bắn vung vít, chảy ròng ròng... Sự cô đơn dường như luôn là số phận đã định sẵn cho người nghệ sĩ đích thực. “Cuối cùng, còn lại với tôi vẫn chỉ có một con ngựa, gam màu đơn sắc, bờm xù, ngoảnh lưng lại với người xem... Sau bao nhiêu là nước kiệu, nước đại. Sau bao nhiêu là đồng cỏ bao la, suối sâu và rừng rậm, sau bao nhiêu là lau sậy, mặt trời và mặt trăng, sau bao nhiêu là Đỏ, Vàng, Xanh, Tím, sau bao nhiêu là quằn quại, gào thét, sau bao nhiêu là chảy ròng ròng, văng tung tóe... Bây giờ nó đi chậm rãi, thản nhiên, ngạo nghễ, dường như muốn nói: Đời là thế! Có gì đâu mà phải hoắng lên!”, Lê Trí Dũng đã viết những dòng trải lòng như vậy.

Tranh “gói” lộc xuân

Họa sĩ Lê Trí Dũng gọi mình là Người Vẽ Ngựa. Nhà thơ Vũ Quần Phương làm tặng ông bài thơ “Tranh ngựa”, trong có đoạn: “Nghìn ngựa ào qua đầu ngọn bút/ Thân chưa khô mực, đã đường xa/ Ngựa ơi đồng đất người thiên hạ/ Cỏ nuôi mày vẫn cỏ đồng ta”. Sắp tới, ông sẽ xuất bản cuốn sách in 100 bức tranh ngựa mà ông tâm đắc. Ngoài đam mê lớn nhất là vẽ ngựa, Lê Trí Dũng còn là họa sĩ rất thành công ở mảng tranh 12 con giáp. Ngay cả với những con vật vốn bị coi là “đen đủi”, “xấu xí” trong 12 con giáp như khỉ, chuột, rắn... vào tranh của ông vẫn có vẻ đẹp rất riêng, khi dí dỏm, khi hồn hậu, và đặc biệt bao giờ cũng chứa nhiều ý tứ. Mỗi dịp Tết đến, nhiều văn sĩ biết tiếng thường đến đặt hàng ông vẽ tranh con giáp về treo trong nhà như lối chơi tranh Đông Hồ hay Hàng Trống xưa. Nghệ sĩ Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ hiện sở hữu nhiều tranh ngựa của họa sĩ Lê Trí Dũng nhất với hàng trăm bức, bức lớn nhất to như cái giường đôi, bức nhỏ kích thước chỉ bằng cái phong bì hay bao thuốc. Nhiều lần nghệ sĩ này đã ngỏ ý muốn làm một triển lãm tranh mini của Lê Trí Dũng ngay trong phòng làm việc của mình.

Họa sĩ Lê Trí Dũng lý giải: “Người ta chơi tranh con giáp là để mong rước được thật nhiều may mắn cho năm mới. Vì thế, khi tôi vẽ tranh con giáp tôi thường ứng dụng âm dương ngũ hành vào tranh. Vẽ ngựa, ngựa của tôi ít khi đứng hay ăn cỏ mà nó phi, kết hợp với vòng tròn âm dương trên yên ngựa, với màu sắc của tranh để mang đến những điềm lành cho năm mới. Ví như năm Giáp Ngọ này, tôi vẽ con ngựa đỏ, theo quan niệm phong thủy là hỏa thắng kim, mong rằng sẽ là một năm lấy lại được niềm tin về kinh tế, xã hội”.

Họa sĩ Lê Trí Dũng sinh năm 1949 trong một gia đình làm nghệ thuật, cả bốn anh em trong nhà đều theo nghiệp vẽ. Cha là họa sĩ sơn mài nổi tiếng Lê Quốc Lộc. Năm 1971, Lê Trí Dũng vào lính tăng thiết giáp, từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị năm 1972. Năm 1977, ông xuất ngũ, làm việc tại Xưởng Mỹ thuật quốc gia, cộng tác minh họa cho Báo Văn nghệ và Văn nghệ Quân đội, dạy học, liên tục tham gia triển lãm, thành công với đề tài vẽ ngựa, sen và 12 con giáp, đoạt HCB Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1990 và nhiều giải thưởng khác. Hiện ông là Ủy viên BCH, Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam.


“Ngựa chắc chắn là con vật được loài người yêu thích nhất. Chẳng thế mà hàng nghìn năm nay, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây con người say mê sáng tạo từ con ngựa. Hàng tỷ con ngựa nghệ thuật đã ra đời và trong cái đàn ngựa nghệ thuật mênh mông trên thế giới ấy tôi đã nghĩ chắc không còn chỗ đứng nào cho nghệ sĩ sáng tạo ngựa Việt Nam! Nhưng tôi đã giật mình và thay đổi ý nghĩ ấy khi được chiêm ngưỡng hàng nghìn bức tranh ngựa của họa sĩ Lê Trí Dũng. Quá cảm phục sức làm việc và sự sáng tạo đến khó tin của một tài năng hội họa nước nhà. Ngựa Lê Trí Dũng đẹp về tạo hình, uyển chuyển về đường nét, đằm thắm nhuần nhị về sắc màu... Những con ngựa hiện lên trong tranh Lê Trí Dũng lúc hùng dũng kiêu sa, lúc bí ẩn lãng mạn, lúc quằn quại đớn đau, lúc rộn ràng sáng láng... Tranh ngựa của Lê Trí Dũng chính là con người, là hội họa Lê Trí Dũng! Trong đàn ngựa nghệ thuật mênh mông ấy của nhân loại giờ đã có thêm một con ngựa mới và đẹp. Đó là NGỰA LÊ TRÍ DŨNG”.

Thành Chương
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Gói” xuân may mắn trong vó ngựa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.