Theo dõi Báo Hànộimới trên

Độc đáo màn tái hiện sự tích Thánh Gióng đánh giặc Ân

Quang Thái| 23/05/2018 20:37

(HNMO) - Chiều 23-5 (tức mùng 9 tháng 4 âm lịch) rất đông người dân xã Phù Đổng đã đổ về đền Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) để xem màn tái hiện sự tích Thánh Gióng đánh giặc Ân trong Hội Gióng.

Hội Gióng ở đền Phù Đổng gắn với truyền thuyết về một cậu bé được mẹ sinh ra một cách kỳ lạ. Khôi ngô, tuấn tú nhưng lên 3 mà vẫn chưa biết nói, biết cười, suốt ngày cậu chỉ nằm trong thúng treo trên gióng tre, vì thế được đặt tên là Gióng.

Vậy mà khi nghe thấy lời kêu gọi của nhà vua tìm người tài giỏi đánh giặc ngoại xâm, Gióng bỗng lớn nhanh như thổi, rồi xung phong ra trận đánh giặc cứu nước, cứu dân. Sau khi dẹp tan giặc Ân, Gióng về núi Sóc rồi cưỡi ngựa bay lên trời. Từ đó, Gióng được thiêng hóa thành một vị Thánh bất tử, bảo vệ sự thái bình cho đất nước và thịnh vượng cho muôn dân.


Sau màn tế lễ, khoảng 15h màn tái hiện Thánh Gióng đánh giặc Ân được bắt đầu. Đi tiên phong là phù giá và quân lính của ông Hiệu (người tượng trưng cho Thánh Gióng).


Điểm tái hiện trận đánh là khu vực bãi cát trước cửa đền Gióng. Vừa đi, các phù giá và quân lính vừa hô vang khẩu hiệu để thể hiện hào khí của đoàn quân.


Đi giữa đoàn là ông Hổ (tượng trưng cho các loài vật được thuần phục để đánh giặc).


Đến điểm đánh trận, ông Hổ biểu diễn một số động tác với mục đích dò la và phá bỏ các vật cản tại điểm đánh giặc.


Ông Hoàng Xuân Hãn, Chủ từ đền Phù Đổng cho biết: “Lễ hội Gióng nhằm tưởng nhớ đến công lao to lớn của Phù Đổng Thiên Vương và được người dân địa phương duy trì từ bao đời nay. Màn tái hiện sự tích Thánh Gióng đánh giặc Ân là để con cháu đời sau hiểu hơn về lịch sử và thúc đẩy tinh thần đoàn kết”.


Sau khi màn diễn của ông Hổ kết thúc, binh lính mở đường dẫn ông Hiệu lên thực hiện màn múa cờ tái hiện trận đánh của Thánh Gióng.


Những người được chọn làm ông Hiệu là cư dân của địa phương và có tài, đức.


Màn múa cờ được ông Hiệu biểu diễn 3 lần, mỗi lần ông đứng trên một chiếc chiếu. Trong khi ông múa, binh lính và người dân thường hô vang để thể hiện hào khí.


Trong màn múa cờ lệnh, điệu múa cờ của ông Hiệu phải thật chính xác, khéo léo để tránh điều tối kỵ là lá cờ bị cuốn vào cán, bởi theo niềm tin của người dân nơi đây thì đó là điềm rủi.


Bát (tượng trưng cho núi), giấy trắng (tượng trưng cho mây) được đặt trên chiếu và bị ông Hiệu đá văng ra ngoài trong màn múa cờ. Theo quan niệm của người dân địa phương, ai may mắn túm được bát ông Hiệu đá văng, gia đình sẽ gặp nhiều may mắn và làm ăn phát tài, phát lộc.


Kết thúc màn múa cờ, chiếc chiếu được cắt ra thành nhiều mảnh nhỏ và tung lên trời để người dân địa phương nhặt.


Bà Nguyễn Thị Xoa, thôn Đổng Viên chia sẻ: “Tôi là người thân trong gia đình ông Hiệu nên được phát vài sợi chiếu. Những sợi chiếu có ý nghĩa quan trọng đối với người dân địa phương, bởi nó sẽ đem lại sự may mắn cho gia đình”.


Sau khoảng hơn 2 tiếng, màn tái hiện "Thánh Gióng hai lần đánh giặc Ân" kết thúc và đó cũng là lúc khép lại Hội Gióng Phù Đổng. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo màn tái hiện sự tích Thánh Gióng đánh giặc Ân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.