Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khi nông dân hóa thành nghệ sĩ

Hoàng Vũ| 09/09/2018 07:29

(HNMO) - 150 nông dân ở xã Sài Sơn, Quốc Oai bỗng trở nên nổi tiếng thế giới khi lột xác trở thành những nghệ sĩ thực thụ trong vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”.

Nâng tầm văn hóa làng quê

Đất Chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) vốn được xem là cái nôi của nghề rối nước mà người khai sáng là Thiến Sư Từ Đạo Hạnh. Bởi thế, rối nước trở thành “đặc sản” văn hóa không thể trộn lẫn của người Sài Sơn từ nhiều thế kỷ nay. Qua nhiều thế hệ cha truyền, con nối, người dân nơi đây luôn gắng sức giữ gìn di sản văn hóa làng quê bằng nhiều cách cho dù cuộc sống của họ ít nhiều đã đổi thay.

Vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” khoe những nét đẹp văn hóa của làng quê đồng bằng Bắc Bộ và những nét văn hóa đặc trưng của người Hà Nội.


Từ nhiều năm nay, người Sài Sơn vẫn duy trì những CLB múa rối nước, thường trình diễn tại thuỷ đình của chùa Thầy. Những người hằng ngày bận rộn với việc đồng áng, chăn vịt, nuôi gà nhưng cứ vào hội họ lại trở thành nghệ sĩ múa rối thuần thục, cống hiến cho không chỉ người làng mà cả du khách gần xa những màn múa rối nước độc đáo.

Trở lại Sài Sơn vào ngày đầu thu, những thay đổi của một vùng quê từ hạ tầng, thiết chế văn hóa khiến không ít người ngạc nhiên. Rối nước Sài Sơn giờ đây không còn quanh quẩn ở ao làng, không chỉ trình diễn vào những ngày lễ hội, ngày truyền thống địa phương mà giờ đã được nâng cấp thành sản phẩm nghệ thuật độc đáo, nức tiếng gần xa. Người Sài Sơn không còn là những nghệ sĩ thôn quê, khoe tinh hoa tài nghệ vào mỗi dịp “Tết đến xuân về” mà họ đã trở thành nghệ sĩ thực thụ khi có những buổi diễn thường xuyên, định kỳ hằng tuần.

Những nông dân trở thành nghệ sĩ trên sân khấu vở thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”.


Khi Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội đầu tư hạ tầng ở Sài Sơn, xây dựng nhà hát ngoài trời lớn nhất miền Bắc với 12.000m2, trong đó sân khấu nước là 4.300m2 để phục vụ cho vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”, đời sống của người dân thay đổi rõ nét. 150 nông dân ở nhiều độ tuổi khác nhau được mời gọi tham gia làm diễn viên chính của vở thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”.

Người nhiều tuổi nhất cũng ngót 90, người ít tuổi là những cậu bé còn học tiểu học. Họ hồ hởi với công việc mới, say sưa với việc diễn xuất bởi họ ý thức được rằng, tham gia trình diễn văn hóa cũng là cách để giới thiệu tinh hoa của làng xóm, là con đường để du khách gần xa đến với chùa Thầy nhiều hơn.

Bà Nguyễn Thị Soạn, nay đã gần 80, một người dân Sài Sơn tham gia vở diễn từ những ngày đầu tâm sự rằng, từ khi làm diễn viên, người dân học được nhiều điều như cung cách làm việc chuyên nghiệp hơn, từ tuân thủ đúng giờ giấc cho đến nâng cao kỹ năng trình diễn để hấp dẫn du khách. “Bà con có đời sống tốt hơn hẳn trước. Chúng tôi không còn coi việc biểu diễn chỉ để vui nữa mà coi đó là nghề mình phải trân trọng”, bà Soạn bày tỏ.

Những nông dân xã Sài Sơn mang nét đẹp văn hóa làng quê lên sân khấu.


Anh Trần Minh Tuấn, một nông dân và là nghệ sĩ múa rối "chính hiệu" ở chùa Thầy bộc bạch, những người như anh cảm nhận rõ nét sự thay đổi của làng quê so với trước đây. Biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp, tiếp cận với hệ thống thiết bị âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo hiện đại, những nghệ sĩ múa rối xuất thân từ làng quê như anh Tuấn phải dành nhiều thời gian để tập luyện, làm quen lại. Và đó là cách để anh đưa rối nước của ông cha nâng tầm lên thành sản phẩm nghệ thuật, du lịch độc đáo, lạ mắt và hiện đại hơn.

Thay đổi cuộc sống

Với những yếu tố “lần đầu tiên”, không ngạc nhiên khi vào đầu tháng 8 vừa qua, vở thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” được tổ chức Kỷ lục Guinness Việt Nam đã trao cho 2 kỷ lục là "Show diễn có sân khấu mặt nước lớn nhất Việt Nam" (4.300 m2) và "Show diễn có số lượng diễn viên là nông dân đông nhất Việt Nam" (150 diễn viên).

Trước đó, vở này đã nhận giải vàng của Giải thưởng Stevie châu Á - Thái Bình Dương 2018 trong hạng mục “Đổi mới trong Truyền thông, Truyền thông thị giác và Giải trí trực quan” (Award for Innovation in Media, Visual Communications & Entertainment).

Trên sân khấu nước rộng 4.300m2, ngôi thủy đình có thể chuyển động, tạo nên không gian huyền ảo của vở diễn thực cảnh.


Ra mắt cuối tháng 10-2017, vở thực cảnh trở thành hiện tượng sân khấu biểu diễn của Hà Nội. Với sức chứa 2.500 khách, sân khấu xây dựng như “nhà hát” ngoài trời có thể di động uyển chuyển, cùng ngôi thủy đình được thiết kế giống như phiên bản gốc ở chùa Thầy, có thể chuyển động trên mặt nước… vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” trở thành điểm thu hút du lịch hấp dẫn của Hà Nội. Điều này cũng mang đến những thời cơ cũng như áp lực mới cho những người dân ở Sài Sơn, vốn trước kia chỉ quen việc đồng áng.

Nghệ sĩ múa rối nước Trần Minh Tuấn bày tỏ rằng, những người dân Sài Sơn giờ đây đã học được cách làm du lịch. Những thay đổi trong đời sống của người dân không chỉ dừng ở việc tham gia biểu diễn mà biết làm dịch vụ, tinh ý hơn trong việc chiều lòng khách.

Vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” trở thành điểm đến văn hoá, du lịch hấp dẫn của Hà Nội.


Chị Nguyễn Thị Hà (37 tuổi), một nông dân xã Sài Sơn tham gia vở diễn cho biết, bên cạnh các du khách trong nước, lượng khách nước ngoài đến xem vở diễn cũng ngày một nhiều lên. Những tràng vỗ tay không ngớt, nụ cười thân thiện của họ đã trở thành sự cổ vũ, động lực cho chị cùng các diễn viên ngày một tự tin, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, đến với vở diễn với niềm đam mê và niềm vui lan tỏa văn hóa cộng đồng.

“Tinh hoa Bắc Bộ” là sản phẩm văn hóa độc đáo của Hà Nội. Có được sự “độc nhất vô nhị” ấy một phần do những đóng góp, sáng tạo và tình yêu nghệ thuật của những nông dân Sài Sơn. Họ không chỉ góp phần lan tỏa giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương mình mà còn chung tay làm Sài Sơn ngày một trù phú, năng động hơn bằng chính công sức lao động và niềm đam mê với di sản văn hóa truyền thống của ông cha.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi nông dân hóa thành nghệ sĩ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.