Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Hà Nội ngày trở về” trong hồi ức của những người làm nên lịch sử

Bài, ảnh: Hoàng Lân| 05/10/2018 13:56

(HNMO) - Nhiều nhân chứng lịch sử đã không kìm được nước mắt xúc động khi xem lại những thước phim, hay những bức ảnh, hiện vật gợi nhớ lại thời khắc lịch sử của 64 năm về trước, trong buổi khai mạc trưng bày chuyên đề “Hà Nội ngày trở về” tại Di tích nhà tù Hỏa Lò vào sáng 5-10.

Khai mạc triển lãm "Hà Nội ngày trở về".


Ký ức không quên

Buổi khai mạc trưng bày chuyên đề “Hà Nội ngày trở về” có sự xuất hiện của nhiều nhân chứng lịch sử - những người theo các quân đoàn tiến về Thủ đô vào ngày thu lịch sử của 64 năm về trước. Đó là Trung tướng Phạm Hồng Cư, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh tiếp quản nhà tù Hỏa Lò; Đại tá Dương Niết tiếp quản Sở Cảnh sát Bắc Việt; Đại tá Doãn Thạch Khôi tiếp quản Nhà máy nước Yên Phụ; Đại tá Lê Duy Tư tiếp quản Tòa án tối cao… cùng nhiều nhân chứng lịch sử đã cống hiến, bảo vệ Thủ đô trong những ngày tạm chiếm.

Trong ký ức còn đong đầy cảm xúc, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh, người phụ trách tiếp quản nhà tù Hỏa Lò - một trong 35 điểm trọng yếu của Hà Nội lúc bấy giờ xúc động kể: “Tôi bị thực dân Pháp bắt, giam tại nhà tù Hỏa Lò, tra tấn rồi chuyển trại giam. Sau này, khi là một trong những người trở lại trên hai chiếc xe Jeep, tiếp quản nhà tù Hỏa Lò, tôi xúc động vô cùng. Tôi còn nhớ buổi tối đầu tiên tiếp quản trại giam, khi ngủ tại căn buồng của giám thị trước kia, tôi không thể nào chợp mắt. Một phần vì những cảm xúc vỡ òa hạnh phúc, sung sướng khi giờ đây mình đã là công dân của một đất nước độc lập, phần khác tôi nhớ tới những đồng đội của mình đã bị bắt giam tại đây, bị tra tấn và hy sinh... Buổi tối đó tôi nhớ mãi đến bây giờ”.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh chia sẻ câu chuyện trong ngày tiếp quản nhà tù Hỏa Lò.


Trở lại Di tích nhà tù Hỏa Lò vào ngày thu tháng 10, người cựu chiến binh hơn 80 tuổi - ông Trần Quốc Thanh - run run cảm động khi nhớ lại giây phút cùng Trung đoàn 57 của đại đoàn 304 tiếp quản Hà Nội.

“Đoàn chúng tôi tiến về Hà Nội từ cửa ngõ phía Tây. Buổi sáng ấy, những người nông dân còn ở dưới ruộng, khi thấy quân đoàn với lá cờ đỏ sao vàng hùng dũng hành quân về trung tâm Hà Nội, đã chạy túa ra đường, reo vang, ôm chầm lấy bộ đội. Chúng tôi đón nhận tình cảm ấy vô cùng tự nhiên và bất ngờ. Khi quân đoàn đến Hà Đông, đi qua nhà của bố mẹ tôi, tôi xúc động vô cùng. Khi ấy, tôi mới 20 tuổi. Tôi không thể nào diễn tả hết niềm hạnh phúc, xúc động khi đón nhận tình cảm của người dân, cứ như thể họ chờ đợi điều này từ rất lâu rồi. Chúng tôi không còn cảm giác đang làm nhiệm vụ, mà như thể đang được trở về nhà”, ông Trần Quốc Thanh kể, hai bàn tay nắm chặt để kìm giữ cảm xúc, khóe mắt hơi ướt vì xúc động…

“Trùng trùng, quân đi như sóng…”

Cụ bà Nguyễn Thị Phúc, nay đã 82 tuổi, đến dự lễ khai mạc triển lãm tại di tích nhà tù Hỏa Lò từ sớm. Bà mặc chiếc áo dài hoa nền nã, bâng khuâng nhìn những bức ảnh về những người lính cụ Hồ tiến về giải phóng Thủ đô cách đây tròn 64 năm.

Bà Nguyễn Thị Phúc nhớ lại giờ phút không bao giờ quên khi đón đoàn quân tiếp quản Hà Nội vào ngày 10-10-1954.


Hình ảnh “trùng trùng quân đi như sóng, lấp lánh lưỡi lê sáng ngời…” được phản ánh sinh động qua rất nhiều bức tranh, tư liệu, gợi lại trong ký ức của thiếu nữ Hà Nội thuở nào bao điều đẹp đẽ.

“Khi ấy, tôi mới 18 tuổi. Tôi nhớ rất rõ, mọi người hô vang: “Bộ đội về giải phóng Hà Nội rồi bà con ơi!”. Người nào người nấy hồ hởi chạy ra đường, vẫy chào đoàn quân tiến về Hà Nội. Họ truyền nhau cờ, hoa để vẫy chào. Người nào không có cờ hoa thì vẫy bằng khăn, mũ, nón... Tôi hòa vào dòng người đón đoàn quân đi từ Bà Triệu đến Bờ Hồ. Cảm xúc lúc đó là vỡ òa vì hạnh phúc và sung sướng. Đến giờ, mỗi khi nhìn lại những hình ảnh ấy, nước mắt cứ trào ra vì xúc động”, bà Phúc tâm sự.

Hòa vào dòng người xem triển lãm, các ông Nguyễn Đình Cần và Vũ Tiến Bằng - hai cựu chiến binh cùng hoạt động trong một đơn vị đóng tại Hà Nội - tỉ mẩn ngắm những kỷ vật xưa. Ở tuổi xấp xỉ 90, hai người đồng đội chậm rãi dắt nhau xem các bức ảnh, tư liệu từng gắn bó với mình. Dù phải dùng đến công cụ trợ thính để nghe rõ hơn người đối diện, nhưng khi được hỏi về những ngày giải phóng Thủ đô, hai cựu chiến binh kể say sưa không dứt.

Hai cựu chiến binh Nguyễn Đình Cẩn và Vũ Tiến Bằng.


Ông Nguyễn Đình Cẩn cho biết, đơn vị của ông làm nhiệm vụ ở lại Hà Nội để cùng nhân dân bảo vệ Thủ đô. Những người lính có nhiệm vụ “ém quân” tại Hà Nội thường xuyên làm các công tác nắm bắt tình hình địch, liên lạc với bên ngoài. Khi đoàn quân cụ Hồ tiến về tiếp quản Thủ đô, đơn vị của ông làm nhiệm vụ dẫn đường, phối hợp ổn định trật tự xã hội.

“Chúng tôi tự hào và hạnh phúc vì đã góp sức vào chiến thắng của dân tộc, cùng chung tay bảo vệ Thủ đô trong những giai đoạn gian khó. Mỗi người một nhiệm vụ để cùng làm nên bức tranh lịch sử hào hùng của người Hà Nội và của dân tộc Việt Nam”, ông Nguyễn Đình Cẩn bày tỏ.

Không hẹn mà gặp, di tích nhà tù Hỏa Lò trở thành “điểm hẹn” để các cựu chiến binh năm xưa, những nhân chứng lịch sử được gặp nhau để ôn lại kỷ niệm. Nhiều người chân đi đã không vững, tai nghe không còn rõ nhưng ký ức về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc vẫn còn hiện rõ. Câu chuyện của họ đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị, truyền cảm hứng cho thế hệ con cháu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trưng bày chuyên đề “Hà Nội ngày trở về” với hai nội dung chính” “Ra đi… Hẹn một ngày về” và “Hà Nội ngày trở về” đã khắc họa rõ nét thời kỳ lịch sử gian khó của quân và dân Việt Nam trong 9 năm trường kỳ kháng chiến, để rồi vỡ òa cảm xúc trong ngày Giải phóng Thủ đô.

Trưng bày kéo dài đến ngày 30-1-2019.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Hà Nội ngày trở về” trong hồi ức của những người làm nên lịch sử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.