Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng văn hóa ứng xử trong chung cư mới: Đánh thức “sự xấu hổ”!

Hoàng Lân| 14/12/2018 10:50

(HNMO) - Sáng 14-12, báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức giao lưu trực tuyến “Xây dựng văn hóa ứng xử trong chung cư mới trên địa bàn TP Hà Nội”.

Buổi giao lưu trực tuyến "Xây dựng văn hóa trong chung cư mới trên địa bàn TP Hà Nội”.


Mâu thuẫn trong vấn đề ứng xử xuất phát từ lợi ích

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tham dự nêu vấn đề, trước kia khi cuộc sống khó khăn, tình làng nghĩa xóm dường như gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau, nhưng bây giờ cuộc sống càng văn minh, phát triển hơn thì ứng xử với nhau dường như đi xuống. Đây cũng là vấn đề đang được thành phố Hà Nội quan tâm giao cho Sở VH-TT Hà Nội có hướng dẫn cho các khu chung cư trên địa bàn Hà Nội.

Theo ông Trần Ngọc Minh, Phó trưởng Phòng quản lý nhà và bất động sản (Sở Xây dựng), hiện nay, Hà Nội có 745 chung cư thì có đến 83 tòa có khiếu kiện, Sở Xây dựng đã giải quyết 67 toà chung cư. Một trong những mâu thuẫn trong ứng xử giữa chủ đầu tư và người dân là những vấn đề về quản lý phí bảo trì, phí dịch vụ, quản lý khu sinh hoạt chung.

Về việc văn hóa chung cư đô thị mới, KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, đô thị Việt Nam chỉ hình thành khoảng hơn 100 năm nay, Việt Nam chỉ có văn hóa chung cư từ những năm 1990, khi những khu đô thị mới xuất hiện. Vì lẽ đó, văn hóa chung cư ở các đô thị mới còn lỏng lẻo, chưa có nền tảng.

Văn hóa ứng xử trong khu chung cư mới còn nhiều vấn đề cần quan tâm (ảnh minh hoạ).


KTS Phạm Thanh Tùng ví von, chung cư là “cỗ máy” để ở, đòi hỏi người ở phải là người thợ lành nghề, biết sử dụng các thiết bị hiện đại ở tòa nhà như cách sử dụng thang máy, hành lang, cửa thoát hiểm, các thiết bị phòng cháy chữa cháy…

Vì nhiều người ở chung cư thiếu sự hiểu biết, ứng xử nên mới có những hiện tượng như có nhiều người phi xe vào thang máy, ngồi ăn uống ở khắp hàng lang, giữ cửa thang máy... “Ở chung cư khó hơn ở nhà đất, nếu thiếu hiểu biết thì sẽ không ở được”, KTS Phạm Thanh Tùng bày tỏ.

Cần đánh thức “sự xấu hổ”

Theo GS Đặng Hùng Võ, chung cư là một dạng cộng đồng, nếu giữ được trật tự cộng đồng theo cơ chế mềm thì mới giữ được nền tảng văn hóa, xã hội. Hiện nay, trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, nhiều địa phương vì tập trung vào việc xây dựng kinh tế mà quên đi các thiết chế văn hoá cần xây dựng. Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu về việc xây dựng các thiết chế văn hóa và đang từng bước khơi dậy văn hóa ứng xử, nếp sống văn minh.

GS Đặng Vùng Võ nhấn mạnh, việc Hà Nội ban hành hai Quy tắc ứng xử là việc làm cần thiết và đúng đắn để hướng tới xây dựng nếp sống mới, khơi dậy văn hóa ứng xử thanh lịch, văn minh của người Hà Nội. Tuy nhiên, bên cạnh việc xây dựng các quy tắc cũng nên có những biện pháp, chế tài để xử lý những người vi phạm.

“Chế tài ấy không nhất thiết đánh vào kinh tế mà có thể có những cách thức nhắc nhở, răn đe để mỗi người ý thức hơn về hành động, ứng xử, lời nói của mình tại nơi công cộng, nơi mình sống. Cần phải khiến mỗi người biết tự xấu hổ nếu vi phạm những quy tắc này”, GS Đặng Hùng Võ bày tỏ.

Cùng về vấn đề này, KTS Phạm Thanh Tùng cho biết, để xây dựng văn hóa trong chung cư cần phải có sự tuyên truyền đầy đủ và thường xuyên tới các hộ dân, tổ dân phố về nếp sống văn hoá mới, những cách ứng xử đúng đắn của mỗi công dân khi sinh hoạt ở nơi mình sinh sống.

Về vấn đề xây dựng văn hóa ứng xử trong khu chung cư mới, ông Ngô Văn Nam, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống và gia đình (Sở VH-TT Hà Nội) cho biết, hiện nay theo chủ trương chung của UBND TP Hà Nội, vấn đề văn hóa chung cư đang đặc biệt được quan tâm.

Sở VH-TT Hà Nội đang tiến hành những hướng dẫn cụ thể tới từng quận, phường và các tổ dân phố việc thực hiện các Quy tắc ứng xử. Sở cũng đã tổ chức các buổi kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy tắc ứng xử, xây dựng nếp sống mới tại nhiều phường được xem là “nóng” trên địa bàn Hà Nội.

Với nỗ lực của cơ quan quản lý, hy vọng thời gian tới, văn hóa ứng xử của người dân ở các khu đô thị, đặc biệt là trong các khu chung cư mới sẽ ngày càng văn minh hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng văn hóa ứng xử trong chung cư mới: Đánh thức “sự xấu hổ”!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.