Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mỹ thuật về đề tài lực lượng vũ trang: Chắt lọc, tìm cái mới

An Nhi| 16/12/2018 07:59

(HNM) - Năm 2019, giới nghệ thuật tạo hình cả nước sẽ có cuộc tụ hội lớn là Triển lãm mỹ thuật toàn quốc về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, đồng thời tham gia giải thưởng văn học, nghệ thuật và báo chí 5 năm của Bộ Quốc phòng giai đoạn 2016-2020.

Các tác phẩm mới về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng thu hút rất đông người xem. Ảnh: Thụy Du


Đậm hình ảnh chiến sĩ hôm nay

Những năm gần đây, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc vận động sáng tác mỹ thuật về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức các chuyến đi thực tế sáng tác tại nhiều đơn vị quân đội, khu di tích lịch sử quân sự và mở các trại sáng tác ở cả ba miền về đề tài này, nhằm tạo nguồn tác phẩm chất lượng. Trong năm 2017 và đầu năm 2018, bảo tàng mở ba trại sáng tác mỹ thuật tại Nhà sáng tác Đà Lạt (Lâm Đồng), Nhà sáng tác Đà Nẵng và Nhà sáng tác Đại Lải (Vĩnh Phúc). Mới nhất có trại sáng tác tranh lụa, tranh đồ họa tại Trung tâm Mỹ thuật đương đại (Hội Mỹ thuật Việt Nam) ở Hà Nội vừa khép lại vào cuối tháng 11. Gần 150 tác phẩm thu được từ các trại sáng tác đó giúp chúng ta cảm nhận được những tìm tòi mới mẻ của các nghệ sĩ đương đại về đề tài khó nhưng luôn có sức hút này.

Các tác phẩm ở ba trại sáng tác năm 2017 và đầu năm 2018 tập trung khai thác và ca ngợi tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại. Tiêu biểu là tác phẩm “Đường mòn Hồ Chí Minh” (Nguyễn Thế Hữu), “Kỷ vật Đồi A1 - Điện Biên Phủ 1954” (Phan Oánh), “Trận địa trên cầu” (Đinh Công Khải)… Nhiều tác giả trẻ, không trải qua chiến tranh nhưng cũng mạnh dạn thể hiện góc nhìn của mình về giai đoạn này như “Ngày về - 1954” (Bùi Anh Hùng), “Giải phóng Phước Long” (Ngô Đức Trung)… Số lượng tác phẩm về hình tượng người "bộ đội Cụ Hồ" trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay đã xuất hiện, như “Củng cố đảo” (Nguyễn Phú Hậu), “Xưởng đóng tàu” (Bùi Quang Đức), “Đưa nước ngọt ra đảo Bình Ba” (Đặng Thị Dương)…

Ở trại sáng tác tranh lụa và tranh đồ họa vừa qua, số lượng tác phẩm về người chiến sĩ hôm nay vượt trội, 23/36 tác phẩm đưa đến hình ảnh mới mẻ này. Có thể kể đến là “Ngày phép” (Đặng Tiến), “Hành quân qua bản” (Nguyễn Hoàng Linh), “Khi cơn lũ đi qua” (Trần Hải Anh)... Họa sĩ Lê Huy Tiếp, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật (Hội Mỹ thuật Việt Nam), người trực tiếp hướng dẫn các họa sĩ cho biết, đợt này, Ban Tổ chức đã mời những họa sĩ trẻ đến với trại sáng tác, mà phần lớn họ sinh ra sau chiến tranh, vì vậy, họ muốn thể hiện những gì mình thấy gần gũi, thân thuộc. Hơn nữa, hoạt động sôi nổi, đa dạng của người chiến sĩ hôm nay trên tất cả các mặt trận đang thu hút các nghệ sĩ sáng tạo.

Có thực tế mới có chất liệu

Cũng như các loại hình văn học, nghệ thuật khác, mỹ thuật rất cần những trải nghiệm thực tế để có chất liệu sáng tác. Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận định, đề tài về hai cuộc kháng chiến đã được các thế hệ họa sĩ đi trước khai thác nhiều và rất thành công. Không chỉ các họa sĩ quân đội, nhiều hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam đã khai thác khá sâu nội dung này. Nhưng hiện nay, số tác phẩm về chiến tranh thưa vắng dần. Đó là vì lớp họa sĩ trưởng thành trong các cuộc kháng chiến đã lớn tuổi, ít người còn cầm cọ. Còn họa sĩ trẻ thì không có thực tế nên thiếu chất liệu sáng tác. Nên việc khuyến khích họa sĩ khai thác hình tượng chiến sĩ hôm nay là rất thiết thực.

Qua quá trình dấn thân vào mảng đề tài về lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, họa sĩ Đỗ Đức Khải chia sẻ, để có chất liệu sáng tác, họa sĩ phải đọc nhiều sách lịch sử, tài liệu, phim ảnh về chiến tranh cộng với cái nhìn hiện đại để soi chiếu, thổi hơi thở mới vào bức tranh. Ví dụ ở tác phẩm “Thời gian trôi qua”, họa sĩ Đỗ Đức Khải mượn hình ảnh chiếc lược làm bằng xác máy bay mà nhiều người bà, người mẹ còn lưu giữ, để gửi gắm thông điệp về tình cảm của người chiến sĩ với hậu phương. Còn để thể hiện hình ảnh người chiến sĩ hôm nay, họa sĩ này cho biết, không gì quý bằng “mắt thấy, tai nghe”. May mắn được tạo điều kiện đến với quần đảo Trường Sa hai lần, họa sĩ Đỗ Đức Khải đã tích lũy được nguồn tư liệu dồi dào cho nhiều sáng tác sau này. “Khi chất liệu đầy đủ, cảm xúc chín muồi, chỉ cần sử dụng ngôn ngữ hiện thực là tạo nên một tác phẩm thành công”, họa sĩ nói.

Một vấn đề nữa theo họa sĩ Trần Khánh Chương sẽ tác động đến các sáng tác về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, đó là “đầu ra” cho tác phẩm. Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, các bảo tàng cần hỗ trợ công tác lưu giữ tác phẩm có chất lượng, vừa làm phong phú cho bộ sưu tập giới thiệu với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, vừa động viên tác giả tiếp tục theo đuổi đề tài này.

Mỹ thuật đem đến cảm xúc trực tiếp qua ngôn ngữ thị giác. Đứng trước một tác phẩm chở đầy tư liệu một thời hào hùng của đất nước hay phản ánh về những người chiến sĩ tinh nhuệ, hiện đại hôm nay, người xem thêm tự hào về lịch sử của dân tộc. Vì thế, không chỉ hướng tới những cuộc thi, triển lãm, các họa sĩ đương đại cũng có trách nhiệm đầu tư sáng tác nhiều hơn ở mảng đề tài này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ thuật về đề tài lực lượng vũ trang: Chắt lọc, tìm cái mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.