Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng lễ hội Tản Viên Sơn Thánh trở thành di sản văn hoá của nhân loại

Hoàng Lân| 24/01/2019 13:24

(HNMO) – Sáng 24-1, UBND huyện Ba Vì thông tin về kế hoạch tổ chức lễ khai hội Tản Viên Sơn Thánh và khai trương du lịch Ba Vì năm 2019.

Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh là nét văn hoá đặc sắc của huyện Ba Vì trong chiến lược phát triển văn hoá và du lịch địa phương. (ảnh minh hoạ)


Tại buổi thông tin báo chí, ông Đỗ Mạnh Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, huyện đang lên kế hoạch để xây dựng và phát triển lễ hội Tản Viên Sơn Thánh là lễ hội vùng, giống như lễ hội chùa Hương (Mỹ Đức), lễ hội đền Hai Bà Trưng (Mê Linh)…

Theo ông Đỗ Mạnh Hưng, tục thờ Tản Viên Sơn Thánh đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Đến nay, huyện đang nỗ lực xây dựng lễ hội Tản Viên Sơn Thánh theo hình thức truyền thống và tiến tới phát triển lễ hội để hấp dẫn du khách hơn.

Năm nay, với chủ đề “Du lịch xanh Ba Vì – Điểm hẹn văn hoá”, UBND huyện Ba Vì sẽ tổ chức lễ khai hội Tản Viên Sơn Thánh và khai trương du lịch Ba Vì vào 9h sáng ngày 17-2 (tức ngày 13 tháng Giêng) tại di tích lịch sử văn hoá đền Hạ, xã Minh Quang. Riêng lễ hội Tản Viên Sơn Thánh diễn ra trong 3 ngày (từ 17 đến 19-2, tức ngày 13 đến 15 tháng Giêng năm Kỷ Hợi).

Theo kế hoạch, lễ hội Tản Viên Sơn Thánh vẫn diễn ra theo nghi lễ truyền thống. Trong đó, buổi sáng ngày 12 tháng Giêng năm Kỷ Hợi là hoạt động dâng hương tại di tích đền Thượng, đền Trung và đền Hạ. Rạng sáng ngày 13 tháng Giêng, bà con các xã tổ chức rước nước từ sông Đà về làm lễ tế Thánh. Lễ rước nước được xem là một trong những điểm nhấn đặc biệt của lễ hội. Theo truyền thống, vào giờ Tí ngày 12 tháng Giêng, bà con xã Minh Quang sẽ chọn hai nam thanh, nữ tú của làng chèo thuyền ra giữa dòng sông Đà, lấy nước rước về đền để dâng đức Thánh Tản Viên.

Sau phần lễ là phần hội với các trò chơi dân gian truyền thống như: Ném còn, leo núi, đẩy gậy…

UBND huyện Ba Vì thông tin về lễ hội Tản Viên Sơn Thánh và khai trương du lịch Ba Vì 2019


Ông Đỗ Mạnh Hưng cho biết, một năm sau khi tục thờ Tản Viên Sơn Thánh được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia, UBND huyện đã có phương án bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội. Cụ thể, huyện đã cho tôn tạo lại cụm di tích đền Thượng, đền Trung, đền Hạ với nguồn kinh phí xã hội hoá hơn 4 tỉ đồng. Bên cạnh đó, huyện thực hiện kế hoạch bảo tồn trên 100 di tích liên quan đến tục thờ đức Thánh Tản Viên trên địa bàn huyện.

Ông Đỗ Mạnh Hưng cho biết, hiện nay, lộ trình của huyện là từng bước bảo tồn, xây dựng lễ hội Tản Viên Sơn Thánh thành lễ hội vùng, tiến tới xây dựng hoàn thiện hồ sơ, chỉnh trang lại các lễ rước để trình UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

Lãnh đạo huyện Ba Vì cũng cho biết, năm 2018, huyện đón hơn 2,83 triệu lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 10.000 khách quốc tế. Mùa lễ hội và du lịch năm nay, huyện phấn đấu đạt 3,2 triệu lượt khách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng lễ hội Tản Viên Sơn Thánh trở thành di sản văn hoá của nhân loại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.