Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trải nghiệm không khí hào hùng

Thanh Thủy| 08/02/2019 07:14

(HNM) - Mùa xuân Kỷ Dậu cách đây 230 năm, người Anh hùng áo vải, Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ đã đánh tan 28 vạn quân xâm lược Thanh, ghi thêm mốc son của lịch sử “Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.

Lễ kỷ niệm 229 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Ảnh: Nhật Nam


Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Phan Hồng Việt về công tác chuẩn bị lễ hội.

- Xin ông cho biết điểm đặc biệt của Lễ kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa năm 2019?

- Lễ kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa hay còn gọi là Lễ hội gò Đống Đa được tổ chức hằng năm để người dân trải nghiệm không khí hào hùng của một trong những chiến công hiển hách nhất lịch sử chống giặc ngoại xâm; tri ân công lao to lớn của người anh hùng áo vải cờ đào, góp phần giáo dục truyền thống, nhân lên niềm tự hào dân tộc.

Năm nay, lễ kỷ niệm càng trở nên đặc biệt hơn khi đánh dấu thời khắc tròn 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa ghi danh vào sử sách. Năm nay, nơi diễn ra trận đánh lớn năm xưa, di tích gò Đống Đa vinh dự được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích lịch sử đặc biệt.

- Lễ kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa sẽ có những nét mới gì so với những lễ hội trước?

- Lễ kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa do Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội chủ trì; đơn vị triển khai, thực hiện là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và UBND quận Đống Đa. Theo kế hoạch, Lễ kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa diễn ra từ 6h đến 21h ngày 9-2 (tức mùng 5 tháng Giêng năm Kỷ Hợi) tại Công viên văn hóa Đống Đa (số 4 Đặng Tiến Đông, phường Quang Trung, quận Đống Đa) với 2 phần: Lễ và hội.

Trong đó, phần lễ gồm có nhiều nghi thức quan trọng, như: Lễ tế, rước kiệu hoàng đế Quang Trung và hoàng hậu Lê Ngọc Hân; lễ dâng hương, dâng hoa và chúc văn tại tượng đài và đền thờ hoàng đế; khai trống trận, múa rồng lửa, trình diễn sử thi… Phần hội được làm đậm bằng các chương trình biểu diễn văn nghệ truyền thống, trình diễn võ thuật cổ truyền, múa tứ linh, múa quạt, múa sinh tiền, cờ người - cờ tướng và không gian trải nghiệm trò chơi dân gian. Vào lúc 19h30 ngày 9-2 còn có chương trình nghệ thuật đặc sắc, do các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam thể hiện, tái hiện câu chuyện lịch sử về hình tượng người Anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ cũng như chiến công hiển hách 230 năm trước.

- Vậy, công tác chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa đã được triển khai như thế nào?

- Đến thời điểm này, các phần việc chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa về cơ bản đã được hoàn tất. Năm nay, bên cạnh việc chú trọng làm đậm phần lễ và phần hội, Ban tổ chức còn đặc biệt đề cao công tác tổ chức, quản lý lễ hội nhằm bảo đảm an ninh, an toàn, văn minh trong không gian lễ hội. Các đầu việc đều được phân công cụ thể, rõ ràng, chi tiết. Chẳng hạn, Trường Tiểu học Quang Trung được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Trường THCS Quang Trung bố trí lực lượng bảo vệ trông giữ xe miễn phí; Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội - chi nhánh Đống Đa được giao nhiệm vụ bố trí các điểm vệ sinh lưu động ở bên ngoài khuôn viên Công viên văn hóa Đống Đa; Công an quận, Đội Thanh tra Giao thông - Vận tải xây dựng phương án phân luồng, chống ùn tắc khu vực xung quanh gò Đống Đa, xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức cờ bạc, mê tín dị đoan tại khu vực…

- Một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác tổ chức lễ kỷ niệm là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao hiệu quả giáo dục truyền thống lịch sử. Việc này đã được triển khai, thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Việc này đã được thành phố phát động từ rất sớm và tiếp tục được đẩy mạnh trong và sau lễ hội. Cao điểm của đợt tuyên truyền là từ tháng 9-2018 đến ngày 15-2-2019 với 23 nội dung, tập trung vào các cuộc thi thuyết trình, thi viết trong học sinh, sinh viên, đoàn viên về chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa; thân thế, sự nghiệp của hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ; giá trị lịch sử, văn hóa của di tích gò Đống Đa; tham quan, học tập truyền thống tại Công viên văn hóa Đống Đa; Triển lãm về thời kỳ Tây Sơn; giao lưu, tọa đàm với các chuyên gia văn hóa, nhà nghiên cứu lịch sử về chiến công hào hùng của chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa gắn với bề dày lịch sử hơn 1000 năm Thăng Long - Hà Nội...

Ngoài ra, các địa điểm khác trên địa bàn thành phố tổ chức chào mừng các ngày kỷ niệm, sự kiện trọng đại của Thủ đô và đất nước cũng gắn với sự kiện chào mừng kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trải nghiệm không khí hào hùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.