Theo dõi Báo Hànộimới trên

Triển lãm Vàng mười - Tái chế! Nâng cấp!

Thanh Huyền| 21/04/2019 08:24

(HNMO) - Tối 20-4, triển lãm Vàng mười - Tái chế! Nâng cấp! đã diễn ra tại tòa nhà Dolphin Plaza (số 6 Nguyễn Hoàng, Mỹ Đình 2). Đây là sự kiện do ifa (Viện Quan hệ Đối ngoại Đức), kết hợp với Phân viện Goethe tại Hà Nội tổ chức.


Phế thải cồng kềnh, rác, vật liệu rẻ tiền - tất cả đều là Vàng mười, ít nhất là dưới cái nhìn của những nhà thiết kế năng động. Từ những thứ được xem là “rác” với rất ít giá trị, các nhà thiết kế đã tạo nên những sản phẩm độc đáo dựa trên các phương pháp thủ công truyền thống.

Ông Volker Albus - Giám đốc ý tưởng Vàng mười - Tái chế! Nâng cấp! phát biểu tại buổi triển lãm.


Triển lãm giới thiệu 76 tác phẩm của 53 nhà thiết kế đến từ 7 khu vực khác nhau trên thế giới, từ đó nêu ra những chất liệu và đặc điểm của các sản phẩm thường bị bỏ qua hoặc hiếm khi được ghi nhận trong diễn ngôn về thiết kế, đưa chúng trở thành nền tảng của những thiết kế mới trong các bối cảnh do chính những nhà thiết kế hình thành và phát triển. Qua đó, các nhà thiết kế mang đến sự nâng cấp thực sự - một sự ghi nhận mới đối với sản phẩm và công nghệ.

Ông Volker Albus giới thiệu về các sản phẩm trưng bày tại triển lãm


Tại Hà Nội, lần đầu tiên, triển lãm đến với các nghệ sĩ và nhà thiết kế địa phương. Các sản phẩm của họ được trưng bày kết hợp trong triển lãm bên cạnh những hiện vật trưng bày đến từ khắp nơi trên thế giới.

Phát biểu tại buổi triển lãm, ông Volker Albus - Giám đốc ý tưởng "Vàng mười - Tái chế! Nâng cấp!" nhấn mạnh về triển vọng của dự án này. Các yếu tố nền tảng của dự án bao gồm đạo đức, trách nhiệm, quốc tế hóa và cùng sáng tạo. Mục tiêu của triển lãm nhằm xóa bỏ những định kiến về những tên gọi xấu thường được gán cho việc tái sử dụng, hình thành một khái niệm mới về nguyên liệu thô và đi kèm với đó là một sự trân trọng mới đối với sản phẩm này.

Tác phẩm “Động vật tái chế” của nhà thiết kế Nguyễn Hồng Nhung.


Bằng những vật liệu như lá cây tươi, túi bóng, chai nhựa, dây dứa,… thông qua kỹ thuật đan tết, nhà thiết kế đã mở rộng bộ sưu tập đồ đan truyền thống, biến chúng thành những món đồ chơi ngộ nghĩnh, dễ thương.

Tác phẩm “Ghế bành và gối tựa” của nhà thiết kế Piet Hein Eek (Hà Lan).


Đây là chiếc ghế được tạo nên bởi những thanh xà và ván gỗ thô mộc được phơi khô tự nhiên, loại bỏ hết đinh ốc, làm sạch và cất giữ cẩn thận. Thô ráp, cục mịch và có kích thước khá lớn. Các ván gỗ được ghép lại từng tấm với nhau theo phong cách làm mộc cổ, đệm lót và gối tựa bọc vải bạt quân đội, rất chắc chắn và bền vững.

Tác phẩm “Nelsa Guambe” của nhà thiết kế Piratas do Pau.


Nhà thiết kế Piratas do Pau đã biến chiếc thùng đun nước cũ thành sản phẩm. Hình vẽ trên giá đựng rượu cho thấy sự quan sát của cô về xã hội và đặc biệt thể hiện lòng kính trọng, sự ghi nhận đối với cuộc sống hằng ngày của người phụ nữ quê hương cô.

Ghế bành Palmarin của nhà thiết kế Ramón Llonch/ Arlantique (Tây Ban Nha).


Từ những chiếc thuyền đánh cá cũ không còn có thể ra khơi, Arlantique đã biến chúng thành các đồ nội thất đương đại. Phần gỗ được thu hồi và trang trí trên bề mặt đã phai mờ của mỗi chiếc thuyền đánh cá được phân loại cẩn thận, sau đó được sử dụng cho từng thiết kế cụ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển lãm Vàng mười - Tái chế! Nâng cấp!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.