Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Giải thưởng UNESCO – Thành phố Vì hòa bình” - dấu ấn đẹp của thời kỳ đổi mới

Thu Hằng - Ảnh: Bùi Việt| 13/07/2019 07:13

(HNMO) - 20 năm về trước, Thủ đô Hà Nội tự hào được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng giải thưởng “Thành phố Vì hòa bình”. Đây là sự ghi nhận, sự đánh giá chính thức của một tổ chức quốc tế có uy tín lớn đối với truyền thống yêu nước, khát vọng tự do, độc lập, hòa bình của toàn thể nhân dân Việt Nam.

Tiến sĩ Hoàng Văn Nghiên - Chủ tịch UBND TP Hà Nội giai đoạn 1994-2004

Xứng đáng là "Thành phố Vì hòa bình"

Tiến sĩ Hoàng Văn Nghiên là một trong những Chủ tịch UBND thành phố ghi dấu ấn đậm nét cho Hà Nội. Trong quãng thời gian tại nhiệm gần 10 năm của ông (từ tháng 12-1994 đến tháng 5-2004), Thủ đô Hà Nội đã có nhiều thay đổi với những bước tiến vượt bậc.

Năm 2000, kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, Hà Nội vinh dự đón nhận danh hiệu Thủ đô Anh hùng. Trước đó, tháng 7-1999, Hà Nội được UNESCO chọn là thành phố tiêu biểu của châu Á - Thái Bình Dương và là một trong 5 thành phố trên thế giới nhận giải thưởng “Thành phố Vì hòa bình”. Sự phát triển, bình ổn và ngày một hấp dẫn của Thủ đô ngàn năm văn hiến đã góp phần tạo dựng hình ảnh một Việt Nam - điểm đến của thiên niên kỷ mới.

Ngày ấy và tới hôm nay, “Giải thưởng UNESCO - Thành phố Vì hòa bình” mãi mãi là niềm tự hào, là nguồn động viên, cổ vũ mọi công dân Thủ đô nêu cao ý thức trách nhiệm, đóng góp tài lực, phấn đấu xây dựng một Hà Nội hiện đại, văn minh, sáng - xanh - sạch - đẹp.

Sáng mùa hạ. Thềm đá trước hiên nhà loang lổ vệt nắng, thoang thoảng hương hoa ngọc lan, đôi mắt nguyên Chủ tịch UBND thành phố như sáng lên và đầy hào hứng khi nhắc lại những thời khắc khó quên của 20 năm về trước.

Đó là vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, tình hình thế giới có nhiều biến động, xung đột vũ trang diễn ra gay gắt tại nhiều nơi trên thế giới nên Liên hợp quốc muốn thúc đẩy những giá trị hòa bình và nhấn mạnh, hòa bình đạt được không phải bằng súng đạn, mà bằng văn hóa. Từ đó, UNESCO có sáng kiến trao giải “Thành phố Vì hòa bình”.

Khi nhận được thông báo của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Hà Nội quyết định ứng cử và gấp rút xây dựng đề án đăng ký cũng như kế hoạch tham gia các hội nghị văn hóa hòa bình trên thế giới để quảng bá và vận động.

Có một điều đáng chú ý là vào giai đoạn đó, Hà Nội đã chủ trì và đóng góp lớn vào thành công của Hội nghị cấp cao các nước có sử dụng tiếng Pháp 7 (tháng 11-1997), Hội nghị cấp cao ASEAN 6 (tháng 12-1998) và đang trên chặng đường hướng tới kỷ niệm 990 năm và 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Thành phố đã thực hiện rất nhiều công trình: Cải tạo tuyến đê nội thành; dự án thoát nước giai đoạn 1; dự án xây dựng hệ thống điện nông thôn; phát động xây dựng 990 nhà tình nghĩa, tình thương; tu bổ, tôn tạo 10 di tích lịch sử, văn hóa như khu Thái học trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám, vườn hoa Giám, Đoan môn, Bắc môn, Hậu lâu của Hoàng thành Thăng Long, tượng vua Lê, nhà tù Hỏa Lò, hồ Hoàn Kiếm... 

Hà Nội cũng chủ động làm công tác quy hoạch để phát triển một đô thị hiện đại, xây dựng hàng loạt khu đô thị mới; cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ; đẩy nhanh tốc độ xây dựng nhà ở, mở ra khả năng nhanh chóng giải quyết vấn đề nhà ở đô thị...

Thăng Long - Hà Nội còn là một thành phố giàu tính cộng đồng. Ở đó, những con người gắn bó với nhau trong lao động, sản xuất, giao tiếp văn hóa và đời sống tâm linh với những phường nghề, làng nghề truyền thống, những thuần phong mỹ tục và lễ hội bốn mùa... Hà Nội còn là một đô thị đẹp và hấp dẫn bởi sự hài hòa giữa sinh thái nhân văn và môi trường tự nhiên - một đô thị của cây xanh và sông hồ. Hà Nội cũng là một vi mẫu, trung tâm hội tụ những tinh hoa của nền văn hóa - văn hiến Việt Nam truyền thống, giàu tính khai phóng và khoan dung, đậm nếp sống hào hoa, thanh lịch.

Tất cả những giá trị ấy rất phù hợp với các tiêu chí của một Thành phố Vì hòa bình mà UNESCO đưa ra.

Sau hơn một năm chuẩn bị, ngày 30-3-1999 hồ sơ được gửi đi trong sự hồi hộp, mong ngóng... Có trên 70 thành phố và thủ đô các nước trên thế giới ứng cử. Riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương có 11 thành phố ứng cử. 

Để đánh giá hồ sơ thật khách quan và chính xác, UNESCO đã cử người đến Hà Nội kiểm tra và giám sát. Họ quan tâm nhiều đến những di sản văn hóa của Hà Nội như khu phổ cổ, khu Hoàng thành, cầu Long Biên… và quy hoạch phát triển thành phố trong tương lai. Họ đã có cơ hội được tận mắt chứng kiến một hình ảnh Hà Nội xanh - sạch - đẹp và yên bình, đặc biệt là sự thân thiện, nồng ấm và nhiệt thành của người dân Thủ đô.

Giây phút hạnh phúc nhất của cuộc đời

- Cảm xúc của ông khi Hà Nội đón nhận “Giải thưởng UNESCO - Thành phố Vì hòa bình”?

- Nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Văn Nghiên: Đó là một trong những giây phút hạnh phúc nhất của đời tôi. Những nỗ lực đóng góp không mệt mỏi cho Thủ đô đã được bạn bè quốc tế ghi nhận.

“Giải thưởng UNESCO - Thành phố Vì hòa bình” có ý nghĩa vô cùng to lớn, góp phần nâng cao vị thế của Thủ đô Hà Nội nói riêng cũng như của Việt Nam nói chung, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Đồng thời, tạo điều kiện giới thiệu Thủ đô Hà Nội với bè bạn quốc tế, tăng cường các mối giao lưu, hợp tác kinh tế - văn hóa với các nước...

Đối với Thủ đô Hà Nội, được nhận “Giải thưởng UNESCO - Thành phố Vì hòa bình” là niềm vinh dự và tự hào lớn lao. Đây là một dấu ấn rất đẹp của thời kỳ đổi mới, góp thêm vào những trang sử vẻ vang của Thủ đô ngàn năm văn hiến và có tác dụng động viên, cổ vũ nhân dân, nâng cao ý thức trách nhiệm, đóng góp xây dựng thành phố của khát vọng và thiện chí hòa bình.

- Theo ông, đâu là ưu thế để Hà Nội vượt lên, giành chiến thắng trước những thành phố khác? 

- Nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Văn Nghiên: Trao cho Hà Nội giải thưởng cao quý này, UNESCO đã ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu của Hà Nội trong lĩnh vực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, phát triển văn hóa, đặc biệt là những thành tựu nổi bật trong phát triển giáo dục, y tế, xây dựng mạng lưới chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giải quyết những vấn đề xã hội và phát triển đô thị… Quan trọng hơn, UNESCO nhìn thấy tiềm năng đang vươn tới những tiêu chuẩn cao hơn của một thành phố, một quốc gia hòa bình, văn minh, hiện đại theo những tiêu chí của họ.

Những thành tựu đó, trước hết bắt nguồn từ chiều sâu lịch sử của Thủ đô Hà Nội. Đó cũng là kết quả phấn đấu của nhiều thế hệ cán bộ và nhân dân Thủ đô, trong đó không thể tách rời sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm giúp đỡ của các bộ, ngành trung ương và các địa phương trên cả nước, sự hợp tác có hiệu quả của các cá nhân, tổ chức của nhiều quốc gia, nhiều thành phố trên thế giới.

Báo Hànộimới số ra ngày 30-7-1999 đăng trang trọng trên trang nhất Lễ đón nhận "Giải thưởng UNESCO - Thành phố Vì hòa bình" do UNESCO trao tặng. Ảnh: Thu Hằng

- Khi được trao tặng "Giải thưởng UNESCO - Thành phố Vì hòa bình”, Hà Nội là thành phố chỉ có 2,5 triệu dân, nay đã tăng lên khoảng 8 triệu dân. Thách thức trong phát triển Thủ đô hôm nay mà Hà Nội đang phải đối mặt, theo ông là gì?

- Nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Văn Nghiên: Cuộc sống luôn vận động và biến đổi không ngừng, người làm quản lý phải có quy hoạch tính toán đi trước một bước, có quy hoạch xa, quy hoạch gần để quản lý không bị động. Hà Nội từng có thời điểm chỉ có 4 quận nội thành là: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình và Hai Bà Trưng. Thời điểm tôi đảm nhận trọng trách được giao đã mở rộng thêm 5 quận nữa là: Cầu Giấy, Thanh Xuân, Long Biên, Tây Hồ và Hoàng Mai. Theo tôi nghĩ, chỉ có tổ chức phù hợp thì mới có quản lý phù hợp và khi ấy, người dân mới được thoải mái.

-  Hà Nội, trong cảm nhận của ông, ngày mai sẽ như thế nào?

- Nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Văn Nghiên: Chúng ta luôn lạc quan hy vọng ngày mai sẽ đẹp hơn ngày hôm nay. Tôi tin những giá trị cốt lõi, tinh hoa của văn hóa Hà Nội sẽ luôn được gìn giữ và phát triển.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Giải thưởng UNESCO – Thành phố Vì hòa bình” - dấu ấn đẹp của thời kỳ đổi mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.