Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhân thêm nhiều việc tốt

Nguyễn Thanh| 28/07/2019 06:54

(HNM) - Nếu như việc đẩy mạnh tuyên truyền giúp Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội trở nên quen thuộc với mọi người, thì những sáng kiến hay, hành động đẹp mang đến sự gần gũi, thuyết phục, để nhân thêm nhiều việc tốt.

Sau hơn hai năm triển khai thực hiện, sức lan tỏa của những tấm gương sáng từ công sở tới cộng đồng đang ghi dấu đậm nét trên hành trình đưa hệ thống quy tắc ứng xử vào cuộc sống ở Thủ đô.

Thành phố Hà Nội đang nhân rộng các mô hình hiệu quả về thực hiện quy tắc ứng xử. Ảnh: Bá Hoạt

Sáng kiến hay, hành động đẹp

7 năm tham gia công tác Đoàn là cũng từng đó thời gian, Lê Trà My, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân) năng nổ, nhiệt huyết với các hoạt động phát huy sức trẻ. Không chỉ tích cực nêu gương trong vệ sinh môi trường, bóc gỡ quảng cáo rao vặt, trồng cây xanh…, Lê Trà My còn là người khởi xướng, duy trì nhiều công trình thanh niên ý nghĩa, như: “Thu gom ve chai gây quỹ từ thiện”; “Bán hàng Trung thu gây quỹ”… hay gần đây nhất là “Con đường bích họa” ở địa phương.

Bí thư Đảng ủy phường Thanh Xuân Bắc Nguyễn Thị Hạnh đánh giá: “Lê Trà My sôi nổi, tích cực và đặc biệt là có nhiều sáng kiến để hoạt động Đoàn ngày một gần gũi, gắn bó hơn với cộng đồng. Những hoạt động thiết thực đó đã tác động tích cực lên ý thức, trách nhiệm, tình cảm của người dân địa phương, từ đó có thêm nhiều người chung tay, hưởng ứng với việc làm ý nghĩa của các bạn trẻ”.

Cũng giống với Lê Trà My, cán bộ bộ phận "một cửa" UBND phường Việt Hưng (quận Long Biên) Đặng Thị Oanh Yến tạo được nhiều thiện cảm đối với người dân bằng thái độ niềm nở, tác phong làm việc tận tâm, chuyên nghiệp. Cùng với việc kiên nhẫn lắng nghe, giải thích cho công dân những thắc mắc khi thực hiện thủ tục hành chính, chị Yến còn luôn nỗ lực để rút ngắn thời gian xử lý các văn bản, hỗ trợ người dân thực hiện giao dịch ngay cả khi đã hết giờ làm việc. Phó Chủ tịch UBND phường Việt Hưng Âu Thị Lan cho biết: “Tinh thần làm việc của chị Yến góp phần đáng kể vào kết quả giải quyết hồ sơ ở địa phương đạt tỷ lệ 100% đúng quy trình, trong đó có 81% hồ sơ trả trước hẹn, từ đó phát huy hiệu quả mô hình “một cửa thân thiện, gần dân”, nâng cao sự hài lòng của người dân”.

Còn anh Nguyễn Trọng Thắng (tổ 14, phường Việt Hưng, quận Long Biên) nhận xét: "Chị Yến để lại nhiều ấn tượng về sự chu đáo, tích cực trong giải quyết thủ tục hành chính. Đặc biệt, có lần tôi để quên tài sản giá trị tại trụ sở UBND phường, chị Yến đã cùng mọi người tích cực xác minh, liên hệ để trả lại đồ thất lạc. Đây thực sự là một hành động đẹp trong văn hóa ứng xử của người cán bộ, công chức".

Khuyến khích các mô hình mới, ý nghĩa

Đoàn viên, thanh niên xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì) tổ chức bóc gỡ quảng cáo, rao vặt trên địa bàn. Ảnh: Bá Hoạt

Cán bộ bộ phận "một cửa" UBND phường Việt Hưng Đặng Thị Oanh Yến và Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phường Thanh Xuân Bắc Lê Trà My là hai trong số 20 cá nhân, tập thể vừa được UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen nhờ những đóng góp trong triển khai, thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội.

Ngoài ra, còn phải kể đến tấm gương bà Đỗ Thị Tỵ, ở tổ dân phố Xuân Nhang 1, phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) có nhiều sáng kiến hay nhân rộng việc thực hiện quy tắc ứng xử ở địa phương; chi bộ số 5, phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp từ mô hình "xóa chân rác thành các bức tường hoa"; tập thể cán bộ và nhân dân thôn Thượng Phúc, xã Bắc Hồng (huyện Đông Anh) đi đầu trong việc phát động vệ sinh đường làng, ngõ xóm, bỏ rác đúng giờ, tạo dựng vườn hoa, cây xanh ở cơ sở…

Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đông Anh Nguyễn Thế Mạnh, điều đặc biệt ở thôn Thượng Phúc là người dân rất tích cực đưa ra sáng kiến để nâng cao đời sống văn hóa và sẵn sàng góp công, góp của, hiến đất để cải tạo cơ sở hạ tầng cho xóm làng đẹp hơn. Trong đó, không ít việc làm, như hình thành “Tiểu công viên cây xanh”; nhân rộng đề án “Đẹp” với hơn 3km đường hoa, 80% cổng nhà có hoa… đã trở thành mô hình kiểu mẫu được các thôn lân cận học tập. Điều đó cho thấy, những tấm gương sáng chính là cách tuyên truyền, vận động hữu hiệu để lan tỏa việc làm tích cực, ý nghĩa, bồi đắp văn hóa.

Theo bà Tạ Thị Nhật, Tổ trưởng Tổ dân phố số 18, phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân), hệ thống quy tắc ứng xử quy định những điều rất giản đơn, không khó để thực hiện. Những tấm gương được UBND thành phố khen thưởng cũng thể hiện rõ, đây đều là những việc làm bình dị, nhưng ẩn chứa bên trong là văn hóa, đạo đức, lối sống trách nhiệm, biết vì người khác, vì cộng đồng, rất cần được nhân rộng.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết, thành phố đang nhân rộng các mô hình điểm về tuyên truyền quy tắc ứng xử; khuyến khích các cơ sở sáng tạo, thực hiện thêm nhiều mô hình mới, ý nghĩa, phù hợp với tình hình, điều kiện của địa phương. Cùng với đó, thành phố phát động phong trào giới thiệu và viết về điển hình tiên tiến trong thực hiện quy tắc ứng xử để kịp thời động viên, khích lệ và nhân rộng những việc làm hay, tấm gương tốt trong cộng đồng.

“Trong năm 2019 này, thành phố sẽ tổ chức đánh giá việc triển khai, thực hiện quy tắc ứng xử, để rút kinh nghiệm, đồng thời đưa ra những cách làm hiệu quả hơn nữa, trong đó có những giải pháp để tiếp tục nhân rộng những mô hình, điển hình tiêu biểu về thực hiện văn hóa ứng xử”, ông Tô Văn Động cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân thêm nhiều việc tốt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.