Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường: Bắt đầu từ môn đọc sách?

Hạ Yến| 05/09/2019 06:35

(HNMCT) - Ngay trước thềm năm học mới, đề xuất về việc đưa tiết đọc sách vào giờ học chính khóa đã được nhiều chuyên gia, giáo viên, phụ huynh và học sinh hưởng ứng trong cuộc tọa đàm Thói quen đọc sách góp phần hình thành nhân cách cho học sinh tại thành phố Hồ Chí Minh. Thực tế thì tiết đọc sách, tiết thư viện không phải là chuyện mới ở nhiều cơ sở giáo dục tại các địa phương, nhưng cho đến nay hầu hết cách thực hiện vẫn “mạnh ai nấy làm”, thiếu tính hệ thống, sự chuyên nghiệp và quan tâm đầu tư đúng mức.

Học sinh tìm đọc sách trong Thư viện Tô Hoài của Trường THCS Nghĩa Tân, Hà Nội.

Nhằm đẩy mạnh các hoạt động khuyến khích văn hóa đọc trong nhà trường, từ năm 2009, trong hướng dẫn dạy học 2 buổi/ ngày cho các trường tiểu học hoạt động theo mô hình bán trú trên địa bàn, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã quy định mỗi lớp có một tiết trong tuần đến thư viện đọc và làm theo sách, báo. Song, qua thực tế 10 năm, điều này không dễ để thực hiện.

Trong mạng lưới thư viện ở Việt Nam hiện nay, số lượng thư viện trường học chiếm tỷ lệ cao nhất, nhưng có sự phát triển không đồng đều giữa các khu vực. Tại Hà Nội, các trường khá quan tâm đến việc hình thành không gian đọc ở trường học với nhiều hình thức thư viện được tổ chức đa dạng như giỏ sách lưu động, thư viện xanh, thư viện thân thiện....

Tuy nhiên, cũng không ít trường, đặc biệt ở khu vực nội thành, do không có đủ phòng học, các lớp còn phải học luân phiên nên việc bố trí phòng thư viện là khó khả thi, việc tổ chức các tủ sách góc lớp cũng khó khăn bởi diện tích phòng học nhỏ hẹp, chật chội. Đáng nói, ở một số trường, thư viện còn phải “gánh” nhiều “vai”, vừa là “kho” cất giữ sách, nhạc cụ, vừa là phòng tập múa, hát.

Nhưng ngay cả ở những trường học có thư viện đạt chuẩn thì hiệu quả cũng còn khá hạn chế, tỷ lệ học sinh lên thư viện còn quá ít. Một trong những nguyên nhân là do thư viện thường được bố trí ở tầng cao hoặc ở khu vực xa, khuất nẻo trong khuôn viên trường, trong khi giờ ra chơi thường chỉ có 5-10 phút. Học sinh có khi chỉ kịp chọn xong cuốn sách, đọc được một vài trang là đã hết giờ, vì thế hứng thú tìm đến thư viện cũng bị giảm sút.

Theo chị Bùi Thị Minh Trang, nhân viên thư viện Trường THCS Nghĩa Tân, số học sinh thường xuyên lên thư viện của trường chỉ có khoảng 30 em, bởi thư viện nằm trên tầng 5, không thuận tiện để các em lui tới mỗi giờ ra chơi, tuy nhiên đây đã là con số khả quan so với nhiều trường học khác.

Thực tế thì tổ chức các hoạt động thư viện trong nhà trường mới chỉ thu hút được những học sinh có niềm đam mê với sách, muốn xây dựng thói quen đọc sách thì cần tạo không gian, thời gian để định kỳ các em được tiếp cận với sách. Đưa vào chương trình những tiết học thư viện, tiết đọc sách chính là một trong những phương pháp giúp các em đến gần với kho tri thức của nhân loại, từ đó dần hình thành văn hóa đọc của học sinh.

Tuy nhiên, dường như các trường học hiện nay vẫn chú trọng các môn học chính khóa, vẫn nặng về thành tích, điểm số. Cho dù có thực hiện tiết thư viện thì ở nhiều trường tiết thư viện cũng có nguy cơ chỉ là “tiết phụ” như các môn phát triển nghệ thuật, thể chất khác, thường phải chịu cảnh bị “xin giờ” để cô và trò hoàn thành nốt chương trình của các môn học chính do sĩ số lớp quá đông.

Hoặc, mỗi khi đến tiết thư viện lại chỉ đơn thuần nhà trường “thả” học sinh vào thư viện "tự bơi", chưa tổ chức được các hoạt động hướng dẫn chọn sách, rèn kỹ năng đọc, thảo luận chủ đề, khơi gợi niềm hứng khởi với sách… Không phát huy hết hiệu quả của thư viện đối với văn hóa đọc của học sinh sẽ khiến thư viện chỉ đơn thuần là một cái kho chứa sách, dù có đẹp, khang trang đến mấy nhưng cũng khó thu hút được học sinh.

Trường Tiểu học Minh Khai A (Bắc Từ Liêm), một trong những trường thực hiện khá bài bản các giờ học thư viện, đã không chỉ chia chủ đề đọc sách mà “cô thư viện” còn thường xuyên kiểm tra việc đọc bằng việc yêu cầu học sinh trả lời câu hỏi trắc nghiệm, khuyến khích học sinh viết giới thiệu sách, kể lại những tình tiết hay miêu tả nhân vật yêu thích.

Được cùng chia sẻ, thảo luận với các bạn đã giúp các em tìm ra được hứng thú của việc đọc, từ đó tăng thêm mong muốn khám phá những cuốn sách mới.

Chị Nguyễn Vân Khánh (phường Khương Trung, quận Thanh Xuân) có con học ở Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, tâm sự: “Con gái tôi năm nay học lớp 4, vì có giờ thư viện mỗi thứ ba hằng tuần nên những ngày thứ ba là con rất hào hứng đến trường. Bình thường con học cả ngày ở trường nhưng cũng không có lúc nào để lên thư viện trừ những ngày có giờ học. Con thường ước có nhiều tiết học thư viện hơn trong tuần. Đó thực sự là những giờ học mà chơi, chơi mà học”.

Xây dựng văn hóa đọc cho các thế hệ học sinh, phải chăng nên bắt đầu từ việc đưa đọc sách thực sự trở thành một môn học trong chương trình giáo dục phổ thông. Vừa có khuyến khích nhưng cũng vừa là bắt buộc đối với cả thầy lẫn trò thì mới có thể tạo thành thói quen dạy và học đọc. Xây dựng tiết học đọc sách hay tiết học thư viện sẽ được thực hiện tùy theo cơ sở vật chất, điều kiện của từng trường, nhưng quan trọng hơn cả là vẫn là việc tổ chức chương trình cho những tiết học ấy như thế nào.

Kể cả ở những trường không có phòng thư viện thì những giờ đọc sách vẫn có thể tổ chức nếu thực sự quyết tâm. Khi mỗi nhà trường có sự quan tâm đầu tư đúng mức cho thư viện, khi những cô thủ thư trường học chịu khó “bày trò” tổ chức các hoạt động đọc sẽ không chỉ đơn giản kéo học sinh đến với thư viện mà còn góp phần rèn dạy các phương pháp đọc đúng, đọc nhanh, biết chắt lọc thông tin và khám phá thế giới qua trừng trang sách.

Việc để các em được tham gia nhiều các hoạt động thư viện, càng giúp các em dễ dàng trong tiếp cận với kho báu sách của trường mình với nguồn sách, tài liệu chuẩn mực thay vì tìm đọc những cuốn sách "mì ăn liền" tràn ngập trên mạng xã hội.

Đưa đọc sách trở thành môn học sẽ giúp hình thành một thế hệ mới có thói quen đọc sách, từ đó góp phần tích lũy tri thức, hình thành nhân cách cho các chủ nhân tương lai của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường: Bắt đầu từ môn đọc sách?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.