Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để không chỉ là một “sân chơi vui vẻ”!

An Định| 25/09/2019 16:50

(HNMCT) - Sự phát triển nhanh chóng của nghệ thuật nhiếp ảnh cũng như phong trào chụp ảnh trong cộng đồng đang mở ra những cơ hội tốt để biến nhiếp ảnh trở thành một lĩnh vực hiệu quả của công nghiệp văn hóa. Đây cũng là động lực để Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đặt vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia “Thành phố nhiếp ảnh Việt Nam”.

Tuy nhiên, để thương hiệu này không chỉ là một “sân chơi vui vẻ” cho những người cầm máy, mà còn đi được vào đời sống và "hái ra tiền" hay không thì còn nhiều vấn đề cần bàn, nhất là trong tư duy xây dựng một thương hiệu văn hóa.

Thương hiệu “Thành phố nhiếp ảnh Việt Nam” sẽ góp phần phát triển du lịch cho địa phương.

Thành phố nhiếp ảnh Việt Nam

Học tập những thương hiệu văn hóa lớn trên thế giới như danh hiệu “Thủ đô văn hóa” của châu Âu, danh hiệu “Thành phố sáng tạo” của UNESCO…, mới đây Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng đưa thương hiệu “Thành phố nhiếp ảnh Việt Nam” ra lấy ý kiến của các nhà chuyên môn với mong mỏi xây dựng một thương hiệu quốc gia trong lĩnh vực nhiếp ảnh.

Dự thảo Đề án Xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia lĩnh vực nhiếp ảnh “Thành phố nhiếp ảnh Việt Nam” (giai đoạn 2020 - 2030) nhấn mạnh: Nhiếp ảnh là một ngành nghệ thuật phát triển nhanh, mạnh và có tính lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền văn hóa nghệ thuật. Nhiếp ảnh có chức năng vô cùng đặc biệt, tác động trực tiếp, mạnh mẽ về mặt thị giác đối với hoạt động quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, quảng bá du lịch trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế. Nhiếp ảnh là ngành có nhiều điều kiện để trở thành một lĩnh vực công nghiệp văn hóa, góp phần phát triển du lịch, kinh tế, xã hội của đất nước.

Chính vì điều này, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đề xuất kế hoạch xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia lĩnh vực nhiếp ảnh “Thành phố nhiếp ảnh Việt Nam” giai đoạn 2020 - 2030. “Thành phố nhiếp ảnh Việt Nam” là nơi tổ chức các hoạt động liên quan đến ngành nhiếp ảnh như triển lãm, thi ảnh, trại sáng tác, khóa học, hội thảo, tọa đàm, giao lưu, hội chợ nhiếp ảnh, dịch vụ, mua bán tác phẩm ảnh, thiết bị kỹ thuật... Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm nhấn mạnh: “Thành phố nhiếp ảnh Việt Nam” là mô hình tổ chức sự kiện nhiếp ảnh chưa từng có ở nước ta.

Thương hiệu này giải quyết được nhiều vấn đề như nâng cao tính chuyên nghiệp, tạo thị trường và thay đổi nhận thức của công chúng đối với nhiếp ảnh. Chẳng hạn ở góc độ thị trường, chúng ta gần như chưa có thị trường ảnh. Công chúng có thể đến xem triển lãm nhưng rất ít người nghĩ tới việc sở hữu một bức ảnh. “Có những bức ảnh bán được vì có chữ ký của người này người kia, vì ủng hộ hoạt động này khác chứ không phải vì bản thân bức ảnh. Bởi nếu muốn sở hữu một bức ảnh thì khi mua họ phải mua cả file gốc, phim kèm theo chứ không phải chỉ một bản in”, ông Vi Kiến Thành chia sẻ.

Những thành phố ứng cử vào thương hiệu này phải đảm bảo các tiêu chí như: Có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, có các di sản lịch sử văn hóa, văn hóa vật thể và phi vật thể đã được UNESCO công nhận; có tiềm năng về du lịch; có khả năng và kinh nghiệm tổ chức các sự kiện văn hóa tầm quốc tế; có khả năng về kinh phí, nhân lực để tổ chức sự kiện thành phố nhiếp ảnh; thuận tiện về đi lại, có sân bay hoặc gần sân bay. Trước mắt đã có một số thành phố hào hứng với thương hiệu này như Ninh Bình, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Đà Nẵng...

Thương hiệu phải gắn với sản phẩm, lợi nhuận

Khi Đề án Xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia lĩnh vực nhiếp ảnh "Thành phố nhiếp ảnh Việt Nam" (giai đoạn 2020 - 2030) được đưa ra lấy ý kiến, nhiều người cảm thấy rất băn khoăn. Trên thực tế, các hoạt động triển lãm, hội chợ, trại sáng tác... đã được nhiều hội nghề nghiệp, địa phương thực hiện từ lâu nhưng vẫn chưa thấy hiệu quả rõ rệt trong việc hình thành thị trường cả về công nghệ lẫn trao đổi tác phẩm. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Huyến không giấu những lo ngại về việc hiện nay các triển lãm nhiếp ảnh đang kém dần sức hút cả với công chúng lẫn giới nghệ sĩ, việc trao đổi công nghệ cũng ít được quan tâm, bằng chứng là ý định tổ chức các hội chợ chuyên về nhiếp ảnh thì có nhiều nhưng không thành vì quá ít đơn vị đăng ký tham gia... Riêng mô hình trại sáng tác nhiếp ảnh từ lâu đã vấp phải sự phản đối của nhiều nghệ sĩ bởi nó bộc lộ rất nhiều hạn chế như làm giảm đi tính độc đáo của ý tưởng, dẫn tới sự ra đời của những sản phẩm na ná nhau...

Chính vì thế, ông Võ Quốc Đoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khi góp ý cho đề án đã nhấn mạnh: Triển khai thương hiệu quốc gia thì phải dùng tư duy công nghiệp văn hóa để tiếp cận, thương hiệu ấy phải gắn với sản xuất, sản phẩm, có quảng bá, thu lợi nhuận, không phải là thương hiệu bay lơ lửng mà phải gắn với sản phẩm. Thương hiệu quốc gia gắn vào lĩnh vực nhiếp ảnh thì vấn đề đó được đặt ra thế nào, tổ chức hoạt động dịch vụ, hỗ trợ, liên kết đa ngành ra sao... Đây cũng là những điểm mấu chốt cần phải làm rõ để "Thành phố nhiếp ảnh Việt Nam" thực sự là thương hiệu thuyết phục được giới chuyên môn và cả các địa phương.

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm vẫn đang tiếp tục tổ chức các hội thảo để “xin chữ, xin kiến thức, xin kinh nghiệm” của các chuyên gia nhằm hoàn thiện Đề án xây dựng “Thành phố nhiếp ảnh Việt Nam”. Nếu trở thành hiện thực, hy vọng đây sẽ thực sự là một thương hiệu văn hóa “hái ra tiền” của công nghiệp văn hóa chứ không phải chỉ là thêm một sân chơi vui vẻ cho những người cầm máy!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để không chỉ là một “sân chơi vui vẻ”!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.