Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những nhân tố quan trọng làm nên diện mạo văn hóa Thủ đô Hà Nội

PGS.TS Trần Viết Lưu| 02/11/2019 06:41

LTS: Như tin đã đưa, ngày 30-10-2019, Hà Nội đã chính thức ghi danh vào Mạng lưới 246 thành phố sáng tạo UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc) ở lĩnh vực thiết kế. Theo UNESCO thì các thành phố sáng tạo thuộc mạng lưới này phải cam kết đặt văn hóa vào trung tâm của các chiến lược phát triển và chia sẻ các hoạt động thực tiễn tốt nhất của mình.

Nhân sự kiện rất đáng tự hào này, Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu với bạn đọc loạt bài 2 kỳ, qua đó góp phần cắt nghĩa: Những nhân tố quan trọng nào đã, đang và sẽ giúp diện mạo văn hóa Thủ đô ngày càng khởi sắc?

Lễ hội Đống Đa là một trong những điểm sáng văn hóa cho khách thập phương thưởng ngoạn. Ảnh: Thái Hiền

Bài 1: Thiên định và sử truyền, ý Đảng hợp lòng dân

(HNM) - Cổ Loa - Đại La - Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội dường như đã được thiên định là kinh đô của Việt Nam. Những giá trị riêng có của văn hóa Thăng Long - Hà Nội là nhựa sống cho lịch sử, là điểm tựa cho kinh tế Thủ đô qua những chặng đường lịch sử bi hùng. Bảo tồn và phát huy những giá trị riêng có ngàn đời của mình, sau 74 năm lập nước, sau 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là sau hơn 30 năm là một trong những chiếc nôi của sự nghiệp đổi mới đất nước, Hà Nội đang ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân Thủ đô ngày càng được nâng cao.

1. Buổi bình minh lịch sử dân tộc, nước Văn Lang khởi thủy cho tiến trình dựng nước của người Việt. Thuở ấy, các Vua Hùng đã chọn núi cao (Nghĩa Lĩnh) làm chốt tiền tiêu canh giới những động thái xâm lăng của giặc ngoại xâm, làm nơi trông coi việc sản xuất, trị thủy cho muôn dân. Khi có đủ tự tin và bản lĩnh chinh phục những vùng đất mới, tổ tiên ta đã dời từ núi cao tiến xuống trị thủy sông Hồng (sông Cái) để mở ra dư địa rộng lớn cho sự phát triển dựa vào đồng bằng phì nhiêu ở vùng Bắc Bộ ngày nay.

Nước Âu Lạc (danh xưng thứ hai của dân tộc ta) gắn liền với những gian truân trong lao động sáng tạo, vừa xây thành theo kiến trúc độc đáo mang bản sắc cư dân Việt cổ, vừa chế tác vũ khí lợi hại để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng. Từ hệ lụy chủ quan, lơ là mất cảnh giác, An Dương Vương bị sập bẫy của Triệu Đà, cơ đồ dân tộc chìm trong đêm tối hơn 1.000 năm Bắc thuộc, vậy nhưng, chốn linh thiêng này vẫn là bếp lửa hồng đỏ mãi ngọn lửa yêu nước. Hai Bà Trưng, Lý Bí, Phùng Hưng, Ngô Quyền là những anh hùng dân tộc để lại nhiều huyền sử cho Hà thành.

Dưới các triều đại Đinh - Tiền Lê, sau nhiều chính biến từ kinh đô Hoa Lư, đức Lý Thái Tổ quyết định dời đô ra thành Đại La, định đô mới với tên gọi Thăng Long, đặt nền móng cho sự khai mở nền văn minh Đại Việt. Từ năm 1010, Thăng Long mang sứ mệnh lịch sử mới là kinh đô của một dân tộc độc lập, tự chủ, tự cường, bất khả chiến bại trong mọi cuộc giao tranh có tính đỉnh cao lịch sử và thử thách thời đại. Mặc dù có những khoảng u tối khi Thăng Long bị đe dọa, tàn phá trong các cuộc tấn công của giặc Tống, giặc Mông - Nguyên, giặc Minh, giặc Thanh, giặc Pháp, giặc Mỹ, nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Thăng Long vẫn giữ được khí tiết của một kinh đô bất tử.

Đặc biệt, trong gần 90 năm có Đảng lãnh đạo, Hà Nội luôn luôn là tâm điểm cho sự hun đúc chí khí quật cường dân tộc. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở đầu thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ nhất trong mọi thời đại từ thời dựng nước của tổ tiên, ông cha.

2. Trong “Lời kêu gọi nhân Ngày Thủ đô giải phóng”, ngày 10-10-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khích lệ tinh thần cách mạng của Đảng bộ và đồng bào Thủ đô trong việc chung lòng góp sức xây dựng một Thủ đô của nước Việt Nam thời hiện đại: “Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt qua mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”.

Nghị quyết số 11-NQ/TƯ, ngày 6-1-2012 của Bộ Chính trị “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020” đã chỉ rõ: “Tiếp tục xây dựng văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống ngàn năm văn hiến; tạo bước chuyển biến mới trong xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh; tiếp tục phát triển hệ thống thông tin đại chúng, sự nghiệp sáng tạo văn học, nghệ thuật, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống Thăng Long - Hà Nội đi đôi với xây dựng mới các công trình văn hóa tiêu biểu”.

Ngày 1-11-2015, trong phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Hà Nội ngàn năm văn hiến là bộ mặt, là niềm tự hào của quốc gia. Người Hà Nội phải sống thực sự có văn hóa, tiêu biểu cho văn hóa của dân tộc. Đó là lối sống nhân ái, nghĩa tình, thủy chung, trong sáng, tôn trọng pháp luật. Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập quốc tế, chúng ta càng phải đặc biệt chú trọng vấn đề này. Đây là bản chất của chế độ ta, bản sắc của người Hà Nội. Bên cạnh việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cả vật thể và phi vật thể, sáng tạo các giá trị văn hóa mới, Hà Nội phải có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong việc xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch”.

Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVI đã đề ra 8 chương trình lớn làm trụ cột cho triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội của Thủ đô, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Chương trình công tác số 04-CTr/TU của Thành ủy (khóa XVI) về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020” là cơ sở chính trị để các cấp, các ngành của Thủ đô bám sát đó mà triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã thể hiện rõ quyết tâm xây dựng con người và văn hóa có tính tiếp biến những giá trị truyền thống ngàn năm văn hiến. Hoàng thành Thăng Long, Hồ Gươm, hồ Tây, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Trấn Quốc, lễ hội đền Cổ Loa, lễ hội làng Gióng, lễ hội đền Hai Bà Trưng, lễ hội Đống Đa, lễ hội chùa Hương, chùa Thầy, làng cổ Đường Lâm, làng gốm Bát Tràng, làng lụa Hà Đông, hát Xẩm, Rối nước… cùng nhiều món ẩm thực nổi tiếng của Hà thành tiếp tục là những điểm sáng văn hóa cho khách thập phương thưởng ngoạn. Kinh tế phát triển giúp cho Thủ đô có thêm nguồn lực để xây dựng hạ tầng cơ sở hiện đại, đồng thời có thêm điều kiện để quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Làng lúa, làng hoa, làng nghề của Thủ đô giờ đang thay da, đổi thịt nhờ vào việc coi trọng xây dựng nông thôn mới để trong lộ trình đi lên hiện đại, văn minh không thể bỏ lại phía sau những thôn quê nghèo nàn, lạc hậu.

Có thể thấy, Đảng, Nhà nước, đồng bào ta luôn tin tưởng, kỳ vọng vào sự cống hiến của Thủ đô anh hùng, hào hoa; bạn bè thế giới khích lệ, hợp tác, giao lưu văn hóa để bảo tồn, phát triển văn hóa Việt trên vùng đất văn hiến Thăng Long - Hà Nội.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những nhân tố quan trọng làm nên diện mạo văn hóa Thủ đô Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.