Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự thảo Nghị định về nghệ thuật biểu diễn: Tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy sự phát triển

Thụy Du| 03/11/2019 08:52

(HNM) - Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn luôn chứa đựng những yếu tố mới về nội dung và hình thức thể hiện, khiến những quy định để điều chỉnh hoạt động này thường trong tình trạng “chạy theo” thực tiễn. Dự thảo Nghị định về nghệ thuật biểu diễn đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện tuy có nhiều đột phá, song vẫn cần tiếp tục chỉnh sửa để tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy lĩnh vực này phát triển.

Cởi mở và trách nhiệm

Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5-10-2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15-3-2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP là 2 văn bản quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn đang được áp dụng. Tuy nhiên, nhiều quy định trong 2 nghị định này không còn phù hợp với thực tiễn. Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn và Vụ Pháp chế xây dựng nghị định mới, không chỉ khắc phục mà hướng đến thúc đẩy phát triển nghệ thuật biểu diễn. 

Dự thảo Nghị định về nghệ thuật biểu diễn mở rộng đối tượng điều chỉnh, trong đó có biểu diễn thực cảnh. Trong ảnh: Vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai (Hà Nội).

Dự thảo nghị định gồm 6 chương, 38 điều, có nhiều điểm mới so với các văn bản trước, nhất là những vấn đề được giới nghề quan tâm. Đó là mở rộng các loại hình trình diễn nghệ thuật; không quy định về cấp phép phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu sáng tác trước năm 1975, thay vào đó là quy định điều kiện đối với chương trình, tiết mục biểu diễn nghệ thuật, bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật; thí sinh dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế chỉ cần không vi phạm pháp luật, có giấy mời của ban tổ chức cuộc thi…

Nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, phân cấp quản lý, dự thảo quy định hoạt động biểu diễn ở địa phương nào, thì cơ quan quản lý địa phương đó xem xét cấp phép. Theo Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, việc này sẽ nâng cao trách nhiệm của địa phương trong thẩm định, quản lý biểu diễn. Bên cạnh đó, dự thảo có quy định trách nhiệm của chủ địa điểm biểu diễn nghệ thuật, nhằm “trao quyền và nghĩa vụ cho họ khi phát hiện những sai phạm, tránh tình trạng như vụ việc 7 người tử vong trong lễ hội âm nhạc ở Công viên Hồ Tây (Hà Nội) năm 2018” - theo lời Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Quang Vinh.

Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Văn Trực, Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chia sẻ, Hà Nội là địa phương có hoạt động nghệ thuật biểu diễn đa dạng và phức tạp, nên để quản lý tốt, cơ quan chức năng buộc phải đề ra những yêu cầu khắt khe hơn so với quy định. Chẳng hạn, hồ sơ đề nghị cấp phép tổ chức biểu diễn phải có văn bản đồng ý của chủ địa điểm; hồ sơ đề nghị cấp phép chương trình trình diễn thời trang phải kèm bản vẽ, ảnh chụp trang phục; tác phẩm đề nghị công bố lần đầu phải kèm bản thảo, ký xướng âm…

Ngoài ra, với ý định xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về nghệ thuật biểu diễn phục vụ cho công tác tra cứu, dự thảo đã quy định chi tiết việc nộp lưu chiểu bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật như lĩnh vực xuất bản.

Mong muốn được hỗ trợ hơn

Tuy đã cởi mở, thông thoáng hơn, song những người hoạt động nghệ thuật cũng như cơ quan quản lý lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn vẫn mong muốn nghị định mới hỗ trợ nhiều hơn. Theo Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Văn Trực, Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, nhiều đơn vị kinh doanh lưu trú chỉ có vài chục mét vuông cũng tổ chức biểu diễn nghệ thuật. Điều đó ảnh hưởng đến chất lượng và tính chuyên nghiệp của lĩnh vực này. Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Văn Trực đề xuất, ngoài việc trao trách nhiệm cấp phép biểu diễn nghệ thuật cho địa phương, nghị định mới cũng cần có nội dung xử lý vi phạm, tránh tình trạng đơn vị tổ chức biểu diễn vi phạm ở địa phương, nhưng không có chế tài xử lý.

Nghệ sĩ nhân dân Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam lại băn khoăn với quy định biểu diễn ở địa phương nào, địa phương đó cấp phép. “Cùng một nội dung nhưng đơn vị diễn ở 20 địa phương khác nhau, thì phải 20 lần xin cấp phép, rất mất thời gian, công sức” - Nghệ sĩ nhân dân Tạ Duy Ánh nhận định. Về vấn đề này, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Quang Vinh lý giải, do có cơ sở dữ liệu về nghệ thuật biểu diễn công khai, trong đó có danh sách đơn vị đủ điều kiện tổ chức biểu diễn, nên công tác cấp phép sẽ nhanh gọn hơn.

Ở một khía cạnh khác, Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho rằng, nghị định mới cần quy định rõ hơn về vấn đề biểu diễn trực tiếp và biểu diễn gián tiếp. Hiện tại, có nhiều chương trình biểu diễn qua mạng, biểu diễn trên truyền hình và các phương tiện công nghệ hiện đại khác, gây khó khăn cho công tác quản lý. Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Minh Thái thừa nhận, đây là điều Ban soạn thảo xây dựng nghị định rất băn khoăn. Theo ông Hoàng Minh Thái, vấn đề quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn cần có sự phối hợp giữa các ngành Văn hóa, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội...

Theo Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Quang Vinh, dự thảo nghị định cần tiếp tục được góp ý để bổ sung và hoàn thiện. “Tuy nhiên, những người làm quản lý nghệ thuật biểu diễn hiện nay nên có tư tưởng cởi mở hơn, chỉ ngăn chặn những hoạt động trái pháp luật, đi ngược với lợi ích quốc gia, còn tạo điều kiện để các nghệ sĩ tự do sáng tạo và biểu diễn”, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Quang Vinh đề nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Nghị định về nghệ thuật biểu diễn: Tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy sự phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.