Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hơn 25,5% người cao tuổi sống bằng lương hưu và trợ cấp xã hội

Khánh Vũ| 11/03/2018 07:37

(HNM) - Một nghiên cứu do Tổ chức Dịch vụ hưu trí toàn cầu Ernst&Young phối hợp thực hiện cùng Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam mới đây đã đưa ra nhận định: Có nhiều thách thức đối với ngành BHXH trước bối cảnh già hóa dân số tại Việt Nam.


Mức độ cam kết tham gia của người sử dụng lao động với chế độ hưu trí nói riêng hay chính sách BHXH nói chung của Việt Nam còn thấp; tuổi nghỉ hưu thấp nên tỷ lệ hưởng lương hưu ở mức tối đa cao và dài. Hiện nay, số người được hưởng lương hưu mới có khoảng gần 2,3 triệu; số tiền tuyệt đối đóng vào quỹ BHXH không cao do tiền lương làm căn cứ đóng BHXH chỉ chiếm khoảng 60% thu nhập thực tế. Theo BHXH Việt Nam: 70% người cao tuổi không có tích lũy vật chất; 2,3% gặp khó khăn, thiếu thốn. Trên 70% người cao tuổi vẫn tự lao động kiếm sống cùng với sự hỗ trợ của con cháu và gia đình, chỉ có hơn 25,5% sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội...

Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, ông Nguyễn Đình Khương: Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH; đến năm 2030, tất cả người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên (không có lương hưu, trợ cấp) sẽ được hưởng trợ cấp xã hội, thì cần thực hiện một số giải pháp cơ bản. Đó là, hướng đến phát triển hệ thống BHXH đa tầng (lương hưu, BHXH bắt buộc, BHXH bổ sung, BHXH tự nguyện); mở rộng đối tượng tham gia, đặc biệt là người lao động ở khu vực phi chính thức và lao động nữ; điều chỉnh chính sách bảo đảm cân đối quỹ BHXH dài hạn, bền vững; ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý, hướng đến sự chuyên nghiệp, hiện đại và sự hài lòng của doanh nghiệp, người tham gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hơn 25,5% người cao tuổi sống bằng lương hưu và trợ cấp xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.