Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa chấm dứt hợp đồng với giáo viên còn trong định mức biên chế

Hương Thủy| 06/06/2018 12:23

(HNMO) - Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sáng nay (6-6), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm.


Đào tạo đại học: Sẽ tăng cường hậu kiểm

Trả lời chất vấn của đại biểu Đào Tú Hoa (Hà Nội) về giải pháp khắc phục của ngành Giáo dục trước tình trạng hơn 200.000 sinh viên ra trường không có việc làm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho biết, việc hơn 200.000 sinh viên ra trường thất nghiệp là có thật. Gốc của vấn đề này là chất lượng đào tạo. 


Vì vậy, để giải quyết căn cơ thất nghiệp, Bộ sẽ tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy; cùng với đó là phối hợp với thị trường lao động, mở rộng khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào đạo.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, từng trường đại học phải nghiên cứu thị trường lao động trước khi mở ngành đào tạo. “Đại học tự chủ tuyển sinh nhưng không phải muốn mở gì thì mở mà các trường phải có trách nhiệm về sản phẩm của mình trước người học, không phải khi tuyển sinh hứa hẹn nhiều nhưng đào tạo xong không có trách nhiệm, tức phải quan tâm đến đầu ra”, ông Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Thời gian tới, trong đào tạo đại học, Bộ sẽ tăng cường công tác hậu kiểm chứ không phải tiền kiểm như trước.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.


Với chất vấn của đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) nêu, sinh viên tốt nghiệp đại học có là nhân lực chất lượng cao hay không, khi đất nước đang cần nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng hơn 200.000 sinh viên ra trường thất nghiệp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho hay, trong các bậc đào tạo, sinh viên tốt nghiệp đại học được coi là có trình độ cao. “Nhưng trong số này có trường hợp chưa đạt chuẩn. Nhiều sinh viên trong số 200.000 sinh viên ra trường thất nghiệp có chất lượng không đảm bảo”, người đứng đầu ngành Giáo dục thừa nhận.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ hơn để trên cơ sở dự báo thị trường lao động sẽ chỉnh sửa lại chương trình đào tạo phù hợp, nhằm hạn chế số sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm.

Trước băn khoăn của đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) về việc tự chủ đại học, bao gồm tự chủ tài chính, dẫn đến tăng học phí, gây khó khăn cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, giáo dục đào tạo, giáo dục đại học là một trong những ưu tiên quan trọng của Đảng và Nhà nước. Tự chủ không có nghĩa là không có sự đầu tư của nhà nước, trái lại phải đầu tư nhiều hơn, nhưng vấn đề là hiệu quả. Thay vì cấp phép thì chuyển sang giao nhiệm vụ và đấu thầu.

Đối với trường hợp sinh viên nghèo, hoàn cảnh khó khăn, Chính phủ có nhiều chính sách ưu tiên như học bổng, miễn học phí; thậm chí yêu cầu các trường có quỹ học bổng dành cho sinh viên nghèo học giỏi. Hiện nay nhiều trường đã hình thành tốt quỹ này.

Người làm chuyên môn tại cơ sở giáo dục phải chiếm trên 65%

Tại phiên chất vấn, một số vấn đề về biên chế giáo viên, chính sách đãi ngộ với giáo viên cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Tham gia làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, về hợp đồng với giáo viên, vừa qua nhiều địa phương và các cơ sở giáo dục công lập thực hiện số lượng hợp đồng để làm công tác chuyên môn rất lớn. Có những đơn vị biên chế được giao chưa sử dụng hết nhưng vẫn tiếp tục làm hợp đồng. Vì vậy, trong Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 08/NQ-CP của Chính phủ nêu rõ, chấm dứt tình trạng tự vượt biên chế hoặc giao biên chế cao hơn so với biên chế của cơ quan có thẩm quyền giao; phải rà soát, sắp xếp lại ngay trong năm 2018.

Để thực hiện nghiêm vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương và các cơ sở giáo dục công lập phải rà soát lại biên chế được giao, đánh giá năng lực giáo viên hợp đồng trong thời gian vừa qua. Bộ GĐ-ĐT phải có quy định để giảm tỷ lệ gián tiếp quản lý trong cơ sở giáo dục, ưu tiên người làm chuyên môn nghiệp vụ với tỷ lệ trên 65%, bởi hiện nay số người làm công tác hành chính vẫn khá lớn.

Những nơi nào còn thiếu giáo viên phải tuyển ngay, không để học sinh thiếu giáo viên dạy và cân đối trong số biên chế đã được giao; đồng thời, phải có sắp xếp, tính toán lại định mức trong các trường với số lớp trong trường, số giờ dạy của giáo viên để cân đối lại số giáo viên trong số biên chế được giao trong thời gian qua.

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, kỳ họp Chính phủ thường kỳ vừa qua có đề cập, với những trường hợp tuyển dụng viên chức thừa so với được giao thì giao cho các địa phương rà soát, bố trí, giải quyết công việc cho những giáo viên này trước. Sau đó, nếu không được thì sẽ thực hiện tinh giản biên chế.

Vấn đề này Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế để cân đối; đối với những địa phương tăng dân số cơ học, nên nghiên cứu, xem xét có thể bổ sung biên chế để tránh trường hợp thiếu giáo viên, thiếu người phục vụ ở trường học, và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6-2018.

Chưa chấm dứt hợp đồng với giáo viên còn trong định mức biên chế


Về giáo viên mầm non ký hợp đồng tại các cơ sở mầm non, hiện nay việc tuyển dụng giáo viên mầm non thực hiện theo quy định tuyển dụng công chức, nhưng trên thực tế thời gian qua, việc chuyển đổi từ các trường tư thục hoặc bán công sang các trường mầm non công lập có đặt ra vấn đề phải xử lý trong lực lượng giáo viên này. Chính phủ đã quy định, với giáo viên mầm non, hiện theo chế độ hợp đồng lao động trong định mức giáo viên, hưởng chế độ chính sách như viên chức.

Để thực hiện chủ trương này, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, sắp xếp, chấm dứt hợp đồng lao động làm chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp công lập, tức là trừ những đơn vị đã tự chủ về tài chính, được tự do tuyển chọn, quyết định số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, số còn lại phải rà soát, chấm dứt tình trạng này.

Tuy nhiên, với lĩnh vực giáo dục và y tế, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, các địa phương phải cân đối và đảm bảo đủ giáo viên, bác sỹ.

"Vì vậy, quan điểm của Bộ Nội vụ là đề nghị các địa phương chưa thực hiện chấm dứt hợp đồng làm chuyên môn đối với đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên mầm non còn trong định mức biên chế. Tức còn định mức biên chế vẫn tiếp tục nghiên cứu phát triển, ưu tiên những người có hợp đồng lâu năm, có trình độ và năng lực, đảm bảo yêu cầu", Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chưa chấm dứt hợp đồng với giáo viên còn trong định mức biên chế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.