Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp cho lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018

Khánh Vũ| 04/07/2018 07:05

(HNM) - Mới đây, Nghị quyết kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV đã giao Chính phủ ban hành quy định thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bị tác động bất lợi hơn so với lao động nam do thay đổi cách tính lương hưu, với kinh phí do Bảo hiểm xã hội Việt Nam bảo đảm.


Hơn 90 nghìn người bị tác động

Theo công thức tính lương hưu được điều chỉnh theo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, từ ngày 1-1-2018, số năm đóng BHXH để đạt được tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75% đối với lao động nữ là 30 năm từ năm 2018 trở đi, thay vì 25 năm như trước.

Đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Bùi Hương



Việc điều chỉnh này bảo đảm tốt hơn nguyên tắc đóng - hưởng cũng như bảo đảm tốt hơn khả năng bền vững của quỹ hưu trí và tử tuất. Tỷ lệ hưởng lương hưu tính thêm cho mỗi năm đóng BHXH sau năm thứ 20 của nam và sau năm thứ 15 của nữ là giống nhau (2%), công bằng hơn so với Luật BHXH năm 2006 (nam là 2%, nữ là 3%). Tuy nhiên, quy định này phát sinh sự so sánh: Luật không quy định lộ trình áp dụng cách tính lương hưu mới với lao động nữ, còn lao động nam lại có lộ trình thay đổi dần trong thời gian 5 năm. Cụ thể, lao động nam hưởng lương hưu tối đa sau 31 năm đóng BHXH vào năm 2018, sau 32 năm vào năm 2019, sau 33 năm vào năm 2020, sau 34 năm vào năm 2021, 35 năm từ năm 2022 trở đi. Do không có lộ trình như lao động nam nên lao động nữ nghỉ hưu trong năm 2019 có thể thiệt so với nam giới từ 1 đến 6%; mức độ chênh lệch (tỷ lệ thiệt) giữa nam và nữ trong các năm tiếp theo lần lượt là 1-4% vào năm 2020; 1-2% vào năm 2021.

Theo dự báo của BHXH Việt Nam, việc áp dụng công thức tính lương hưu theo quy định của Luật BHXH năm 2014 ảnh hưởng tới khoảng hơn 90 nghìn lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn 2018-2021. Bên cạnh đó, sự chênh lệch là đáng kể giữa lao động nữ nghỉ sau với lao động nữ nghỉ trước thời điểm ngày 1-1-2018. Trong năm 2018 có khoảng 50 nghìn lao động nữ nghỉ hưu, trong đó có trên 21 nghìn người có thời gian đóng BHXH từ 15 đến 30 năm, có tỷ lệ hưởng lương hưu thấp hơn so với những người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017. Nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất là khoảng 4 nghìn trường hợp có tỷ lệ hưởng lương hưu thấp hơn từ 5 đến 10%. Tâm lý lo ngại bị thiệt thòi bởi chính sách lương hưu năm 2018 đã góp phần vào việc gia tăng đột biến số người nghỉ "hưu non" năm 2017, với tỷ lệ tăng khoảng 10% so với năm 2016.

Chính sách đặc biệt

Để có phương án xử lý, khắc phục những hạn chế nêu trên, BHXH Việt Nam, Bộ LĐ, TB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có đề xuất tạm ngưng thực hiện cách tính lương hưu mới này và đề nghị áp dụng cách tính lương của lao động nữ có lộ trình như lao động nam. Chính phủ cũng đã trình và đề nghị Quốc hội giao Chính phủ thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018.

Tại Nghị quyết kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã giao Chính phủ ban hành quy định thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn 4 năm, từ ngày 1-1-2018 đến 31-12-2021. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đây là chính sách có tính chất đặc biệt, chỉ thực hiện trong một thời gian nhất định với nhóm đối tượng xác định, nhằm bảo đảm quyền lợi của nhóm lao động nữ bị ảnh hưởng bất lợi do thay đổi cách tính lương hưu, đồng thời thực hiện tốt hơn chính sách bình đẳng giới.

Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ điều chỉnh “bù” số tiền tương ứng chênh lệch, tức là sẽ bù vào tỷ lệ hưởng lương hưu lần lượt cho lao động nữ nghỉ hưu năm 2018 là 8%; năm 2019 là 6%; năm 2020 là 4%; năm 2021 là 2%; từ năm 2022, lương sẽ không được bù vì đã đạt lộ trình như nam giới. Cách tính trên là bù vào tỷ lệ hưởng lương hưu (được tính bằng 45%, tương ứng với 15 năm đóng BHXH). Mức bù sẽ cao hơn nếu điều chỉnh vào mức lương hưu (được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH). Với cách tính này, lao động nữ sẽ nhận được mức điều chỉnh tương ứng bằng 12,31% nếu bắt đầu hưởng lương hưu trong năm 2018; năm 2019 là 9,23%, năm 2020 là 6,15%, năm 2021 là 3,08%.

Theo BHXH Việt Nam, số lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn 2018-2021, có từ 19 năm 6 tháng đến 20 năm đóng BHXH là khoảng gần 91.600 người. Như vậy, việc bù lương hưu sẽ phát sinh nhu cầu kinh phí khoảng 80 tỷ đồng (năm 2018 là 27,8 tỷ đồng; năm 2019 là 23,7 tỷ đồng; năm 2020 là 18,1 tỷ đồng; năm 2021 là 10,3 tỷ đồng). Nguồn kinh phí này sẽ do Quỹ BHXH bảo đảm.

Quốc hội khóa XIV cũng thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ năm, trong đó thống nhất phát hành 22.090 tỷ đồng trái phiếu chính phủ trong 3 năm 2018, 2019 và 2020 để nhận nợ với BHXH Việt Nam đối với khoản đóng BHXH cho người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 1-1-1995. Trong đó: Năm 2018 là 6.000 tỷ đồng; năm 2019 là 7.000 tỷ đồng và năm 2020 là 9.090 tỷ đồng. Mức phát hành trái phiếu chính phủ nhận nợ hằng năm phải nằm trong tổng mức vay của ngân sách nhà nước đã được Quốc hội quyết định.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp cho lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.