Theo dõi Báo Hànộimới trên

10 năm - Nhiều thành tựu vượt bậc

Linh Nhi| 07/07/2018 06:53

(HNM) - Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12, ngày 29-5-2008, của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, Thủ đô đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Hà Nội trở thành địa phương đi đầu cả nước về cải cách hành chính, xây dựng nông thôn mới và các phong trào thi đua yêu nước, góp phần quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô nói riêng, đất nước nói chung.

Con đường bích họa do lực lượng thanh niên thực hiện đã tạo diện mạo mới khang trang, hiện đại cho xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng). Ảnh: Sơn Hà


Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến:
“Đòn bẩy” cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Nghị quyết số 15/2008/QH12 có ý nghĩa to lớn, tác động trực tiếp, tạo động lực cho sự phát triển, xây dựng giai cấp công nhân lao động Thủ đô ngày càng vững mạnh, phát huy tốt vai trò “đầu tàu” trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bằng quyết tâm chính trị, ngay từ những ngày đầu điều chỉnh địa giới hành chính, tổ chức Công đoàn Thủ đô đã chú trọng sắp xếp, xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ trên nguyên tắc dân chủ, bố trí vị trí công tác đúng người, đúng việc.

Việc quan tâm bảo vệ quyền lợi của công nhân, viên chức, người lao động luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm. Đây thực sự là “đòn bẩy” giúp tổ chức Công đoàn thành phố triển khai nhiều phong trào rộng lớn trong công nhân, viên chức, người lao động, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Điển hình như, 92,5% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phát động phong trào “Thi đua liên kết phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... từ đó, xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến xuất sắc; trong đó có hơn 254 nghìn công nhân giỏi, hơn 120 nghìn công nhân có “Sáng kiến, sáng tạo” được thành phố và các cấp biểu dương khen thưởng, tổng giá trị các sáng kiến đạt trên 4.500 tỷ đồng.

Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Tiến:
Thể hiện vai trò chủ nhân tương lai của đất nước


10 năm qua, Thành đoàn Hà Nội đã thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Chương trình hành động số 01 của Thành ủy khóa XIV về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Cụ thể, Thành đoàn đã tích cực thực hiện chương trình phát triển hạ tầng nông thôn, đô thị của thành phố bằng dự án "Đường đều có hoa, nhà đều có số, phố đều có tên" tạo sự giao thoa và hòa quyện giữa văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp với văn minh đô thị, mang đến cho Hà Nội thêm nhiều nét đặc sắc.

Địa giới hành chính Thủ đô mở rộng giúp thanh niên có cơ hội tham gia giải quyết những vấn đề “nóng” của thành phố như: Trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, phát triển kinh tế, giải quyết việc làm… Đặc biệt, hàng vạn lượt thanh niên tình nguyện thứ bảy hằng tuần tham gia cùng cán bộ các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính tại địa bàn, đưa đến kết quả giảm 30% các thủ tục hành chính và giải quyết hồ sơ đạt 97,3%; 100% thanh niên đăng ký kết hôn qua mạng internet. Bên cạnh đó, thanh niên có hàng nghìn đề án khởi nghiệp nông nghiệp và tích cực tuyên truyền lịch sử văn hóa Thăng Long, thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng...

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường:
Bước ngoặt mới, thành công mới

Ngày 1-8-2008 đánh dấu bước ngoặt lớn khi Hội Chữ thập đỏ Hà Nội hợp nhất với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Tây thành Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội.

Với vai trò nòng cốt, cầu nối, điều phối trong các hoạt động nhân đạo, những năm qua, thực hiện sự chỉ đạo của Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội và Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các cấp Hội trên địa bàn thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động nhân đạo thiết thực như: Phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam", "Hiến máu tình nguyện", cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo"... đã có hàng nghìn người nghèo được giúp đỡ về nhà ở; hàng trăm nghìn người được chăm sóc sức khỏe, được cấp cứu và điều trị, hàng triệu người có hoàn cảnh khó khăn được thăm hỏi, tặng quà... với trị giá khoảng 200 tỷ đồng mỗi năm.

Các phong trào đó có được là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của thành phố, sự phối hợp tốt của các cơ quan, ban, ngành, góp phần quan trọng trong việc giảm nghèo, chung tay xây dựng nông thôn mới và thực hiện chính sách an sinh, xã hội, giúp hàng trăm nghìn người có thêm niềm tin, động lực vươn lên trong cuộc sống...

Trưởng ban Công tác Mặt trận địa bàn dân cư 11, phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng) Đinh Văn Lành:
Nhiều thành tựu lớn, có ý nghĩa vượt bậc

Là công dân của Hà Nội, tôi thực sự vui mừng khi nhận thấy việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô đã mang lại nhiều thành tựu lớn, có ý nghĩa vượt bậc. Hệ thống giao thông kết nối giữa các địa bàn trong nội đô và các đô thị vệ tinh được xây dựng, đường sá được mở rộng với nhiều cầu vượt, đường hầm, giúp giao thông thông thoáng. Bên cạnh đó, các trung tâm chính trị - hành chính, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, các khu công nghiệp công nghệ cao được đầu tư xây dựng ngang tầm quốc tế; nhiều trường đại học, bệnh viện được đưa ra ngoại thành, giảm gánh nặng, áp lực dân số và môi trường với khu vực nội thành và trung tâm thành phố; các vành đai xanh được hình thành... Những điều đó đã góp phần đáp ứng yêu cầu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa và phân bố dân cư hài hòa, bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
10 năm - Nhiều thành tựu vượt bậc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.