Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tuyệt đối không tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn theo kiểu “đánh trống ghi tên”

Minh Ngọc| 04/10/2018 06:49

(HNM) - Ngày 3-10, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý chủ trì hội nghị giao ban công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2018 trên địa bàn thành phố theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ.


Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, từ đầu năm 2018 đến nay, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã chuyển biến tích cực, song kết quả đạt được vẫn thấp hơn so với kế hoạch, nhất là với các nghề phi nông nghiệp. Cụ thể, toàn thành phố đã mở 393 lớp đào tạo nghề, thu hút hơn 13.600 lao động nông thôn học nghề, đạt gần 57% kế hoạch.

Những nghề phi nông nghiệp thu hút gần 9.000 lao động tham gia, đạt gần 68% kế hoạch; nghề nông nghiệp thu hút gần 4.700 người theo học, đạt hơn 32% kế hoạch. Công tác đào tạo nghề chưa đạt kết quả cao là do người lao động trong độ tuổi học nghề ngày càng giảm; người dân chưa mặn mà với các nghề được hỗ trợ đào tạo; đầu ra với các nghề phi nông nghiệp gặp khó khăn…

Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các quận, huyện, thị xã tích cực phối hợp với doanh nghiệp trong giải quyết việc làm, huy động sự hỗ trợ của doanh nghiệp, sự đóng góp của người học trong quá trình học nghề. Ngoài ra, các địa phương cần rà soát xem ngành, nghề nào phù hợp với nhu cầu thì đề xuất nhân rộng; những ngành, nghề không còn phù hợp thì nên thay thế. Đề xuất này được đại diện các ngành, địa phương đồng tình.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý lưu ý các ngành, địa phương tích cực phối hợp với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo nghề, đồng thời tổ chức đào tạo các nghề sát với năng lực, nhu cầu của người học cũng như nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp; tuyệt đối không tổ chức dạy nghề theo kiểu “đánh trống ghi tên”.

Hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh cần được tiến hành từ bậc trung học cơ sở, giúp học sinh hiểu rõ nhu cầu của thị trường, năng lực của bản thân, từ đó chủ động lựa chọn những công việc phù hợp. Đặc biệt, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương nghiên cứu bổ sung một số ngành, nghề như nghề giúp việc gia đình...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyệt đối không tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn theo kiểu “đánh trống ghi tên”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.