Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cốt lõi là chuyển biến nhận thức của người dân

Khánh Vũ| 12/10/2018 06:51

(HNM) - “Hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân” là một trong những mục tiêu quan trọng mà Nghị quyết số 28-NQ/TƯ về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã đặt ra.


Chính sách chưa theo kịp thực tế

Theo Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Nguyễn Thị Minh, thời gian qua, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Chính sách BHXH chưa theo kịp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, chưa thích ứng với quá trình già hóa dân số và sự xuất hiện các quan hệ lao động mới. Việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHXH còn dưới mức tiềm năng, độ bao phủ BHXH tăng chậm. Số lượng người rời bỏ hệ thống BHXH (nhận chế độ BHXH một lần) đang tăng nhanh, do điều kiện nhận BHXH một lần quá dễ, mở rộng. Tình trạng trốn đóng, nợ đọng, gian lận, trục lợi BHXH chậm được khắc phục. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo chưa quyết liệt công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH trên địa bàn.

Trong khi đó, nhận thức của một bộ phận người lao động, người sử dụng lao động về vai trò, mục đích, ý nghĩa của BHXH chưa đầy đủ. Hiệu lực, hiệu quả thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong thực hiện chính sách BHXH còn bất cập. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH chưa thật sự tạo được sự tin cậy để thu hút người lao động tham gia BHXH...

Chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội tại xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Thái Hiền


Hiện còn hơn 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động, không tham gia BHXH. Đặc biệt là việc nghỉ hưu sớm trong điều kiện dân số già hóa với tuổi thọ ngày càng tăng đang và sẽ là gánh nặng lớn cho Quỹ BHXH... Theo bà Nguyễn Thị Minh, có nhiều khó khăn, rào cản để đạt được các mục tiêu nói trên. Dù vậy, ngành BHXH vẫn nỗ lực từng ngày, bởi lợi ích to lớn đối với người dân đang trở thành động lực thúc đẩy những người có trách nhiệm phải vào cuộc và quyết tâm hơn nữa.

Tăng tính hấp dẫn của BHXH tự nguyện

Mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH theo Nghị quyết số 28-NQ/TƯ về cải cách chính sách BHXH được tiếp cận ở cả đầu vào (đối tượng tham gia BHXH so với lực lượng lao động trong độ tuổi) và đầu ra (số người được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội so với số người sau độ tuổi nghỉ hưu). Theo đó, đến năm 2021 phấn đấu đạt khoảng 35%, đến năm 2025 đạt khoảng 45%, đến năm 2030 đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH.

Việc mở rộng diện bao phủ BHXH hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân thông qua việc xây dựng hệ thống BHXH đa tầng; sửa đổi quy định về điều kiện đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu theo hướng giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm và lộ trình hướng đến 10 năm; điều chỉnh công thức tính lương hưu theo nguyên tắc công bằng, đóng - hưởng, chia sẻ; mở rộng đối tượng tham gia bắt buộc đến nhóm chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt. Nghị quyết cũng đề cập tới việc tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách, cải cách trong thiết kế chính sách và tổ chức thực hiện, nhằm củng cố niềm tin của người tham gia vào hệ thống, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức.

Lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết, để đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ, cần rà soát, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm có nhu cầu và có khả năng như chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt. Theo tính toán của BHXH Việt Nam, việc thực hiện quy định bắt buộc với nhóm đối tượng nói trên có thể khai thác được khoảng 3,7 triệu trong số hơn 5 triệu chủ hộ kinh doanh cá thể có đăng ký kinh doanh; hơn 400.000 người quản lý doanh nghiệp, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương tham gia BHXH.

Ngoài ra, cần sửa đổi pháp luật về BHXH theo hướng linh hoạt, tạo cơ hội cho mọi người dân khi hết tuổi lao động đều được hưởng lương hưu, như giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH được hưởng lương hưu xuống từ đủ 10 năm đến dưới 20 năm; sửa đổi, bổ sung chế độ BHXH tự nguyện như tăng mức hỗ trợ của Nhà nước trong trường hợp một hộ có nhiều người tham gia, gắn kết với điều kiện hưởng ưu đãi của Nhà nước đối với các chế độ khác. Đây là giải pháp mang tính bền vững vì vừa khuyến khích người dân tham gia vào hệ thống để được hưởng lương hưu vừa hạn chế hiện tượng nhận BHXH một lần.

Theo quy định tại Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29-12-2015 quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện, thì từ ngày 1-1-2018, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn với các mức hỗ trợ: 30% đối với người thuộc hộ nghèo, 25% đối với người thuộc hộ cận nghèo và 10% đối với các đối tượng còn lại. Trong quá trình triển khai, các cơ quan chức năng sẽ có đánh giá cụ thể về kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ, làm cơ sở cho việc nghiên cứu, hoàn thiện chính sách và có thể xem xét, kiến nghị tăng mức hỗ trợ BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho rằng, điều cốt lõi là chúng ta phải làm chuyển biến nhận thức của người dân về tính ưu việt trong chính sách về an sinh xã hội và phải làm sao để người dân thấy được, tham gia vào hệ thống an sinh xã hội không chỉ là quyền lợi, mà còn là trách nhiệm của người dân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cốt lõi là chuyển biến nhận thức của người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.