Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế được bảo đảm

Khanh Lê| 09/11/2018 07:02

(HNM) - Trước thông tin cho rằng, số tiền Quỹ Bảo hiểm y tế kết dư gần 39.000 tỷ đồng hiện nay là do quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế bị thắt chặt mà có và số kết dư này liên quan tới sự hạn chế của danh mục thuốc bảo hiểm y tế...


Ông Đào Việt Ánh khẳng định, trong mọi trường hợp, quyền lợi khám, chữa bệnh của người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) luôn được bảo đảm đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật, cho dù Quỹ BHYT bội chi hay kết dư. Mặt khác, tại Điểm b, Khoản 1, Điều 35, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định: Dành tối thiểu 5% số tiền đóng BHYT cho quỹ dự phòng. Vì vậy, nói chính xác thì số dư Quỹ BHYT được đề cập chính là quỹ dự phòng khám, chữa bệnh BHYT được tồn tích qua nhiều năm.

Trong thiết kế chính sách BHYT ở nhiều nước cũng như tại Việt Nam, việc tồn tại của quỹ dự phòng khám, chữa bệnh BHYT là cần thiết, nhằm bảo đảm tính bền vững của chính sách BHYT cũng như khả năng chi trả của quỹ này trước những rủi ro về thiên tai, dịch bệnh có thể phát sinh bất cứ lúc nào. Tham chiếu vào điều kiện khám, chữa bệnh BHYT tại Việt Nam, quỹ này rất quan trọng. Vì bên cạnh rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, chúng ta cần nguồn lực hỗ trợ thanh toán khi giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng theo lộ trình tính đúng, tính đủ theo quy định của pháp luật và áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới trong khám, chữa bệnh BHYT.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet


Vừa qua, sau khi chính sách thông tuyến huyện chính thức được áp dụng theo quy định của Luật BHYT và do tác động của việc tăng giá viện phí, tình trạng bội chi Quỹ BHYT đang diễn ra ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Do đó, Quỹ BHYT đã phải sử dụng quỹ dự phòng khám, chữa bệnh BHYT để bù đắp phần nào. Nếu chi phí khám, chữa bệnh BHYT không được kiểm soát tốt, quỹ dự phòng không còn đủ để bù đắp, thì chúng ta sẽ phải thực hiện việc điều chỉnh tăng mức đóng BHYT. Điều này sẽ tác động đến thu nhập của người dân, khả năng chi trả của doanh nghiệp cũng như khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh quốc gia.

Liên quan tới danh mục thuốc BHYT còn hạn chế hay không, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cho biết, hiện trung bình mệnh giá thẻ BHYT của Việt Nam là khoảng gần 1 triệu đồng/thẻ, nhưng mức chi khám, chữa bệnh BHYT bình quân là hơn 1,1 triệu đồng/người. Danh mục thuốc BHYT của Việt Nam đang nằm trong nhóm các nước có danh mục thuốc cao của thế giới, với khoảng 1.000 loại thuốc. Trong khi đó danh mục thuốc trung bình của các nước trên thế giới chỉ rơi vào khoảng 700 loại, với mệnh giá BHYT cao. “Qua đó có thể khẳng định, ý kiến nêu trên là không đúng thực tế, thiếu khách quan và chưa hiểu đúng về chính sách BHYT của nước ta” - ông Đào Việt Ánh nhấn mạnh.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong năm 2017 có tình trạng thiếu thuốc BHYT tại một số cơ sở khám, chữa bệnh. Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã kịp thời triển khai các biện pháp để bảo đảm việc cung ứng thuốc BHYT đầy đủ; đồng thời, chỉ đạo toàn ngành, bảo đảm không để tình trạng này tiếp tục xảy ra. Năm 2018, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chuẩn bị đầy đủ các phương án để không xảy ra tình trạng này. Ngay sau khi công tác đấu thầu cung cấp thuốc BHYT được hoàn thiện, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ thông tin cụ thể trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế được bảo đảm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.