Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn tình trạng mạo danh cơ sở đào tạo lái xe

Gia Bảo| 23/11/2018 06:55

(HNM) - Tình trạng mạo danh các trung tâm, cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe tại TP Hồ Chí Minh nhằm lừa tiền học viên lại vừa

Cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh đang có nhiều giải pháp nhằm chấn chỉnh hoạt động đào tạo, sát hạch lái xe.


Vừa đóng 4,5 triệu đồng tiền học bằng lái ô tô hạng B2 (xe chở người đến 9 chỗ), anh Phạm Khánh Duy (ngụ tại quận 8) không ngờ mình trở thành nạn nhân của một trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe mạo danh. Theo anh Duy, khi đóng tiền học tại Trung tâm Dạy nghề và đào tạo lái xe Thiên Tâm (địa chỉ 179A Phạm Hùng, phường 4, quận 8), bản thân vẫn nhận được phiếu thu đầy đủ. Theo kế hoạch, sau khi học xong sẽ thi sát hạch, thế nhưng chờ mãi vẫn chưa được thi. Khi anh đến để hỏi rõ ngọn ngành thì trung tâm đã đóng cửa. “Không chỉ tôi mà có hàng trăm người cũng bị lừa với những thủ đoạn hết sức tinh vi”, anh Duy buồn rầu nói.

Từng là nạn nhân của một cơ sở đào tạo lái xe nhái, anh Nguyễn Trường Hạnh (ngụ tại quận 9) cho biết, các trung tâm, cơ sở đào tạo lái xe giả có nhiều chiêu quảng cáo, dụ dỗ người dân đăng ký học như: Mức học phí thấp, ưu đãi, thủ tục đăng ký nhanh gọn, thời gian học và thi lấy bằng nhanh... “Các trung tâm, cơ sở đó vẫn hoạt động bình thường cho đến khi có nhiều người "sập bẫy" thì đóng cửa, hoặc chuyển địa điểm với một tên mới để hoạt động”, anh Hạnh ngán ngẩm nói.

Trước thực trạng trên, Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh kiểm tra và phát hiện 5 điểm giả mạo các cơ sở đào tạo lái xe để tư vấn tuyển sinh. Trong hai năm 2016-2017, Sở cũng phát hiện 5 điểm, phòng ghi danh giả mạo. Theo Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh, hầu như văn phòng ghi danh đều lấy tên giống, hoặc gần giống với một trung tâm đào tạo và gắn vào đó là các văn phòng, công ty tư nhân... nhằm đánh lừa người học. Các văn phòng giả mạo này đưa ra mức học phí rất hấp dẫn để lôi kéo học viên. Thế nhưng, khi học viên đăng ký học sẽ xuất hiện một số khoản phát sinh và học viên cũng không được ký hợp đồng đào tạo với đơn vị này mà phần lớn sẽ bị đẩy qua một đơn vị khác hoặc bị ôm tiền bỏ trốn.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Ngô Đình Quang, Trưởng phòng Quản lý sát hạch cấp giấy phép lái xe (thuộc Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh) cho hay, qua công tác kiểm tra, rà soát lại toàn bộ trung tâm, văn phòng đào tạo và cấp giấy phép lái xe trên địa bàn thành phố cho thấy, không có cơ sở đào tạo nào có tên Thiên Tâm tại địa chỉ trên. Thực tế, Trung tâm Dạy nghề và đào tạo lái xe Thiên Tâm đang hoạt động ở xã Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) và chỉ có văn phòng tuyển sinh ở đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh).

Hiện Phòng Quản lý sát hạch cấp giấy phép lái xe chỉ quản lý 71 trung tâm dạy nghề và đào tạo lái xe có đăng ký với Sở Giao thông - Vận tải thành phố. Để người dân tránh bị mắc lừa, trên website của Sở Giao thông - Vận tải đều thông tin rõ ràng, cập nhật thường xuyên các trung tâm, văn phòng ghi danh này, đồng thời cũng cập nhật luôn danh sách các văn phòng ghi danh giả mạo.

Nhằm chấn chỉnh tình trạng trên, Sở Giao thông - Vận tải đã chỉ đạo Thanh tra Sở lập kế hoạch phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan, kiểm tra một số địa điểm, phòng ghi danh giả mạo trên địa bàn, đồng thời xử lý nghiêm theo đúng thẩm quyền và quy định pháp luật. Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, để công tác xử lý hiệu quả cần có sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương; đồng thời đề nghị UBND các quận, huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp mở các địa điểm tư vấn tuyển sinh, đào tạo lái xe không phép (nếu có).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn tình trạng mạo danh cơ sở đào tạo lái xe

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.