Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Minh Ngọc| 16/01/2019 06:55

(HNM) - Hiện nay, lao động qua đào tạo ở Hà Nội đạt tỷ lệ hơn 63%, cao bậc nhất cả nước, nhưng vẫn chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội...

Chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển

Tại Hà Nội hiện có 369 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung bình mỗi năm tuyển sinh, đào tạo nghề cho khoảng 150.000-190.000 lượt người. Để có nguồn nhân lực chất lượng cao, TP Hà Nội đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội và Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Hà Nội... trở thành trường nghề chất lượng cao. Những đơn vị này đã triển khai đào tạo một số nghề trọng điểm theo tiêu chuẩn quốc tế, thu hút đông đảo lao động theo học.

Hướng dẫn nghề mây, tre đan cho thanh niên xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Bá Hoạt


Ngoài ra, các đơn vị giáo dục nghề nghiệp khác cũng được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên. Nhờ vậy, gần đây, đa số trường nghề ở Hà Nội tuyển sinh vượt chỉ tiêu đề ra. Sau khi tốt nghiệp, hơn 80% số người học nghề tìm được việc làm.

Thông qua hoạt động đổi mới giáo dục nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực của Thủ đô có sự chuyển biến đáng kể. Năm 2008, toàn thành phố chỉ có 27,5% lao động đang làm việc đã qua đào tạo, nhưng đến năm 2018, con số này là 63,18%, cao hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước. Số người có việc làm cũng tăng khi năm 2018, toàn thành phố giải quyết việc làm cho hơn 190.000 lao động, tăng 25,1% so với năm 2017. “Đa số lao động ở Hà Nội có trình độ, tay nghề cao hơn các địa phương khác nên chúng tôi ưu tiên tuyển dụng qua các sàn giao dịch việc làm trên địa bàn thành phố. Những người đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng đều đủ khả năng làm việc lâu dài tại doanh nghiệp”, chị Nguyễn Thị Thanh, cán bộ tuyển dụng Công ty TNHH LG Display Việt Nam, trụ sở tại TP Hải Phòng, chia sẻ.

Tuy nhiên, kết quả nói trên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao; cơ cấu lao động, việc làm còn bất hợp lý. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn bộc lộ bất cập. Cụ thể như, huyện Đông Anh đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ nhưng tỷ lệ lao động nông nghiệp ở địa phương vẫn chiếm hơn 50%; lao động ở khu vực kinh tế phi chính thức chiếm hơn 60%.

Do trình độ không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng, đa số lao động nông thôn qua các lớp đào tạo nghề ngắn hạn ở huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Quốc Oai, Sóc Sơn… phải tự tìm việc làm. “Đó là những công việc có tính chất mùa vụ, thu nhập không cao, khiến người lao động không mấy mặn mà. Doanh nghiệp chật vật tuyển dụng mà vẫn không tuyển đủ lao động thạo nghề. Cung - cầu lao động chưa thực sự gặp nhau, gây lãng phí về nhiều mặt”, ông Trần Công Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên phản ánh.

Lấy người học làm trung tâm

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Trương Anh Dũng, mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp là trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng. Về vấn đề này, bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, toàn ngành đã quán triệt tinh thần lấy người học làm trung tâm trong cả quá trình tuyển sinh, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm. Nói cách khác, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần ưu tiên đào tạo và đào tạo lại lực lượng lao động thuộc những ngành, nghề mà xã hội đang cần; khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề... Mục tiêu đề ra là đến cuối năm 2019, toàn thành phố đào tạo nghề cho 205.000 lao động, trong đó có 20.000 lao động nông thôn, nâng tổng số lao động đang làm việc qua đào tạo lên 67,5%; giải quyết việc làm cho 154.000 lao động.

Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho rằng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên cam kết bảo đảm đầu ra cho người học. Cách làm này giúp Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội… nhận được sự tin tưởng của người học và doanh nghiệp. Nguyễn Thị Bích Thùy, sinh viên lớp CĐT11A, Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội nói: “Học nghề với tâm lý thoải mái giúp chúng em dễ tiếp thu kiến thức, kỹ năng. Tham gia kỳ thi tay nghề quốc gia năm 2018 và giành Huy chương vàng với nghề robot di động, dù chưa ra trường nhưng em đã được một số tập đoàn lớn mời về làm việc với lời hứa hấp dẫn về lương, thưởng”.

Về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhiều ý kiến cho rằng hình thức tổ chức dạy nghề nên linh hoạt với từng nghề, từng đối tượng học. Một số nghề nông nghiệp nên rút ngắn thời gian đào tạo xuống dưới 3 tháng. Một số nghề phi nông nghiệp nên được đào tạo trong khoảng thời gian nhiều hơn 3 tháng, giúp người lao động thành thạo tay nghề...

Cơ cấu kinh tế, lao động, việc làm ở Hà Nội đang chuyển dịch mạnh mẽ theo cả chiều rộng và chiều sâu. Điều đó đồng nghĩa với việc lao động không qua đào tạo, tay nghề thấp có nguy cơ bị thất nghiệp. Do đó, các đơn vị liên quan cần triển khai mô hình đào tạo nghề phù hợp, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.