Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những người làm việc xuyên Tết

Tuệ Diễm| 01/02/2019 07:17

(HNM) - Với nhiều người lao động, do tính chất công việc nên không được đón Tết Nguyên đán cùng gia đình, đó là một thiệt thòi. Thế nhưng, với những người có hoàn cảnh khó khăn, ngày Tết lại là cơ hội cho họ kiếm thêm thu nhập.


Nghỉ ngơi ngày Tết là khái niệm khá xa xỉ đối với nhân viên đường sắt. Để phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân, họ thường xuyên phải xa gia đình để làm nhiệm vụ trong những ngày Tết. Ông Mai Thành Phương, Chủ tịch Công đoàn đường sắt Việt Nam cho biết: “Tết đến, xuân về là thời khắc sum họp của nhiều gia đình. Vậy nhưng, với các cán bộ nhân viên ngành Đường sắt Việt Nam, đây là thời điểm họ phải căng mình với công việc, đón năm mới trên những con tàu, nhà ga trải dọc đất nước”.

Năm nay, Đoàn tiếp viên đường sắt Phương Nam có 15 người trong 5 năm liên tục đón giao thừa trên tàu, hoặc tại các sân ga. Ông Dương Đức Lương, Trưởng tàu khách (Đoàn tiếp viên đường sắt Phương Nam) cho biết: “Tuy không được đón Tết bên người thân nhưng tôi luôn quyết tâm thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình để phục vụ hành khách về quê ăn Tết”.

Tương tự, phần lớn cán bộ, nhân viên làm việc trong các bệnh viện công lập tại TP Hồ Chí Minh cũng phải luân phiên nhiệm vụ trực Tết. Mỗi năm đến Tết, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 lại cân nhắc để sắp xếp lịch trực Tết cho cán bộ, nhân viên, ưu tiên những y, bác sĩ ở xa về quê đón Tết. Bác sĩ Khanh cho hay: “Những ngày Tết tại Khoa Nhiễm - Thần kinh không đón nhiều bệnh nhân nhưng phần lớn trường hợp nhập viện lại là những bệnh nhân nặng từ các tỉnh chuyển về. Các y, bác sĩ phải túc trực, giám sát thường xuyên. Mỗi ca trực phải có 2 bác sĩ, 5 điều dưỡng và 2 hộ lý, nhưng vào ngày 30, mùng 3 và 6 Tết khoa phải bố trí thêm nhân viên để giải quyết thủ tục cho bệnh nhân xuất viện...”.

Khoa Nhiễm - Thần kinh nhận nhiệm vụ tiếp nhận điều trị bệnh lây nhiễm. Khi có dịch bệnh đột xuất, những cán bộ y tế trong danh sách chống dịch chỉ được nghỉ tại TP Hồ Chí Minh và luôn sẵn sàng tiếp nhận nhiệm vụ, bản thân bác sĩ trưởng khoa cũng phải sẵn sàng 24/24 giờ.

Vào những ngày giáp Tết, đa số người lao động ngoại tỉnh tại TP Hồ Chí Minh về quê ăn Tết nên các ngành dịch vụ nhà hàng, khách sạn, kinh doanh đều thiếu lao động. Vì thế, công việc giao hàng, phục vụ, giúp việc được trả lương cao gấp 2-3 lần ngày thường. Chớp cơ hội này, nhiều sinh viên ở lại thành phố làm thêm, kiếm bội tiền nhờ mùa Tết. Được nghỉ học từ ngày 28-1, sinh viên Nguyễn Ngọc Ánh (20 tuổi, quê ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An) đang theo học tại Trường Trung cấp Bách khoa TP Hồ Chí Minh chọn việc dọn nhà với tiền công hậu hĩnh 250.000 đồng/ca 2 giờ.

Ông Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng phòng Hỗ trợ đời sống, Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP Hồ Chí Minh cho biết, trung tâm đã tiếp nhận nhu cầu tuyển dụng của 185 đơn vị trong chương trình việc làm Tết năm 2019, thời điểm này có khoảng 5.000 việc làm cho sinh viên. Để san sẻ nỗi vất vả cho các sinh viên phải ở lại thành phố làm thêm, trung tâm đã tổ chức chương trình “Họp mặt sinh viên đón Tết xa nhà” Xuân Kỷ Hợi 2019 với không khí ấm áp, thân tình cùng 2.000 phần quà cho những sinh viên khó khăn không có điều kiện về quê đón Tết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những người làm việc xuyên Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.