Theo dõi Báo Hànộimới trên

Số người chết vì bệnh lao gấp 1,5 lần số người chết do tai nạn giao thông

Gia Phong| 23/03/2019 14:05

(HNMO) - Ngày 23-3, tại Hà Nội, Bộ Y tế, Chương trình Chống lao quốc gia tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao 24-3 và phát động Chương trình hành động quốc gia chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

Tới dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; đại diện các bộ, ban, ngành trung ương và đại diện Chương trình chống lao các tỉnh, thành phố. Về phía thành phố Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý.


Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP/Đình Nam


Hiện nay, bệnh lao vẫn là một trong các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên thế giới. Mỗi ngày, trên thế giới có khoảng 4.500 người tử vong vì căn bệnh này và có gần 30.000 người nhiễm bệnh. Việt Nam vẫn nằm trong top 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 16 về số người mắc lao cao và đứng thứ 15 gánh nặng lao kháng đa thuốc. Tuy nhiên, trong 10 năm qua, tỷ lệ bệnh nhân mắc lao ở nước ta đã giảm được 31%, trung bình 3,8%/năm. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, Việt Nam đang trên con đường chấm dứt bệnh lao. Việt Nam đã hội tụ gần đủ các yếu tố để chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, mỗi năm trên thế giới có thêm 10 triệu người nhiễm bệnh lao và 1,6 triệu người chết vì bệnh lao. Ngay tại Việt Nam, mặc dù là một trong những nước được đánh giá có nhiều nỗ lực và hiệu quả hàng đầu về công tác phòng, chống lao nhưng hằng năm vẫn có tới hơn 120.000 người nhiễm lao mới, khoảng 12.000 người chết vì bệnh lao, gấp 1,5 lần số người chết vì tai nạn giao thông. Tỷ lệ phát hiện lao trên thế giới là 61%, ở Việt Nam là 81%.

Phó Thủ tướng cho rằng, việc phát hiện sớm bệnh lao là vô cùng quan trọng và có tính quyết định với tỷ lệ chữa khỏi khoảng 52% trên thế giới và 75% ở Việt Nam. Thậm chí, ở Việt Nam, nếu người mắc lao lần đầu được phát hiện thì tỷ lệ chữa khỏi hoàn toàn trong vòng 4-6 tháng lên tới 90%.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Việt Nam đang từng bước hình thành cơ chế tài chính bảo đảm cho công tác phòng, chống lao. Đến thời điểm này, nguồn kinh phí dành cho hoạt động chống lao ở Việt Nam là khoảng 60 triệu USD/năm. Để chữa trị cho một bệnh nhân lao, chỉ cần chưa đến 10 triệu đồng, trong đó có 2 triệu đồng tiền thuốc. Phó Thủ tướng mong rằng, toàn xã hội sẽ quan tâm, hỗ trợ Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB), tiến tới mục tiêu 100% số người nhiễm lao ở Việt Nam được phát hiện, chữa trị ngay từ đầu.

Khẳng định cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trách nhiệm của ngành Y tế cùng cả hệ thống chính trị, xã hội là làm sao để người dân nhận thức đầy đủ về việc bệnh lao không đáng sợ. Thậm chí, với tiến bộ của y học ngày hôm nay, bệnh lao không còn là bệnh nan y. Bản thân người bệnh khi có triệu chứng thì chủ động đi kiểm tra để được phát hiện, điều trị theo đúng lộ trình, phác đồ.

Thể hiện quyết tâm của Hà Nội trong chương trình hành động quốc gia tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý nhấn mạnh, trong 5 năm qua, Hà Nội đã tích cực tổ chức các hoạt động phòng, chống lao, kiện toàn mạng lưới phòng, chống lao tại các tuyến. Số lượng người bệnh lao được thu nhận điều trị giảm từ 0,6% - 1% hằng năm. Đồng chí Ngô Văn Quý khẳng định, Hà Nội cam kết tiếp tục giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20 người/100.000 người dân và giảm số người chết do bệnh lao xuống dưới 2 người/100.000 người dân vào năm 2030, hướng tới mục tiêu để người dân Hà Nội sống trong môi trường không còn bệnh lao.

Để làm được điều đó, thành phố bảo đảm hệ thống mạng lưới chương trình chống lao hoạt động thống nhất, hiệu quả tại tất cả các tuyến, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong và ngoài hệ thống chương trình chống lao. Bên cạnh đó, triển khai đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất, thuốc men và tạo điều kiện tốt nhất cho người có thẻ bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh lao cũng như ưu đãi trong chi trả chi phí khám, chữa bệnh lao từ Quỹ Bảo hiểm y tế; áp dụng các kỹ thuật chẩn đoán có chất lượng, kỹ thuật tiên tiến, các phác đồ hiện đại để tăng cường phát hiện lao sớm và điều trị bệnh hiệu quả.

Dịp này, Chương trình Chống lao quốc gia - Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB) đã phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400 mở cổng nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB từ nay đến ngày 9-5 với cú pháp: TB gửi 1402. Mỗi tin nhắn ủng hộ 18.000 đồng cho Quỹ PASTB. Ngoài ra, Chương trình Chống lao quốc gia đã tổ chức trao giải cuộc thi sáng tác với chủ đề “Cùng hành động để chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam”. Cuộc thi đã nhận được gần 100 tác phẩm dự thi, trong đó Ban tổ chức đã lựa chọn 20 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Số người chết vì bệnh lao gấp 1,5 lần số người chết do tai nạn giao thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.