Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng cháy kho, xưởng trong khu dân cư: Bao giờ mới lo “làm chuồng”?

Tiến Thành| 18/04/2019 06:38

(HNM) - Vụ hỏa hoạn khiến 8 người tử vong tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm rạng sáng 12-4 tiếp tục gióng lên hồi chuông về mất an toàn phòng cháy tại các kho, xưởng nhỏ lẻ nằm sâu trong khu dân cư trên địa bàn Hà Nội.

Hiện trường vụ cháy khiến 8 người tử vong tại nhà xưởng sản xuất ở phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm).


Hiểm họa luôn chực chờ

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới quanh khu vực xảy ra vụ cháy tại phường Trung Văn, có nhiều cơ sở kho, xưởng phế liệu tạm bợ nằm xen kẽ với nhà dân. Ngoài ra, khắp các ngõ, ngách đều tràn ngập đồng nát, ni lông, chai lọ, nhựa phế thải… của các hộ sản xuất, tái chế phế liệu.

Anh Vũ Văn Huế (ở phố Đại Linh, phường Trung Văn) cho biết, người dân rất lo lắng khi các kho, xưởng có nguy cơ cháy bất cứ lúc nào. Thực tế, vụ cháy đau lòng ngày 12-4 không phải là lần đầu tiên xảy ra tại khu vực này. Ngày 14-10-2018 cũng đã xảy ra hỏa hoạn khiến 1 người tử vong tại xưởng sản xuất ghế sofa trong Khu đô thị Trung Văn, cách hiện trường vụ cháy ở phố Đại Linh chỉ vài trăm mét.

Cũng trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, các tuyến đường K2, Phúc Diễn (phường Cầu Diễn) đang tồn tại khoảng 200 nhà kho, xưởng sản xuất hàng điện tử, sơn, giấy, chế biến gỗ… đan xen với khu dân cư khiến nhiều người dân tại đây luôn sống trong tình trạng bất an, lo lắng.

Trong khi đó, ở các nhà xưởng tái chế phế liệu tại thôn Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì), hằng ngày vẫn tấp nập xe ra vào tập kết phế liệu ni lông, nhựa, thậm chí là những vật liệu có nguy cơ nổ cao như bình gas, bình oxy cũ. Nguy cơ cháy có thể phát sinh từ hoạt động sản xuất cũng như sự bất cẩn, sơ ý trong sinh hoạt của công nhân. Ông Đỗ Vân Long, Trưởng Công an xã Tân Triều cho biết, những năm gần đây, trong thôn Triều Khúc cũng đã xảy ra một số vụ cháy nhà kho, xưởng tái chế phế liệu.

Ngoài những “điểm nóng” trên, địa bàn thành phố còn tồn tại nhiều kho, xưởng sản xuất nằm xen kẽ với khu dân cư, đặc biệt là ở những nơi đang đô thị hóa mạnh như Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Long Biên, Hoài Đức, Đông Anh... Nguy cơ cháy cao nhưng việc chữa cháy gặp nhiều khó khăn khi các kho, xưởng đều được dựng bằng khung thép, mái tôn, nằm sâu trong các con ngõ, ngách nhỏ và xưởng chỉ có duy nhất cửa ra vào.

Theo Công an quận Nam Từ Liêm, khi xảy ra cháy tại 4 kho xưởng ngày 12-4 vừa qua, do lửa và nhiệt tác động mạnh nên một số khu vực có vì kèo sắt mất tính chịu lực, mái tôn bị cong, vênh, sụp đổ, khiến người bị mắc kẹt khó thoát hiểm và việc chữa cháy, cứu nạn của lực lượng chức năng cũng rất khó khăn.

Không thể buông lỏng quản lý

Thống kê của Công an thành phố Hà Nội cho biết, hiện có khoảng 500 cơ sở là các kho, bãi hàng hóa và xưởng sản xuất thuộc diện quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, theo UBND thành phố Hà Nội, hiện có 200 xưởng sản xuất, kho chứa hàng hóa trong tổng số 1.317 cơ sở không bảo đảm về phòng cháy, chữa cháy thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết 05/2017/NQ-HĐND ngày 4-7-2017 của HĐND thành phố về “Quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực”.

Tuy nhiên, căn cứ Phụ lục 1, Nghị định 79/2014/NĐ-CP ngày 31-7-2014 của Chính phủ quy định về danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy thì các kho, xưởng sản xuất quy mô nhỏ lẻ như nêu trên lại không thuộc lĩnh vực này. Những cơ sở này do UBND các cấp cấp phép và UBND phường, xã, thị trấn trực tiếp quản lý, giám sát. Trong khi đó, cấp phường, xã, thị trấn hiện chưa có đội ngũ cán bộ chuyên trách; công tác thanh tra, kiểm tra chủ yếu dựa vào lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên nghiệp.

Theo Thiếu tá Vũ Đức Hưng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội), chính quyền địa phương ở một số nơi chưa làm đúng trách nhiệm với các đối tượng này. Đặc biệt, rất nhiều nhà xưởng hình thành từ việc vi phạm quy định quản lý đất đai, trật tự xây dựng.

“Cùng với ý thức về an toàn phòng cháy, chữa cháy chưa cao của một số chủ cơ sở kho bãi, xưởng sản xuất thì lý do trên đây chính là tồn tại, bất cập lớn nhất. Đó là nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến các vụ cháy, nổ xảy ra nhiều ở các kho, xưởng”, Thiếu tá Vũ Đức Hưng nói.

Thượng tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đề xuất, cần có chế tài mạnh để giải tỏa triệt để, di dời những kho hàng, xưởng sản xuất nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Đồng thời, cần xử lý nghiêm người đứng đầu khi để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản theo đúng tinh thần của Chỉ thị 24-CT/TU ngày 31-10-2018 của Thành ủy Hà Nội về "Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ".

Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội), trong 3 tháng đầu năm 2019, địa bàn thành phố đã xảy ra 16 vụ cháy xưởng sản xuất, kho chứa hàng hóa. Số lượng các vụ cháy tại kho, xưởng đứng thứ 2 (chỉ sau loại hình nhà dân) trong các loại hình cơ sở xảy ra cháy.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng cháy kho, xưởng trong khu dân cư: Bao giờ mới lo “làm chuồng”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.