Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dựng “rào cản” với thanh thiếu niên

Hương Ly| 24/05/2019 06:07

(HNM) - Lựa chọn lợi ích kinh tế hay sức khỏe cộng đồng, làm thế nào để hạn chế quảng cáo rượu, bia cũng như xây dựng “rào cản” hiệu quả để hạn chế thanh thiếu niên tiếp xúc với rượu, bia… là những trăn trở mà các đại biểu Quốc hội nêu ra...

Đại biểu Giàng A Chu (Đoàn Yên Bái) phát biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Ảnh: TTXVN


Chọn lợi ích kinh tế hay sức khỏe cộng đồng?

Là một trong những vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm, phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã “nóng” ngay từ những phút đầu tiên bởi những ý kiến đóng góp thẳng thắn của các đại biểu Quốc hội.

Nhắc lại thư của Liên minh Phòng, chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam về sự cần thiết của việc kiểm soát rượu, bia, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương) cho rằng, chúng ta đã thấy sự “giằng xé” giữa lợi ích kinh tế và sức khỏe cộng đồng trong dự luật này. Một trong những quy định bị đẩy ra khỏi dự luật là cấm bán rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên trên internet. Thay vào đó, dự thảo đã chế định việc bán rượu, bia trên sàn thương mại điện tử, có kiểm soát độ tuổi người tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin và mua rượu, bia. Với thực trạng phổ biến là độ tuổi tiếp cận internet ngày càng trẻ hóa, việc bỏ quy định trên liệu có hợp lý?

Cũng theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, Điều 13 của dự thảo luật quy định không quảng cáo bia từ 5,5 độ cồn trở lên trong các chương trình thể thao, văn hóa. Như vậy, bia dưới 5,5 độ cồn sẽ được quảng cáo trong các chương trình này. "Tôi đề nghị rà soát, điều chỉnh quy định ngưỡng hạn chế quảng cáo với bia có độ cồn từ 4 đến 5 độ thay vì từ 5,5 độ như dự thảo, để đạo luật bao quát hơn", đại biểu Phạm Trọng Nhân nêu ý kiến.

Nhấn mạnh tác hại của việc lạm dụng rượu, bia, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Đoàn Phú Yên) cho rằng, nếu dùng rượu, bia mà không thể kiểm soát những tác hại của nó thì bất kỳ ai cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân, thậm chí là trở thành tội phạm. Bày tỏ băn khoăn về nhóm giải pháp có tính ngăn ngừa trong dự thảo luật liệu đã đủ tạo nên “rào cản” vững chắc để thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với trẻ em, thanh niên, đại biểu cho rằng, nếu xác định kiểm soát quảng cáo để bảo vệ thanh thiếu niên thì cần chú trọng 2 vấn đề: Hạn chế đến mức thấp nhất số lượng các em tiếp xúc với quảng cáo rượu, bia và nước uống có cồn; kiểm soát nội dung quảng cáo sao cho các em không bị lầm tưởng rằng rượu, bia là tốt, là được khuyến khích sử dụng. “Chúng ta không thể loại bỏ yếu tố quan trọng nhưng lại đưa vào các điều cấm mà thực tế không diễn ra”, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền nói.

Ban hành luật để hạn chế lạm dụng rượu, bia

Băn khoăn về tính khả thi của dự thảo luật khi đưa vào áp dụng trong thực tế, đại biểu Ksor Phước Hà (Đoàn Gia Lai) cho rằng, hành vi quảng cáo rượu từ 15 độ cồn trở lên bị nghiêm cấm nhưng với rượu dưới 15 độ cồn thì như thế nào? Bởi theo đại biểu, tác hại của rượu, bia phụ thuộc vào thể trạng của mỗi người; cùng một lượng rượu, bia vào người nhưng tác hại khác nhau. Đại biểu Ksor Phước Hà cho rằng, hành vi bị cấm trong luật là khuyến mãi hoặc sử dụng rượu, bia để khuyến mãi cho người chưa đủ 18 tuổi và khuyến mãi trong hoạt động kinh doanh rượu từ 15 độ cồn trở lên, hoặc sử dụng rượu từ 15 độ cồn trở lên để khuyến mãi dưới mọi hình thức sẽ làm tăng tính kích thích cho những người dưới 18 tuổi. “Thực tế, vào những trang web hạn chế thanh, thiếu niên truy cập, bao giờ cũng có câu hỏi “Bạn đã đủ 18 tuổi chưa?”, nhưng tôi tin chắc rằng từ người lớn đến trẻ em hiện nay đều nhấp vào “tôi đã 18 tuổi”. Sau 18 tuổi đó là cái gì, tôi tin rằng nhiều đại biểu ở đây đã có cảm nhận”, đại biểu chia sẻ.

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần có chế tài quản lý chặt chẽ quảng cáo rượu, bia.


Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) đề xuất, dự thảo luật cần làm rõ, nhấn sâu vấn đề tác hại của rượu, bia là: Gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, kinh tế - xã hội, một trong những nguy cơ hàng đầu gây tàn tật và tử vong của người Việt Nam; nguyên nhân liên quan đến rối loạn tâm thần; gây tai nạn giao thông, gây tổn thương cả về tinh thần, tính mạng, cuộc sống của bản thân và người khác… Đây là điểm cực kỳ quan trọng để truyền thông sau khi luật ban hành giúp người dân có sự thay đổi về nhận thức.

Còn theo đại biểu Quàng Thị Vân (Đoàn Điện Biên), rượu, bia đang bị lạm dụng quá mức, gây hại cho sức khỏe con người, là nguyên nhân gây ra hơn 320 loại bệnh tật, là hiểm họa, nguy cơ gây tai nạn giao thông, suy thoái giống nòi, nguyên nhân của đói nghèo, đặc biệt đối với các vùng cao, nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số. Việc quá lạm dụng rượu, bia ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội của đất nước; trở thành hiểm họa, gánh nặng cho xã hội. Đại biểu đề nghị, Quốc hội sớm thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia để luật đi vào cuộc sống, được thực thi một cách nghiêm minh.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến một lần nữa khẳng định sự cần thiết ban hành luật nhằm đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri về phòng, chống tác hại của rượu, bia với tai nạn giao thông, bạo lực gia đình và vấn đề sức khỏe lâu dài của người dân.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đoàn Chủ tịch và các cơ quan hữu quan ghi nhận và tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội xem xét biểu quyết thông qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dựng “rào cản” với thanh thiếu niên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.