Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Gỡ khổ" cho cư dân chung cư "nhồi"

Kim Vũ| 13/06/2019 06:35

(HNM) - Vài năm trở lại đây, tình trạng nhồi nhét dẫn đến các chung cư ở Hà Nội

Nhiều vỉa hè của các chung cư trên đường Lê Văn Lương thường xuyên bị lấn chiếm thành nơi để xe. Ảnh: TRẦN VƯƠNG


Nỗi khổ ở chung cư "nhồi"

Hiện trên địa bàn thành phố có 1.234 chung cư cao tầng. Số chung cư không ngừng tăng thời gian qua kéo theo dân số gia tăng chóng mặt. Trong đó, đáng chú ý, phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) hiện có 82 tòa chung cư với 4 vạn người, chiếm 50% dân số của phường. Hoặc phố Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), chỉ đoạn chưa đầy 3km đã có 5 khu cao tầng và có tới 3 vạn dân... Địa bàn quận Thanh Xuân hiện nay có 98 tòa chung cư (có 8,3 vạn người), chiếm 65% dân số toàn quận (gần 12 vạn người)…

Dân số đông kéo theo nhiều hệ lụy mà cảnh mất điện, nước, thang máy hỏng, thiếu chỗ vui chơi… trở thành nỗi khổ của nhiều người.

Điển hình là cách đây không lâu, tại tòa nhà Eco Lake View, số 32 Đại Từ, phường Đại Kim (quận Hoàng Mai), hàng trăm hộ dân bị cắt nước sinh hoạt do chưa thống nhất mức đóng tiền nước và phí dịch vụ.

Đặc biệt, mới đây nhất, 17h30 ngày 11-6, hàng trăm cư dân chung cư Mỹ Sơn Tower (số 62 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân) nháo nhác khi cả tòa nhà bất ngờ mất điện. Hệ thống thang máy ngưng đột ngột khiến nhiều người bị mắc kẹt bên trong.

Hệ thống chiếu sáng tại khu vực nhà để xe tầng B1 và B2 của tòa nhà bị gián đoạn khiến hệ thống kiểm soát vé bằng điện tử không sử dụng được trong thời gian ngắn. Mặc dù ngay sau đó, người dân cùng Ban Quản lý tòa nhà đã cạy cửa thang máy giải cứu những người bị mắc kẹt ra ngoài, nhưng qua sự việc đã cho thấy bất cập của hệ thống cung cấp nguồn của tòa nhà này.

Trong khi đó, hầu hết các chung cư ở phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) đều thiếu thiết bị phòng cháy, chữa cháy do chủ đầu tư chưa chấp hành quy định...

Cùng với các sự cố điện, nước, sự quá tải dân số từ các tòa nhà chung cư cũng khiến hệ thống trường công lập “oằn” mình gánh chịu. Cụ thể, cấp tiểu học ở phường Hoàng Liệt hiện chỉ có 2 trường công lập nhưng có tới 50 lớp 1, trung bình 60-70 học sinh/lớp khiến không gian học tập của các em ngột ngạt. Đáng nói, do đông dân cư nên nhiều phụ huynh không đủ điều kiện cho con học tại trường công lập, đành học trường tư thục với chi phí đắt đỏ hơn nhiều.

Một vấn đề khác là tại tòa nhà 17T1, 18T1 Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân và Cầu Giấy) xen kẽ căn hộ cư dân ở là rất nhiều căn hộ được thuê để làm văn phòng. Trung bình mỗi căn hộ có 4-6 người ở, nhưng khi cho thuê làm văn phòng, số người tăng nhanh. Hệ lụy là sân chơi chung trước các tòa nhà bị chiếm dụng, hàng quán đua nhau mọc lên…

Tìm giải pháp tháo gỡ

Cảnh quá tải thang máy tại nhiều khu chung cư trong giờ cao điểm thường xuyên diễn ra. Ảnh: Sơn Hà


Để giảm tải bức xúc nêu trên, chính quyền sở tại đã tìm nhiều biện pháp tháo gỡ. Về phía UBND phường Đại Kim, sau khi nhận được phản ánh của các hộ dân tại tòa nhà Eco Lake View, UBND phường đã tổ chức cuộc họp 3 bên là đại diện cư dân, chủ đầu tư dự án để giải quyết những bức xúc của người dân.

Bà Bùi Thị Kim Khuê, Phó Chủ tịch UBND phường Đại Kim cho biết, trên cơ sở làm việc, UBND phường yêu cầu chủ đầu tư sớm thống nhất với các hộ về cách tính giá điện, nước; đồng thời, sớm giải quyết những bất cập theo phản ánh của người dân.

Về xử lý sự cố cháy nổ, theo ông Trần Toàn Thương, Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt, phường đã báo cáo UBND quận Hoàng Mai về thực trạng hệ thống phòng cháy, chữa cháy ở các tòa nhà cao tầng. Trên cơ sở đó, UBND quận Hoàng Mai yêu cầu lực lượng chức năng của quận và phường thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm.

Mới đây, Công an thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 89/KH-CAHN-PV01-PC07 về việc thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy đối với các khu chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn thành phố Hà Nội” năm 2019. Vì vậy, sự lo lắng của người dân sẽ sớm được giải quyết.

Đối với việc thiếu trường lớp, UBND quận Thanh Xuân đã báo cáo đề xuất UBND thành phố ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng 18 trường học giai đoạn 2015-2020 (gồm 8 trường mầm non, 8 trường tiểu học, 2 trường trung học cơ sở).

UBND quận Thanh Xuân trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp có chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thống nhất dành quỹ đất phù hợp xây dựng mới 8 trường học, trong đó 4 trường đã đi vào hoạt động, 4 trường sẽ khánh thành trong năm học 2019-2020.

Ngoài ra, theo UBND quận Hoàng Mai và Đống Đa, quận chi ngân sách để mua sắm trang thiết bị cho các trường xây mới và bổ sung cho các trường còn thiếu, cố gắng khắc phục cơ bản áp lực tuyển sinh.

Có thể nhận thấy những nỗ lực của các địa phương, cơ quan hữu quan, tuy nhiên đó chỉ là những giải pháp mang tính tạm thời. Về lâu dài, rất cần thực hiện các quy định về quy hoạch theo hướng bền vững nhằm ngăn chặn tình trạng nhồi nhét chung cư, gây ra áp lực về hạ tầng đô thị, hạ tầng văn hóa - xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Gỡ khổ" cho cư dân chung cư "nhồi"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.