Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chậm xử lý vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng

Dạ Khánh| 01/07/2019 06:51

(HNM) - Trong số 43 công trình vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng trên địa bàn thành phố (phát sinh trong năm 2015-2016), quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng chiếm số lượng nhiều nhất với tổng cộng 15 trường hợp.


Chỉ 3/43 trường hợp hoàn thành xử lý

Được UBND quận Hai Bà Trưng cấp phép xây dựng ngày 6-1-2015, xây dựng 5 tầng và tum nhưng công trình xây dựng tại số 107 phố Thanh Nhàn đã mở rộng tum thành tầng 6 và xây thêm tầng 7. Vi phạm được Đội Thanh tra xây dựng quận lập hồ sơ, UBND phường Quỳnh Lôi ra quyết định đình chỉ, song không ban hành quyết định cưỡng chế và thực hiện cưỡng chế.

Vì vậy, công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng mà chưa được xử lý. Đây là một trong số 43 công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố phát sinh trong năm 2015-2016 chưa được xử lý dứt điểm.

Lực lượng chức năng xử lý vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn quận Hai Bà Trưng.


Theo chỉ đạo tại văn bản 239/UBND-ĐT (ngày 17-1-2019), UBND thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng (năm 2015-2016) trong tháng 3-2019. Song, vì nhiều khó khăn, nên chỉ có 3/43 trường hợp hoàn thành xử lý (2 trường hợp tại huyện Thanh Trì, 1 trường hợp tại quận Hà Đông).

Tại quận Hoàn Kiếm, ông Vũ Tuấn Trung, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận cho biết, toàn bộ 8 trường hợp vi phạm tồn đọng đều là công trình nhà ở của tư nhân. Quá trình xử lý gặp khó khăn do các công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng từ lâu. Hiện, các hộ dân đang sinh hoạt, ăn ở ổn định, nên việc xử lý ảnh hưởng đến an sinh, trật tự tại khu vực, phát sinh khiếu kiện, dẫn đến quá trình xử lý bị kéo dài.

Điển hình như công trình vi phạm tại 91 phố Hàng Đào, quá trình tổ chức cưỡng chế, các hộ liền kề có đơn khiếu kiện, đề nghị làm rõ lối đi cầu thang, lối đi chung của biển số nhà... Hay công trình căn 3, 3A, 3B, 3C nhà A số 8 phố Lý Nam Đế quá trình phá dỡ ảnh hưởng đến kết cấu công trình liền kề, gây khiếu nại phức tạp...

Tại quận Hai Bà Trưng, ông Lê Hoàng Đức, Phó Chánh Văn phòng UBND quận Hai Bà Trưng cho hay, 5/7 trường hợp vi phạm tồn đọng trên địa bàn là các dự án có yếu tố phức tạp. Việc xử lý bị kéo dài do phải theo trình tự, thủ tục, thẩm định liên quan đến nhiều cấp, ngành.

Cụ thể như trường hợp xây dựng sai phép tại dự án chung cư và nhà ở thấp tầng 129D Trương Định, chủ đầu tư thay đổi kiến trúc, tăng mật độ xây dựng... Từ cuối năm 2016, Sở Xây dựng đã có văn bản báo cáo UBND thành phố và đề xuất biện pháp xử lý.

Hiện, công trình đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc chấp thuận bản vẽ điều chỉnh tổng mặt bằng, phương án kiến trúc và đang được chủ đầu tư nộp hồ sơ xin cấp phép điều chỉnh tại Sở Xây dựng...

Việc chậm xử lý các vi phạm tồn đọng thời gian qua, ông Đặng Tất Đạt, Phó Chánh Thanh tra xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, bên cạnh các nguyên nhân khách quan như trên, còn có nguyên nhân UBND các quận, huyện thiếu đôn đốc quyết liệt trong việc xử lý vi phạm...

“Gỡ” dần các vụ việc

Nhằm từng bước giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm, ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đối với các trường hợp tồn đọng, trước đây các quận, huyện mới chỉ báo cáo về hành vi vi phạm, chưa nêu cụ thể tình trạng xây dựng của từng trường hợp. Do đó, Sở Xây dựng đã cử Đoàn kiểm tra rà soát hồ sơ, đánh giá cụ thể từng trường hợp về quy mô vi phạm, hiện trạng thực tế.

Trên cơ sở đó, hướng dẫn UBND các quận, huyện căn cứ quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng hiện hành để xem xét, xử lý từng trường hợp. Công trình nào phù hợp quy hoạch, đủ điều kiện tồn tại thì tổ chức họp để xin ý kiến tham vấn của liên ngành, thống nhất biện pháp xử lý, báo cáo UBND thành phố xem xét quyết định; nếu không sẽ quyết liệt tổ chức cưỡng chế, xử lý dứt điểm...

Tại quận Hai Bà Trưng, ông Lê Hoàng Đức cho biết, dưới sự hướng dẫn và phối hợp của các sở, ngành, các vi phạm tồn đọng tại địa bàn đang từng bước được tháo gỡ. “Hai công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ (107 phố Thanh Nhàn, 823 phố Bạch Đằng) đã có quyết định cưỡng chế. Cùng với sự vận động của UBND các phường Quỳnh Lôi, Bạch Đằng, hiện chủ đầu tư đang tự tháo dỡ các hạng mục vi phạm, dự kiến hoàn thành trong quý III-2019...” - ông Lê Hoàng Đức thông tin.

Tại quận Hoàn Kiếm, các trường hợp vi phạm tồn đọng cũng đang được tập trung xử lý. Ông Vũ Tuấn Trung cho biết, Chủ tịch UBND quận đã phân công một đồng chí phó chủ tịch phụ trách, hằng tháng đều tổ chức họp với các phường, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị để kiểm điểm, đánh giá...

Đến nay, các công trình vi phạm tại: 54 Thợ Nhuộm, 84 Thợ Nhuộm, 128-130 Hàng Bông, 45-47 Hàng Đồng, 43 Hàng Đồng, đã được lên phương án cưỡng chế. Hiện, UBND quận Hoàn Kiếm đang giao Phòng Tài chính - Kế hoạch thẩm định dự toán kinh phí cưỡng chế. Hai công trình có khiếu kiện thì đang được xây dựng lại phương án cưỡng chế sau khi các phòng, ban vào cuộc, làm rõ các khúc mắc...

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên công tác xử lý vi phạm tồn đọng “lỗi hẹn” thời gian theo tiến độ. Do đó, để các vi phạm không còn "treo", rất cần sự quyết liệt của các cấp, ngành; gắn trách nhiệm với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sở, ngành, quận, huyện, trong việc giám sát, đôn đốc thực hiện.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chậm xử lý vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.